Theo phân loại của Hêghen, ta có các loại hình và thể loại nghệ thuật cơ bản sau:
Về loại hình: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca. Về loại thể: sử thi, trữ tình và kịch.
Cái trác tuyệt có trong các loại hình và loại thể, như trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca, kịch và đặc biệt là trong sử thi. Sử thi anh hùng là loại thể chủ yếu vận dụng cái trác tuyệt vào trong nghệ thuật.
Mỗi thời đại đều cần có những con người vĩ đại của nó, và nếu không có những con người như vậy thì thời đại sẽ sáng tạo ra những con người như vậy. Vai trò của cái trác tuyệt trong nghệ thuật không bó hẹp trong những lời tụng ca những anh hùng đã có, mà còn có nhiệm vụ rất quan trọng là sáng tạo ra những anh hùng cho lịch sử. Nghệ thuật có thể và cần đi trước thanh gươm và khẩu súng. Nghệ thuật phong kiến đã sáng tạo ra những anh hùng phong kiến (Hịch tướng sĩ, Cáo bình ngô … ). Nghệ thuật Phục hưng đã sáng tạo ra những anh hùng tư sản. “Những bài ca về người anh hùng tư sản chính là những phương tiện quan trọng giúp cho con người tư sản thay chúa làm chủ linh hồn, thay vua làm chủ xã hội”.1 Và trong thời đại cách mạng vô sản, lịch sử lại sản sinh ra những người anh hùng mới.
- Trong nghệ thuật, ngoài thể loại sử thi anh hùng, nhà nghệ sĩ còn tìm cách đan kết giữa cái trác tuyệt với cái đẹp, cái bi, có khi cả cái hài nữa.
Kiến trúc không phù hợp với cái hài, còn điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, đặc biệt là sân khấu và điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp rất cần sự pha trộn hợp lý các sắc thái thẩm mỹ, trong đó có cái trác tuyệt, làm cho sự phản ánh của nghệ thuật đa dạng y như sự đa dạng của cuộc sống.
1 C.Mác. Theo Đỗ Văn Khang và Đỗ Huy. Mỹ học Mác – Lênin – Nxb Đại học và THCN. Hà nội, 1985, trang 135.
CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT
Mỹ học nghiên cứu bản chất và các qui luật phát triển chung của nghệ thuật. Nghệ thuật được xem như một chỉnh thể thống nhất. Nhưng trong thực tế nghệ thuật tồn tại trong tính muôn vẻ của các loại hình riêng lẻ của chúng- âm nhạc và hội họa, văn học và múa, sân khấu và điện ảnh và nhiều loại hình khác. Vì vậy, nhất thiết phải nghiên cứu không chỉ các đặc điểm chung, mà cả các đặc điểm riêng của các loại hình khác nhau. Tất nhiên, trong chương này, không thể thay thế cho các khoa lý luận cụ thể, tuy nhiên nó vẫn có một ý nghĩa to lớn không chỉ đối với mỹ học, mà đối với cả các khoa học cụ thể về nghệ thuật.
Nhiệm vụ của chương này là đưa ra sự phân tích về các loại hình nghệ thuật riêng lẻ, về các khả năng và các tính qui luật phát triển của chúng từ góc độ chung nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực, từ chỗ đứng của sự phân tích khoa học về bản chất của nghệ thuật như của một hiện tượng toàn vẹn, thể hiện nguyên tắc phân loại nghệ thuật, xác lập mối liên hệ lẫn nhau và ảnh hưởng qua lại của các loại hình nghệ thuật khác nhau.