Vị trí của đạo vợ chồng trong gia đình và xã hội Việt Nam truyền thống

Một phần của tài liệu ĐẠO VỢ CHỒNG TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM (Trang 42 - 48)

1.2.2. Vị trí của đạo vợ chồng trong gia đình và xã hội Việt Nam truyền thống truyền thống

Từ bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam đã kết tinh nhiều tinh hoa văn hóa đậm bản sắc dân tộc như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ, anh chị em hòa thuận thương yêu, vợ chồng thủy chung tình nghĩa... Những tinh hoa văn hóa đó đã trở thành nền nếp gia phong, cố kết chặt chẽ để nuôi dưỡng, hoàn thiện nhân cách cho mỗi thành viên gia đình. Bên cạnh quan niệm về đạo hiếu, đạo đễ thì nét đặ trưng, nét riêng lớn nhất mà ai cũng có thể nhận thấy trong gia đình Việt Nam truyền thống đó là đạo vợ chồng. Đối với mỗi con người, gia đình có vai trò rất quan trọng - gia đình là cái nôi hình thành nhân cách mà khởi đầu là mối quan hệ vợ chồng, nhân cách người vợ, người chồng được kết tinh thành đạo vợ chồng. Gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa

các thành viên: “Trong tình yêu kiểu xưa cũ ấy, có hai yếu tố cơ bản là niềm tin và lòng thương nhau của hai con người có cùng cảnh ngộ. Hai yếu tố tin và thương ấy chính là cái nghĩa trong đạo vợ chồng” [28, 88]. Tính ưu việt của gia đình Việt Nam truyền thống là lưu giữ những chuẩn mực đạo đức đối với mỗi thành viên trong gia đình nói chung, với người vợ, người chồng – lòng thuỷ chung, sống tình nghĩa, sự hoà thuận. Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao thế hệ nối tiếp nhau, những chuẩn mực của gia đình vẫn được giữ gìn, tiếp nhận và phát huy.

Gia đình truyền thống là khái niệm mà các nhà nghiên cứu dùng để chỉ gia đình đã hình thành và tồn tại trong quá khứ chứa đựng yếu tố bền vững được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những yếu tố đó phản ánh nền văn hóa bản địa và tạo lên nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Gia đình truyền thống là khái niệm mang nhiều nghĩa khác nhau, trong đó sự thủy chung, lòng yêu thương và ý thức trách nhiệm là những giá trị cơ bản. Theo giáo sư Đỗ Thái Đồng: “Gia đình truyền thống chắc hẳn là hình thái gia đình ở nông thôn, là gia đình ở những xã hội nông nghiệp Á Đông đã tồn tại lâu đời và gần như bất biến trên nhiều khía cạnh. Như vậy, đó cũng là kiểu gia đình nông nghiệp, là một định chế gắn liền với nền nông nghiệp cổ truyền, sự nhất trí về khái niệm gia đình truyền thống có lẽ chỉ giới hạn đến đó” [18, 72]. Theo GS Lê Ngọc Văn: “Gia đình truyền thống là sản phẩm của xã hội nông nghiệp ở Việt Nam mà tiêu biểu là đồng bằng Bắc Bộ là nông nghiệp sản xuất lúa nước, trồng lúa nước... Hơn thế nữa, đó là loại gia đình nhỏ tức là những gia đình hạt nhân hay nửa hạt nhân hóa” [45, 24]. Như vậy, gia đình Việt Nam truyền thống với tư cách là một chế định xã hội lâu đời và ít biến đổi, tồn tại trong một thời kỳ lịch sử lâu đời đã mang những đặc trưng riêng khác với gia đình hiện đại, cũng như khác với gia đình truyền thống của một số quốc gia khác trong khu vực. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, quan hệ vợ chồng bắt nguồn từ hôn nhân. Hôn nhân là việc hệ trọng, là công việc của

cả gia đình mà trước hết là cha mẹ theo tinh thần “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Như F.Ăngghen đã nhận xét: “Trong suốt thời cổ đại các cuộc hôn nhân đều do cha mẹ quyết định thay cho con cái và các con cái đều yên tâm vâng theo” [44, tr122]. Gia đình Việt Nam truyền thống đặc biệt đề cao quan hệ vợ chồng tình nghĩa. Tình nghĩa ở đây được thể hiện trong nghĩa vợ chồng xuất phát từ lòng nhân ái tự nhiên của con người, từ sự chung lưng đấu cật trong cuộc sống. Tình nghĩa vợ chồng còn thể hiện ở sự thương cảm, no đói có nhau, khổ cực có nhau. Trong quan hệ vợ chồng, giá trị đạo đức nổi bật và được gia đình Việt Nam truyền thống coi trọng đó là lòng thủy chung. Lòng thủy chung là cái cốt lõi để xây dựng gia đình ổn định êm ấm. Trong quan hệ vợ chồng mặc dù tồn tại những mặt hạn chế cần phê phán, nhưng những giá trị lịch sử đó là lòng thủy chung, tình nghĩa vợ chồng, sự hòa thuận vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống hiện nay, được con người Việt kế thừa, phát huy lên bước cao hơn phù hợp với xu thế thời đại.

