7. Cấu trúc của Luận án
2.2.1. Cơ sở khách quan
2.2.1.1. Phật giáo ở vương quốc Nam Chiếu và ảnh hưởng của nó đối với người Thái
Vào thế kỉ VII, VIII sau công nguyên, tại vùng Vân Nam (Trung Quốc) đã xuất hiện một nhà nước lớn mạnh với tên gọi Nam Chiếu (Nan Chao) và có ảnh hưởng khá lớn đến quá trình di cư của người Thái xuống khu vực Đông Nam Á lục
địa. Không những thế, sự phát triển của các tôn giáo tại Nam Chiếu cũng như tác
động không nhỏ tới đời sống của các nhóm tộc người Thái, trong đó có Phật giáo. Nhà nước Nam Chiếu - Đại Lý tồn tại từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XIII thì suy vong bởi sự tấn công và thôn tính của nhà Nguyên năm 1253. Cũng chính trong giai
đoạn này, một luồng di cư xuống phía Nam của các dân tộc tại Nam Chiếu trong đó có người Thái đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ, “sôi sục” để đưa đến sự xuất hiện của một hiện tượng được nhiều nhà sử học gọi là “thế kỉ Thái” tại khu vực trung tâm của Đông Nam Á lục địa.
Trước khi Phật giáo được truyền bá và giữ địa vị chủ đạo tại đây, cư dân Nam Chiếu đã duy trì hình thức Saman giáo (hình thức cuối của tôn giáo nguyên thủy trước khi bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên). Cư dân thờ các loại ma quỷ, thần linh và luôn có một người đứng đầu đảm nhiệm vai trò giao tiếp với thần linh, có khả năng trừ ma, diệt quỷ gọi là các “thầy phù thủy”. Các “thầy phù thủy” với những khả năng của mình đã chiếm một vị trí và vai trò quan trọng trong cộng đồng cư dân Nam Chiếu ngay cả khi Phật giáo đã được truyền bá.
Thời điểm Phật giáo được truyền bá vào Nam Chiếu cho tới nay vẫn chưa
được xác định một cách chính xác, nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng Phật giáo đã được truyền vào Vân Nam từ thời nhà Đường (618 - 907),
song từ thế kỉ VIII trở đi, Phật giáo mới từng bước phát huy được sức mạnh của mình [29, tr.261].
Cả Chiêm Toàn Hữu và Trevo Ling O đều nhận định rằng, Phật giáo Đại thừa đã được truyền vào vùng Vân Nam từ thế kỉ VII.
Theo Chiêm Toàn Hữu: “Thời gian Phật giáo du nhập vào Vân Nam là dưới triều đại nhà Đường, chủ yếu thông qua bốn con đường. Thứ nhất, thông qua các
kinh điển về Thiền tông - tiếng Hán từ Trung thổ, đây được coi là Hán địa Phật
giáo hay Hán truyền Phật giáo, chủ yếu du nhập vào dân tộc Di, Hán và Bạch thuộc khu vực Điền Trì, Nhĩ Hải; Thứ hai là Mật giáo hay Mật tông, chủ yếu du
nhập vào dân tộc Tạng, Bạch, Nạp Tây ở Nhĩ Hải và khu vực Điền Tây Bắc; Thứ
ba, là thông qua các sách bằng tiếng Myanma (thường gọi là giáo lý Tiểu Thừa), chủ yếu du nhập vào các dân tộc như Thái, Bố Lang, Đức Ngang…Thứ tư là thông qua các văn bản bằng tiếng Tạng từ Thổ Phiên (Tạng truyền Phật giáo hay Lạt Ma giáo), chủ yếu du nhập vào các dân tộc như Tạng, Nạp Tây…sinh sống ở khu vực Điền Tây Bắc. Phật giáo ở Vân Nam có nhiều nguồn gốc và chi phái nên nội dung
rất phong phú, mỗi phái có một đặc sắc riêng” [29, tr.263].
Theo cuốn Buddhism Imperialism and war của Trevo Ling O thì Phật giáo
Đại thừa đã được truyền vào vùng Vân Nam (Trung Quốc) từ thế kỉ VII thông qua con đường bộ của các thương nhân Ấn Độ từ Assam, qua Thượng Miến vào Vân Nam [146, tr.3].
Theo tác giả Wu Zhi Qing thuộc Sở nghiên cứu văn hóa Đạo giáo và tôn giáo
Đại học Tứ Xuyên trong bài viết “Dân tộc Thái ở Vân Nam và Phật giáo Tiểu
thừa” cho rằng “Phật giáo được truyền vào Nam Chiếu theo cả hai dòng: Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Đại thừa và cả Phật giáo Tiểu thừa. Trong đó, Phật giáo Hán truyền (Bắc truyền) được truyền vào Vân Nam từ
thế kỉ IX và Phật giáo Tiểu thừa được truyền vào khu vực sinh sống của người Thái tại Tây Song Bản Nạp vào thế kỉ X” [160, tr.1].
