Từ thực tiễn của quan hệ Việt - Xô trên đây, tác giả cũng muốn đưa ra một vài bài học kinh nghiệm về đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với Liên Xô thời kì 1950 - 1975:
Thứ nhất, giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ. Là một nước nhỏ, mới
dành được độc lâp năm 1945, lại bị chi phối mạnh mẽ bởi lợi ích của các cường quốc, Việt Nam đã sớm ý thức về đường lối độc lập tự chủ và sáng tạo trong quan hệ quốc tế. Quan điểm này của Việt Nam luôn dược khẳng định trong các văn kiện của Đảng: “ … ngoại giao không đơn thuần phản ánh đấu tranh ở chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất của cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ vai trò quan trọng, tích cực, chủ động” [20,38]. Trong quan hệ với Liên Xô, tư
tưởng chủ đạo trên đây đã được thể hiện rõ nét. Trong suốt thời kỳ quan hệ (1950-1975), nhất là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam (1954- 1975), Việt nam kiên trì đấu tranh khéo léo để không bị lôi kéo vào quỹ đạo của Liên Xô, của Xô - Mỹ và của Trung - Mỹ. Đã biết có bao nhiêu lần, Liên Xô gợi ý Việt Nam theo quan điểm của Liên Xô mà đỉnh cao là sự thỏa hiệp Xô - Mỹ - Trung về vấn đề Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn hoàn toàn chủ động trong việc tiến hành chiến tranh và giải quyết vấn đề chiến tranh, điều này trái ngược với quan điểm của Liên Xô. Có thể nói, tính độc lập tự chủ
của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại, nhất là trong quan hệ với Liên Xô đã đạt đỉnh cao của thời kỳ này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã gặp phải những khó khăn khó tránh khỏi: “Tại hội nghị Giơnevơ, ta chưa thấu hiểu điều
quan tâm nhất của hai người bạn lớn Liên Xô và Trung Quốc. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta không phát hiện sớm sự thỏa hiệp giữa Oasinhtơn - Bắc Kinh và Matxcơva về cuộc chiến đấu của nhân dân ta” [3,232-233]
Thứ hai, đánh giá đúng đắn ban lãnh đạo của Liên Xô. Đây là cơ sở
quan trọng để phát huy những mặt tích cực và tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô. Khơrutsôp đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng chính sách đối ngoại của Liên Xô “thân phương Tây”, hòa hoãn nhân nhượng Mỹ trong bối cảnh hệ thống XHCN, phong trào giải phóng dân tộc và nhân loại tiến bộ đang lên tiếng phản đối chính sách hiếu chiến của cường quốc này. Ngay sau khi ban lãnh đạo mới của Liên Xô lên thay (10/1964), do nhận thức được xu hướng tất yếu của thời đại, nhìn nhận được bản chất cách mạng của Đảng và Nhà nước Xô Viết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đánh giá đúng Ban lãnh đạo mới của Liên Xô. Trong khi Trung Quốc cho rằng Ban lãnh đạo mới của Liên Xô vẫn thực hiện “Chủ nghĩa Khơrusốp”, ĐLĐVN lại khẳng định đường lối của Ban lãnh đạo mới của Liên Xô có những nhân tố tích cực. Khơrutsôp bị loại bỏ là sự kiện cho ta tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô [22,11]. Từ sự đánh giá đúng đắn đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang trao đổi với Ban lãnh đạo mới của Liên Xô vào tháng 11/ 1964 nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười như đã đề cập. Chỉ mấy tháng sau, vào tháng 2/ 1965, đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô do Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Côxưghin dẫn đầu sang thăm hữu nghị Việt Nam, mở ra giai đoạn mới của quan hệ Xô - Việt
Thứ ba, trong khi giương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ, đánh giá đúng bản chất của ban lãnh đạo mới của Liên Xô, cần phải coi trọng lợi ích chiến lược toàn cầu của bạn. Đây cũng chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích
dân tộc và lợi ích quốc tế. Như đã đề cập, vì lợi ích chiến lược, Liên Xô đã có hàng loạt động tác nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa hoãn với Mỹ. Trong bối cảnh, Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh và ngày càng bị sa lầy trong chiến tranh và khó tránh khỏi bị thất bại, Liên Xô có ý định muốn giải quyết sớm vấn đề Việt Nam bằng thương lượng với Mỹ để tránh đối đầu căng thẳng. Sau Hiệp định Pari (1973), Liên Xô giảm đáng kể viện trợ quân sự cho Việt Nam với lý do, Liên Xô phải tôn trọng định ước quốc tế, trong đó Liên Xô là một bên cam kết. Trên thực tế, Liên Xô không muốn tình hình căng thẳng trở lại làm ảnh hưởng hòa hoãn Đông – Tây. Do ý thức được lợi ích của Liên Xô, Việt Nam đã tránh phê phán công khai trực tiếp những quan điểm trên đây của Liên Xô. Việt Nam đã có thái độ tế nhị khi Liên Xô có chủ chương giải quyết vấn đề Lào và Campuchia vì lợi ích chiến lược của Liên Xô để ngăn ngừa Mỹ - Trung dàn xếp với nhau. Liên Xô đã đẩy mạnh quan hệ với tất cả các lực lượng ở Lào sau Hiệp nghị Viên Chăn (2/1973). Liên Xô muốn có vai trò quan trong Chính phủ Liên hợp ở Campuchia. Vì vậy, Liên Xô cũng đã thiết lập quan hệ với tất cả các bên hữu quan ở Campuchia và dựa vào Việt Nam.