Đạo vợ chồng là gốc của mọi giá trị đạo đức, là thước đo xác định giá trị đạo đức người vợ, người chồng; là tình cảm tự nhiên của vợ chồng với nhau, biểu hiện tập trung nhất là sự thủy chung, hòa thuận, sống nghĩa tình; là chuẩn mực đạo đức quan trọng chi phối các quan hệ khác và các chuẩn mực đạo đức khác trong gia đình. Có thể nói rằng, đạo vợ chồng trong văn hóa Việt Nam là một trong những giá trị căn bản của văn hóa dân tộc, phản ánh thực tiễn cuộc sống con người Việt Nam nói chung, đời sống vợ chồng nói riêng. Là sự kết tinh lối sống, phẩm chất đạo đức tốt đẹp và sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của người Việt Nam. Cùng với đạo làm người, đạo vợ chồng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, làm nên sức mạnh trường tồn của dân tộc. Đạo vợ chồng với chuẩn mực, yêu cầu đòi hỏi trong các tương quan cụ thể, các hành vi cụ thể, các trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như trong việc giữ gìn nề nếp gia phong... Đạo vợ chồng còn là những yêu cầu đòi hỏi người vợ phải giữ tiết hạnh, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng cha mẹ chồng, chăm lo công việc gia đình nhà chồng ; người chồng phải có trách nhiệm trụ cột gia

đình, tôn trọng vợ, tránh không làm các điều xấu như say rượu, cờ bạc,... Đạo vợ chồng còn là chuẩn mực có tính nêu gương, cổ vũ vợ chồng yêu lao động, cần cù, tiết kiệm, hòa thuận...

Đạo vợ chồng trong quá trình hình thành và phát triển có tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, do vậy mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong thời kỳ đầu dựng nước người Việt Nam đã ý thức về cội nguồn, tạo dựng đức tính cần cù, tiết kiệm, chất phác, giản dị, hài hòa trong ứng xử giữa vợ chồng. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển quốc gia phong kiến độc lập tự chủ từ thế kỷ X đến XIV, chuẩn mực đạo vợ chồng được bổ Sung và làm phong phú thêm bởi những giá trị của Tam giáo. Đó là những bước phát triển về chất trong nội dung đạo vợ chồng trong văn hóa Đại Việt.

Như vậy, đạo vợ chồng trong văn hóa Việt Nam đã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó là nền tảng nhân sinh quan để hình thành nên lối sống, nhân cách văn hóa của con người Việt Nam. Nó là những dấu chỉ định hình tư duy và hoạt động của vợ chồng người Việt và là tiêu chuẩn cao nhất để định giá người vợ, người chồng. Đạo vợ chồng là triết lý nhân sinh quan trọng là định hướng giá trị cho văn hóa gia đình nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, nó cũng là nguồn lực bảo đảm cho dòng chảy văn hóa Việt Nam có sức sống trường tồn trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Tiểu kết chương 1

Nếu như triết học phương Tây thường gắn với những thành tựu của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên thì triết học phương Đông thường gắn liền với chính trị - xã hội, đạo đức (triết học Trung Quốc), tôn giáo (triết học Ấn Độ), những tư tưởng triết học Việt Nam thì gắn liền với triết lí nhân văn sâu sắc. Dân tộc Việt Nam không có một nền triết học đồ sộ, và phát triển rực rỡ như triết học Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ,... song những triết lý về con