Như vậy, trong khoảng thời gian từ thế kỉ VII trở đi, Phật giáo đã không ngừng được truyền bá vào Nam Chiếu, bao gồm cả Phật giáo Đại thừa vfa Phật giáo Theravada. Lúc này, Phật giáo của nhà Đường cũng bắt đầu phát triển mạnh, nhất là khi Huyền Trang thỉnh kinh Tây Trúc (Ấn Độ) trở về. Chính điều này sẽ khiến cho
các tộc người tại đây có điều kiện để tự do lựa chọn dòng Phật giáo phù hợp với đời sống tâm linh của mình và người Thái cũng không nằm trong trào lưu đó.
Việc chấp nhận và tin theo Phật giáo của cư dân Nam Chiếu cũng phù hợp với sự phát triển của nhà nước này:
Thứ nhất, khi Nam Chiếu lập quốc, từ các tín ngưỡng bản địa, họ cần có một tôn giáo đủ mạnh để có thể thống nhất tộc người, là hệ tư tưởng chủđạo cho sự phát triển của đất nước. Do đó, việc các vị vua Nam Chiếu chấp nhận Phật giáo là dễ hiểu bởi vào thời điểm đó, nhà Đường đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh, Phật giáo
được đề cao. Nam Chiếu đang nằm trên lãnh thổ Trung Quốc nên việc tiếp nhận một tôn giáo lớn mạnh và tiến bộ là đương nhiên.
Thứ hai, vì Nam Chiếu đã tiếp nhận Phật giáo nên chắc chắn các thành phần cư dân trong nhà nước đó cũng sẽ chấp nhận và tin theo đạo Phật. Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo là một tôn giáo hài hòa, hướng thiện nên dễ dàng được nhân dân
đón nhận.
Sau này, bản thân người Thái khi trở thành chủ nhân của vùng thung lũng Mênam, họ cũng cần có một tôn giáo chủđạo để thống nhất đất nước, tộc người. Với cơ sở khách quan từ nhà nước Nam Chiếu sẽ góp phần không nhỏ vào việc lựa chọn Phật giáo làm tôn giáo chủđạo của người Thái, đưa tôn giáo này trở thành tôn giáo chính của vương quốc và ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt đời sống của dân cư. Từ Phật giáo Đại thừa tại Nam Chiếu [122, tr. 134 - 135], khi vào Đông Nam Á, người Thái lại lựa chọn Phật giáo Theravada làm quốc giáo do chịu ảnh hưởng lớn của các tộc người tại đây như Môn, Pagan, đặc biệt là Phật giáo Theravada của Sri Lanka.
Tuy nhiên, có lẽ không phải tất cả các nhóm tộc người nói tiếng Thái đều tiếp thu và coi Phật giáo là tôn giáo chủđạo trong đời sống tinh thần của mình. Trong tất cả
các nhóm Thái di cư xuống phía Nam vào Đông Nam Á lục địa như Shan (Miến Điện), Thái (Siam), Lào, theo nghiên cứu của chúng tôi, duy nhất nhóm Thái ở Tây Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được tín ngưỡng Saman giáo truyền thống.
2.2.1.2. Quá trình truyền bá Phật giáo vào khu vực miền Nam Thái Lan (Môn) và
Trước khi người Thái xuất hiện và trở thành thành phần cư dân chính của lưu vực sông Chaophraya, vùng đất này đã là nơi tụ cư của rất nhiều tộc người khác nhau như
người Môn, người Khmer, người Lavạ (một nhánh của người Môn tại Miến Điện).
Bản thân người Môn tại thung lũng sông Chaophraya đã xây dựng nên hai vương quốc là Dvaravati vào thế kỉ VII và Haripunjaya vào thế kỉ VIII, trong đó lớn mạnh nhất là vương quốc Dvaravati.
David K. Wyatt cho rằng: cơ sở của một nền văn minh Phật giáo tại trung tâm Đông Nam Á đã xuất hiện vào giữa thế kỉ VI đến thế kỉ IX ở miền Trung và
Đông Bắc Thái Lan gắn liền với người Môn gọi là Dvaravati [100, tr.21].
Dvaravati được coi là một trong những vương quốc có công rất lớn trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á trong các thế kỉ VII, VIII. Vương quốc này không chỉ coi Phật giáo là quốc giáo mà còn góp phần tạo điều kiện cho tôn giáo này phát triển và ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng trong khu vực thông qua hoạt động trao đổi và giao thương. Vì đóng vai trò là nơi truyền bá văn hóa Phật giáo vào khu vực Đông Nam Á lục địa tiếp sau Phù Nam, Dvaravati đã
để lại một di sản to lớn các kinh sách Phật giáo và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo tạo nên một phong cách gọi là phong cách Dvaravati. Tại các di chỉ ở Pra Pathom, Pong Tuk (Ratburi)...các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bánh xe pháp luân với hình tượng con nai, dấu chân Phật, tượng Phật ngồi trên tòa sen, tượng Phật bằng đồng, đá xanh... cho thấy một nền văn hóa Phật giáo phát triển, nhất là Phật giáo Theravada. Thông qua người Môn, cách xây dựng chính quyền và lấy các biểu tượng của vương quyền Ấn Độ, tôn thờ thần Vishnu, Phật giáo, sử dụng chữ Phạn và chữ Pali đã được truyền tới những người Miến láng giềng, người anh em Khmer nằm về phía Đông thung lũng Chaophraya. Và cuối cùng là truyền đến dân tộc Thái đến sau [120, tr.33].
