Tuy nhiên bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, vẫn còn có một số vấn đề tồn tại, hạn chế như việc huy động vốn vay mới tập trung vào tăng quy mô, mở rộng diện, chưa đề cao hiệu quả, chỉ căn cứ vào đề xuất của các ngành, địa phương mà chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, đồng bộ, cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác và gắn với các hạn mức về vay nợ và khả năng trả nợ.
Nhu cầu huy động vốn vay cho đầu tư phát triển hàng năm rất lớn có khả năng làm cho nợ công tăng nhanh, trong khi cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ đến hạn.
Quản lý nợ công còn phân tán, phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ; địa phương chưa xây dựng được chiến lược huy động và quản lý nợ công, chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch trả nợ trung hạn và dài hạn, cũng như chưa chủ động tìm kiếm các khoản vay khác nhằm đa dạng danh mục nợ, đảm bảo chỉ tiêu huy động phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kịp tiến độ, kế hoạch đã đề ra của địa phương.
61
Tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết các hợp đồng xây lắp, mua sắm trang thiết bị và dịch vụ tư vấn, công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư; vẫn còn một số dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, cụ thể như:
+ Hạn mức tín dụng hàng năm được phân bổ chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân một số dự án đạt thấp so với kế hoạch cũng làm hạn chế trong việc triển khai đồng bộ các chương trình, trong khi địa phương đang phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương (trên 40% tổng chi cân đối hàng năm), từ đó cũng làm hạn chế việc thực hiện các chương trình (phân bổ vốn vay không thể tập trung dứt điểm từng dự án, do các huyện, thị xã, thành phố đều cần vốn thực hiện).
+ Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thường gặp khó khăn do một bộ phận người dân không đồng thuận về giá cả, vị trí, điện tích đất để xác định bồi thường thực hiện dự án đẫn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án còn chậm.
+ Do năng lực của yếu kém của chủ đầu tư nên công tác chuẩn bị đầu tư như lập dự án, thiết kế dự toán, mời thầu và tổ chức đấu thầu… của một số dự án còn kéo dài, chậm giải ngân, làm giảm hiệu quả của vốn vay, lãng phí ngân sách nhà nước chi trả phí và lãi vay.
Kết luận chương 2
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả huy động và quản lý nợ công, Chương 2 của luận văn đã phân tích, đánh giá thực trạng huy động và quản lý nợ công của tỉnh Vĩnh Long để tìm ra những nguyên nhân của kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình huy động quản lý nợ công của địa phương từ đó đưa ra những giải pháp và kiến nghị trong Chương sau.
62
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NỢ CÔNG
3.1. Kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 dự kiến 93.337,824 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương 2.056,504 tỷ đồng, nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 8.825,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài 4.651,79 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 8.951,33 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước 1.750 tỷ đồng, nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương 4.684,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp nhà nước 1.500 tỷ đồng, vốn tư nhân và dân cư 60.000 tỷ đồng, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư 1.500 tỷ đồng.