3.1. Định hướng phát triển hoạt động tín dụng đối với
DNVVN tại MSB Thanh Xuân
3.1.1. Định hướng phát triển DNVVN của Nhà nước
Vai trò của DNVVN đã được thừa nhận rộng rãi và phân tích cụ thể ở chương 1, tuy nhiên, tùy vào tính chất kinh tế, văn hóa, chính trị của mỗi quốc gia mà phương pháp phát triển tín dụng giành cho đối tượng doanh nghiệp này lại được áp dụng linh hoạt để phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế lâu dài cho quốc gia đó. Với nét đặc thù là nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp, đại bộ phận các doanh nghiệp đang hoạt động trong hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế đều là DNVVN và xu hướng các doanh nghiệp được thành lập trong thời gian tới chủ yếu cũng sẽ là DNVVN. Nhận thức được vấn đề phát triển DNVVN là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2006- 2010 và 2011- 2020, với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển DNVVN. Kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2006- 2010 cụ thể hóa trong QĐ 236/2006/QĐ- TTg ban hành ngày 23/10/2006, trong đó mục tiêu phát triển đối tượng này ở nước ta là: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng cho nền kinh tế”.
Quan điểm về phát triển DNVVN như sau:
Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ
phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Nhà nước tạo môi trường về pháp luật và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.
Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tạo nhiều việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với các mục tiêu quốc gia, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc, phụ nữ, người tàn tật … làm chủ doanh nghiệp; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao.
Hoạt động trợ giúp của Nhà nước chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Gắn hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược này, ngày 30/06/2009, Chính phủ đã ban hành nghị định số 56/2009/ NĐ- CP về trợ giúp phát triển DNVVN với các chính sách trợ giúp như sau:
Trợ giúp tài chính: thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN; ban hành cơ chế khuyến khích và dành một số dự án hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính phù hợp mở rộng tín dụng cho các DNVVN; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực lập dự án, phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của DNVVN; Thành lập Quỹ phát triển DNVVN.
Trợ giúp mặt bằng sản xuất.
Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật.
Tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công.
Thông tin và tư vấn cho DNVVN.
Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực. Vườn ươm doanh nghiệp.
3.1.2. Định hướng phát triển tín dụng đối với DNVVN của Chi nhánh Thanh Xuân
Với mục tiêu xác định DNVVN là đối tượng khách hàng chiến lược của Chi nhánh trong năm 2011 cũng như những năm tiếp theo, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã đề ra chiến lược nhằm tăng cường quan hệ với các DNVVN trên địa bàn, tích cực mở rộng tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp này, từ đó tạo sức bật đưa Chi nhánh phát triển, cụ thể:
Tích cực, chủ động tìm kiếm khách hàng mới, thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các khách hàng truyền thống, phấn đấu dư nợ với DNVVN đến
cuối 2011 tăng ít nhất 50% so với cuối năm 2010, thu hút thêm ít nhất 30 khách hàng DNVVN mới.
Quản lý chặt chẽ chất lượng tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ nợ quá hạn dưới 5%.
Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhân lực cho Chi nhánh, đặc biệt cho phòng Khách hàng doanh nghiệp, tuyển thêm ít nhất 5 cán bộ tín dụng mới, đáp ứng cho mục tiêu phát triển của Chi nhánh.
Tăng cường công tác huy động vốn tiền gửi của cá nhân cũng như các DNVVN, mở rộng hoạt động dịch vụ tăng nguồn thu cho Chi nhánh.
3.2. Giải pháp mở rộng tín dụng đối với DNVVN tại Chi
nhánh Thanh Xuân