Trong những năm qua, Chi nhánh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu Maritime Bank Thanh Xuân luôn “ tạo lập giá trị bền vững” cho khách hàng của mình. Dưới đây là những thành tựu mà MSB Thanh Xuân đã đạt được trong thời gian qua:
- Lợi nhuận tăng trưởng cao, ổn định qua các năm, trong đó nòng cốt vẫn là thu nhập lãi thuần, trong năm 2010 chỉ tiêu này đã tăng trưởng 100,06% khiến cho lợi nhuận trước thuế của Chi nhánh tăng 123,43%.
- Dư nợ cho vay của Chi nhánh đã có sự tăng trưởng đáng kể ,mà đóng góp chủ yếu đến từ DNVVN. Khi dư nợ với DNNN lớn giảm dần thì số dư nợ với DNVVN tăng lên với tốc độ cao để không chỉ bù đắp cho phần sụt giảm đó mà còn tạo ra tăng trưởng dư nợ. Kể cả khi dư nợ DN lớn bị chuyển đi thì dư nợ của Chi nhánh cuối năm 2010 chỉ nhỏ hơn so với cuối năm 2009 hơn 66 tỷ đồng.
- Chỉ tiêu nợ xấu của Chi nhánh ở mức rất thấp, tỷ lệ nợ xấu xét chung cho DN có quan hệ tín dụng với Chi nhánh cũng như xét riêng cho DNVVN luôn ở mức dưới 0,1%.
- Uy tín của Chi nhánh trên địa bàn ngày càng tăng cao, thị phần được mở rộng, khả năng cạnh tranh cải thiện đáng kể. Tín dụng với DNVVN có ý nghĩa quan trọng với Chi nhánh trong việc tăng thị phần và chiếm lĩnh thị trường. Chỉ tiêu về số lượng cũng như dư nợ các DNVVN có quan hệ với Chi nhánh là chỉ báo quan trọng giúp ngân hàng định vị vị trí của mình trên địa bàn. Với chiến lược phát triển hợp lý cùng đội ngũ nhân viên năng động, Chi
nhánh thu hút ngày càng nhiều khách hàng DNVVN, từ đó nâng cao vị thế nhà cho vay có uy tín của mình.
- Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ có sự gia tăng đáng kể. Có sự tăng trưởng này là do DNVVN không chỉ vay vốn ngân hàng mà còn sử dụng các dịch vụ gia tăng khác ngân hàng cung cấp nên mở rộng tín dụng vì thế có tác động lan tỏa ra ngoài hoạt động tín dụng thuần túy.
- Sau 5 năm hoạt động, Chi nhánh đã xây dựng được cho mình đội ngũ cán bộ, nhân viên đặc biệt là đội ngũ cán bộ tín dụng vừa giỏi chuyên môn vừa an cần, chu đáo phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng cũng như thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Đây chính là nguồn lực quý giá của Chi nhánh.
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Tồn tại
Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, trên thực tế, hoạt động tín dụng với DNVVN tại Chi nhánh còn một số tồn tại:
- Tốc độ tăng trưởng tín dụng với DNVVN còn chưa xứng với tiềm năng. Số lượng cũng như dư nợ của DNVVN tại Chi nhánh dù có bước tăng trưởng khá nhưng xét trên địa bàn Thanh Xuân- Hà Đông còn rất nhiều tiềm năng phát triển, khu vực này có tốc độ đô thị hóa nhanh với hàng loạt công trình, dự án đang được xây dựng, thương mại, dịch vụ cũng phát triển nhanh chóng, Chi nhánh cần khai thác tốt hơn nữa lợi thế của địa bàn đang hoạt động.
- Chất lượng tín dụng chưa thực sự đảm bảo: Tỷ lệ nợ xấu của toàn Chi nhánh cũng như với DNVVN nói riêng luôn ở mức thấp nhưng tỷ lệ nợ quá hạn còn cao và chưa được giải quyết khi tỷ lệ này là 13,34% cuối năm 2010. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ quá hạn cũng như nợ xấu của DNVVN có xu hướng cao hơn các tỷ lệ này tính cho toàn Chi nhánh khiến cho việc mở rộng tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Cơ cấu cho vay theo lĩnh vực hoạt động cũng chưa thực sự cân đối, dư nợ nghành nông nghiệp còn rất thấp mặc dù địa bàn Chi nhánh hoạt động tiếp giáp với khá nhiều vùng ngoại thành.