người, về mối quan hệ giữa con người với con người mà tiêu biểu là đạo vợ chồng trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam thì lại rất đa dạng, phong phú. Người Việt Nam có tư duy khái quát phát triển rất sớm. Biết rút ra những cái chung từ quan sát các hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người. Biết lấy quá khứ để soi và hiện tại, căn cứ vào hiện tại để định hướng cho tương lai, xem xét sự vật, hiện tượng trong sự vận động và phát triển... Trong quá trình phát triển đó, người Việt lựa chọn cho mình một cách giáo dục vợ chồng trong khuôn khổ gia đình một cách nhẹ nhàng, thâm thúy đôi khi có pha chút hài hước, dí dỏm thông qua những tục ngữ, ca dao. Và như vậy, tục ngữ, ca dao là những bài học có giá trị giáo dục vô cùng quý giá cho lớp lớp thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Có thể nói, tục ngữ, ca dao là một phần quý giá trong kho tàng văn hóa tinh thần của người Việt. Ông cha ta đã mượn tục ngữ, ca dao để bày tỏ những quan điểm của mình về mọi phương diện của đời sống xã hội. Với vấn đề đạo vợ chồng tục ngữ, ca dao đã kiến giải vấn đề ấy một cách sấu sắc, cụ thể, ở mọi góc cạnh từ trong lao động đến đời sống hàng ngày. Qua những câu tục ngữ, ca dao nhân dân ta không chỉ muốn thể hiện mối quan hệ vợ chồng Việt một cách ngộ nghĩnh hóm hỉnh mà đọng lại sau là cái tình nghĩa, đạo lý sống sâu sắc. Qua đó cũng thấy xã hội Việt Nam luôn đề cao tình cảm gia đình sống có trước có sau, mối quan hệ vợ - chồng luôn là mối quan hệ rường cột trong gia đình Việt Nam.

Chương2. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO VỢ CHỒNG TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM

Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ chủ chốt nhất trong quan hệ gia đình. Thông qua những bài tục ngữ, ca dao về ;tình cảm gia đình để phân tích, nắm bắt những nét cơ bản, chủ yếu trong mối quan hệ vợ chồng. Phản ánh những mối quan hệ tình cảm trong gia đình, tục ngữ , ca dao không chỉ phản ánh

những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, mà còn phản ánh những xung đột, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Trong các lời tục ngữ , ca dao về tình cảm gia đình thì tình cảm vợ chồng là một loại tình cảm được đề cập nhiều. Quan hệ vợ chồng cũng là một kiểu quan hệ được quan tâm đặc biệt của tục ngữ, ca dao. Đối với người chồng: trong đời sống hàng ngày, người chồng luôn tôn trọng vợ, chia sẻ với vợ khi cần. Mặt khác, người chồng cũng hướng đến chí lớn, mong muốn được lập công danh... Đối với người vợ: với bản chất Á Đông thuần túy, người vợ đã trở thành một người vợ kiểu mẫu cho lý tưởng xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đời sống hằng ngày, người vợ luôn yêu thương, chung thủy, luôn biết hi sinh, nhẫn nhục để giữ hạnh phúc gia đình.

Theo tác giả Phạm Việt Long, “Khái niệm đạo nghĩa – đạo vợ chồng được dùng trong tục ngữ, ca dao có nội dung khá rộng, bao hàm cả ý nghĩa vật chất và ý nghĩa tinh thần. Về ý nghĩa vật chất, vợ chồng cần thể hiện sự âu yếm nhau, chịu đựng thiếu thốn, không phụ thuộc vào của cải. Về ý nghĩa tinh thần, đạo nghĩa bao hàm cả tình cảm và ý chí, vợ chồng phải thương yêu nhau, hòa thuận, chung thủy” [25, 25]. Bàn về đạo vợ chồng, tác giả Phạm Việt Long thống kê, có 285 câu tục ngữ nói về quan hệ vợ chồng theo nội dung như sau: 31 câu nói lên sự gắn bó vợ chồng, 4 câu ngược lại, 93 câu về mối quan hệ vợ - chồng, 46 câu về mối quan hệ chồng – vợ, 20 câu về cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng, 87 câu về các tình huống tạo sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng, 3 câu về vợ chồng trong quan hệ với cha mẹ, 2 câu về vợ chồng trong quan hệ với làng nước, 44 câu về những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng. Phản ánh mối quan hệ vợ chồng có 690 câu ca dao, chiếm 58,52% tổng số câu ca dao về gia đình. Thống kê trên cho thấy tục ngữ, ca dao về quan hệ vợ chồng chiếm số lượng lớn và sự quan tâm nhìn nhận quan hệ vợ chồng ở nhiều khía cạnh khác nhau của người Việt.

Dưới chế độ phong kiến, mặc dù bị đàn áp, bị luân lý phong kiến mê hoặc nhưng những tư tưởng chống đối vẫn nảy nở và phổ biến rộng rãi trong câu tục ngữ ca dao nói lên mối quan hệ vợ chồng gắn bó, son sắc, hòa thuận. Tục ngữ, ca dao đã lên án những mặt tiêu cực thường thấy trong đời sống vợ chồng như cưỡng ép hôn nhân, tảo hôn, cảnh đa thê, góa bụa, cảnh không dân chủ...

Một phần của tài liệu ĐẠO VỢ CHỒNG TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w