Như vậy, trước khi người Thái di cư đến khu vực thung lũng sông Chaophraya, trên đất Thái đã có những cơ sở nhất định cho Phật giáo Theravada du nhập và phát triển, đặc biệt là trong các vương quốc của người Môn và có lẽ nó sẽ
có ảnh hưởng không nhỏ tới sự tiếp nhận Phật giáo của người Thái vào giai đoạn sau này.
Các thủ lĩnh Thái để mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của mình, họđã cung cấp cho đế quốc một nguồn nhân lực dồi dào để đổi lấy một địa vị trong xã hội hay
một vị trí trong hoàng gia. Họ có thể còn kết hôn với các công chúa trong hoàng tộc [34, tr.10]...Tuy nhiên, họ vẫn giữ lại bản sắc riêng của dân tộc mình, nhất là ngôn ngữ và một tổ chức xã hội riêng biệt với một truyền thống tôn giáo khác biệt với người Khmer là Saman giáo và Phật giáo Theravada [100, tr.37].
Ngược lại, các học giả cũng cho rằng, vào thời điểm đó, trái với những quy
định, luật pháp và sự cứng nhắc trong hệ thống phân cấp xã hội tại Angkor, người Thái lại luôn tỏ ra là những người tự do, không thích bị gò bó bởi bất cứ một sự
ràng buộc nào. Vì vậy, họ coi Angkor như một yếu tố bổ sung thêm vào nền văn hóa của mình, còn chính họ sẽ tự xây dựng một hệ thống chính quyền và xã hội riêng để duy trì và bảo tồn nền độc lập của cư dân Thái [100, tr.38].
Chính vì thế, người Thái không chỉ tiếp thu những phong tục, tập quán, tôn giáo của người Môn, người Khmer mà còn từng bước thâm nhập vào đời sống chính trị khu vực thông qua cả chiến tranh và giao lưu văn hóa. Trên cơ sởđó, cộng với sự
nhạy bén của mình, họ đã tiếp thu có chọn lọc thành tựu của các tộc người đến trước, đồng thời dần dần xâm nhập, đồng hóa và vươn lên trở thành dân tộc chủ thể, khiến những cư dân đến trước lại tiếp nhận và chịu ảnh hưởng nền văn hóa của chính dân tộc mình. Đây chính là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử mà người Thái xuất hiện và đóng một vai trò quan trọng tại khu vực Đông Nam Á lục địa.
Quá trình hình thành các vương quốc của người Thái chịu nhiều sức ép từ
các tộc người, các quốc gia khác nhau. Điều này tác động không nhỏ vào việc hình thành nên các vương quốc Thái cũng như việc tiếp nhận tư tưởng từ các dân tộc, quốc gia đó. Chính vì vậy, người Thái với những nền tảng tín ngưỡng từ Nam Chiếu khi đến lưu vực Chaophraya lại càng có điều kiện để tiếp nhận và hòa nhập với tôn giáo tại đây, nhất là Phật giáo của người Môn.
Không những thế, trong hơn 400 năm tồn tại của vương quốc Ayutthaya, mặc dù đã định hình và lựa chọn dòng Phật giáo Theravada làm quốc giáo, nhưng người Thái vẫn tiếp tục tiếp thu những yếu tố của Phật giáo Camppuchia, nhất là những dấu ấn của Phật giáo Đại thừa từ thời kì cai trị của Jayavarman VII [120, tr.54]. Sau giai đoạn trị vì của Jayavarman VIII (1243 - 95), Phật giáo Theravada bắt đầu chiếm ưu thế tại Angkor vào năm 1300 [120, tr.53]. Khi Ayutthaya được thành lập, do nhu cầu mở rộng lãnh thổ, người Thái đã tiến hành nhiều cuộc chiến
tranh với các nước láng giềng, đặc biệt với Campuchia dẫn đến sự sụp đổ của đế
chế Angkor vào năm 1432. Sau đó, vào thế kỉ XVI, XVII trong triều đại của vua Prasat Thong đã nhiều lần tấn công buộc Campuchia làm thuộc quốc. Vì vậy, rất nhiều tu sĩ Bàlamôn, các nhà sư Phật giáo và các quý tộc Campuchia đã bị đưa về
Ayutthaya cùng với rất nhiều bảo vật quý hiếm đặt tại Wat Mahathat, Wat Ratchaburana… [34, tr.22]. Đây chính là những tiền đề quan trọng góp phần vào việc lựa chọn dòng Phật giáo Theravada làm quốc giáo của người Thái.