- Các thủ tục cho vay còn phức tạp, cứng nhắc; phương thức cấp tín dụng chưa thực sự đa dạng: Mặc dù đã có chủ trương tích cực hướng tới đối tượng DNVVN nhưng các quy định, thủ tục về cho vay với DNVVN nhìn chung không có sự khác biệt với loại hình khác, quy trình tín dụng còn rườm rà, thời gian xét duyệt còn kéo dài, thủ tục tài sản bảo đảm còn quá chặt chẽ… Phương thức cho vay cũng không có nhiều đổi mới, chủ yếu vẫn là cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, chiết khấu thương phiếu, các phương thức khách như bao thanh toán, cho thuê tài chính… chưa được áp dụng.
2.3.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân khách quan
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong ba năm vừa qua, có những diễn biến hết sức bất lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN. Khủng hoàn tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và cả ngân hàng. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, sản xuất ứ đọng làm cho họ rất vất vả để trả nợ ngân hàng đúng hạn. Giai đoạn cuối 2010, đầu 2011, lãi suất tín dụng tăng cao khiến cho doanh nghiệp hạn chế vay vốn vì không thể có phương án kinh doanh đủ hiệu quả để trả lãi và có lợi nhuận. Bất ổn vĩ mô, điển hình là lạm phát tăng cao cũng khiến cho người gửi tiền luôn có tâm lý gửi ngắn hạn, khiến nguồn vốn dành cho tín dụng của ngân hàng cũng không ổn định.
Hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở khiến cho việc thành lập doanh nghiệp trở nên khá dễ dàng. Chính điều này đã cho ra một bộ phận doanh nghiệp, chủ yếu là
DNVVN hoạt động kém hiệu quả, thậm chí một số trường hợp thành lập doanh nghiệp để lừa đảo, làm ăn phi pháp khiến cho ngân hàng e dè trong thiết lập quan hệ tín dụng với DNVVN.
Thị trường bất động sản diễn biến khó lường và biến động liên tục, trong khi đó lại thiếu đi tính định hướng từ các cơ quan chức năng trong những năm qua khiến cho việc đánh giá giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản trong hợp đồng thế chấp trở nên khó khăn, hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng vì vậy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội còn diễn ra chậm chạp làm cho việc ghi nhận tính hợp pháp của tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, vì thế đã bị từ chối khi có nhu cầu về vốn tín dụng do không đáp ứng đủ yêu cầu về tài sản đảm bảo mặc dù kế hoạnh kinh doanh là tốt.
Nguyên nhân chủ quan từ phía DNVVN
Tình hình tài chính của DNVVN còn yếu kém, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế khiến cho ngân hàng thiếu tin tưởng vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phương án kinh doanh mà doanh nghiệp xây dựng còn thiếu khả thi, thiếu kế hoạch mang tính chiến lược nên doanh nghiệp khó thuyết phục được ngân hàng cho vay.
Các DNVVN còn thiếu hợp tác trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực cho ngân hàng về tình hình hoạt động kinh doanh của họ, các báo cáo tài chình thiếu minh bạch làm cho công tác thẩm định của cán bộ tín dụng gặp khó khăn.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng là nguyên nhân khiến việc mở rộng tín dụng gặp khó khăn. TSĐB của một số DNVVN không đủ hoặc không đạt yêu cầu, hoặc vướng mắc trong sở hữu tài sản, giữa pháp nhân- doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp đó, hay khoản vay lại được bảo lãnh bởi bên thứ ba…
Nguyên nhân từ phía Chi nhánh Thanh Xuân
- Quy trình tín dụng cũ còn khá khắt khe với DNVVN trong khi Quy trình tín dụng mới mà Chi nhánh đang áp dụng thử nghiệm tuy có ưu điểm là đánh giá chính xác hơn khả năng của DN nhưng lại đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN.
- Đội ngũ cán bộ tín dụng của Chi nhánh đều có trình độ tốt, tuy nhiên tuổi đời còn trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa am hiểu kỹ hoạt động kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp hay từng lĩnh vực, ngành hàng kinh doanh, còn yếu về các kỹ năng mềm như giao tiếp hiệu quả, đàm phán, thuyết phục khách hàng….
- Danh mục sản phẩm chưa đa dạng, các hình thức cho vay chưa có nhiều đổi mới, chưa có các sản phẩm chuyên biệt dành cho DNVVN khiến cho họ quan tâm và thấy sự khác biệt với các ngân hàng khác.
- Chính sách marketing để tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm… đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Chưa nhiều DNVVN trên địa bàn biết đến Chi nhánh, cũng như chưa nhiều DNVVN sau khi tiếp xúc với Chi nhánh thiết lập được quan hệ tín dụng.
- Ngân hàng Hàng Hải hiện đang chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động theo hướng một ngân hàng hiện đại, quá trình này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho ngân hàng trong thời gian tới, tuy nhiên cũng vì thay đổi trong thời gian ngắn nên còn nhiều bỡ ngỡ cho đội ngũ nhân sự, khiến cho hoạt động mở rộng tín dụng bị ảnh hưởng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2