KẾT LUẬN
Trải qua 25 năm, quan hệ Việt - Xô thời kỳ 1950 - 1975 là một hiện thực sinh động để lại những trang sử đáng ghi nhớ trong lịch sử ngoại giao của hai nước. Quan hệ Việt - Xô thời kỳ 1950 -1975 là sự phát triển nối tiếp từ quan hệ cách mạng giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng từ trước đó. Đây là thời kỳ, mối quan hệ Việt - Xô phát triển từ thấp đến cao với hai giai đoạn: 1950 -1964 và 1965 -1975.
Ở giai đoạn đầu 1950 - 1964, đặc biệt trong thời gian từ 1955 đến 1964 quan hệ Việt - Xô phát triển không thuận lợi. Liên Xô đã không đồng tình với quan điểm đánh Mỹ cứu nước của Việt Nam và có nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước, hạn chế quá trình tiến triển của cách mạng Việt Nam. Quan điểm của Liên Xô, chỉ giúp Việt Nam vừa đủ để củng cố miền Bắc XHCN. Hơn nữa, yếu tố Trung Quốc thời gian này đang có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam. Vì vậy, quan hệ Việt - Xô càng có những khó khăn. Tuy vậy, quan hệ Việt - Xô giai đoạn này đã có những tác dụng nhất định như đã đề cập.
Ở giai đoạn 1965 - 1975, quan hệ quốc tế có những diễn biến mới, trong đó, chiến tranh Việt Nam trở thành tâm điểm khiến Xô, Mỹ, Trung đều muốn lợi dụng để giành giật ảnh hưởng. Và Ban lãnh đạo mới của Liên Xô đã kịp thời điều chỉnh chính sách đối ngoại dựa trên lập trường cách mạng đúng đắn, phù hợp với mục đích chiến lược của Liên Xô. Liên Xô, một mặt tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam,mặt khác theo đuổi chính sách hòa dịu có nguyên tắc. Nguyện vọng của Liên Xô là tăng cường giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam, đồng thời cũng muốn chiến tranh sớm kết thúc mà tốt nhất là bằng giải pháp thương lượng. Liên Xô ủng hộ tích cực cho Việt Nam trong sự nghiệp củng cố miền Bắc và
chống Mỹ ở miền Nam. Quan hệ Việt - Xô đã được nâng lên một tầm cao mới về chất mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước.
Như vậy, quan hệ Việt - Xô trong thời kì 1950 - 1975, tuy có những bước phát triển thăng trầm nhưng nhìn chung chứa đựng những yếu tố thuận lợi là cơ bản và mang lại ý nghĩa không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và phong trào cách mạng thế giới.
Từ năm 1976, quan hệ Liên Xô và ngày nay là Liên Bang Nga còn trải qua hai thời kỳ: 1976 – 1991 và 1991 đến nay. Nếu nhìn tổng thể cả ba thời kỳ này, mối quan hệ Việt - Xô thời kỳ 1950 – 1975 đã đem lại hiệu quả có ý nghĩa thiết thực nhất đối với tiến trình cách mạng mỗi nước.
Quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga từ năm 1991 trở lại đây phát triển trong điều kiện mới dựa trên những quy luật của cơ chế thị trưòng trong xu thế chung của toàn cầu hóa. Đó không phải là mối quan hệ đồng minh chiến lược cùng ý thức hệ mà là mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Sau khi Liên Xô sụp đổ, với chính sách “thân
phương Tây” của Liên Bang Nga đã làm cho quan hệ Việt Nam – Liên Bang
Nga bị chững lại. Nhưng với sự cố gắng nỗ lực từ hai phía, quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga từ 1993 đến nay đã có những chuyển biến tích cực mang lại những thành tựu nhất định trên mọi lĩnh vực.
Liên Xô là nước đầu tư nhiều tỷ rúp cho việc xây dựng những công trình then chốt cho nền kinh tế Việt Nam và Liên Xô đã đào tạo được một đội ngũ những nhà quản lý am hiểu nhiều mặt về Việt Nam. Đó là cái “ vốn quý”, là cơ sở cho quan hệ Việt Nam - Liên Bang Nga phát triển có hiệu quả. Về phía Việt Nam, đội ngũ cán bộ Việt Nam được Liên Xô đào tạo trong những năm kháng chiến chống Mỹ là những người được hấp thụ tinh hoa văn hóa, khoa học Xô Viết, rất am hiểu và có tình cảm sâu đậm với đất nước Nga và con người Nga. Hiên nay, họ đang nắm giữ những vị trí then
chốt trong nhiều lĩnh vực khoa học và thực tiễn sản xuất. Đây là một trong những nhân tố quan trọng đang góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga trong điều kiện mới.
Việt Nam có thể là cầu nối giữa Nga với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt hiện nay Việt Nam đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ASEAN thì điều này còn có ý nghĩa hơn cả. Đồng thời các nước ở khu vực Đông Nam Á cũng coi Việt Nam là một kênh có thể qua đó thâm nhập vào thị trường Nga và các nước SNG.
Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi trên, Việt Nam và Liên Bang Nga đang có những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - thương mại.