2.1.2.1 Hoàn cảnh lịch sử
Xu hưóng phát triển của thế giới vẫn chịu tác động mạnh mẽ trong lợi ích của Liên Xô và Mỹ.
Với ý đồ bá chủ thế giới, ngay từ năm 1955 Mỹ đã ở đỉnh cao của việc triển khai chiến lược toàn cầu, bao vây ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản. Mỹ đã xây dựng được 1400 căn cứ quân sự ở hàng chục nước, trong đó có hàng trăm căn cứ quân sự cho máy bay ném bom nguyên tử. Sang năm 1957, việc Liên Xô phóng tên lửa vũ trụ đầu tiên đã làm cho Mỹ lâm vào khủng hoảng vũ khí chiến lược, đe dọa tới toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Cuộc chạy đua vũ trang vẫn tiếp tục. Và năm 1958, khi Mỹ cũng thành công trong việc phóng tên lửa vũ trụ đã đánh dấu sự cân bằng về vũ khí chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ. Trước tình hình đó, cả hai siêu cướng này đều tránh đối đầu quân sự, nhất là sau vụ khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở vùng biển Caribê (Cuba).
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam (1954), phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc phát triển mạnh mẽ, phá vỡ từng mảng hệ thống thuộc địa của Chủ nghĩa Thực Dân cũ. Nhiều nước ở Á, Phi, Mỹ La Tinh đã giành được độc lập: Angiêri (11/1954); Ai Cập (1965); ba nước Bắc Phi: Tuyđi, Maroc, Xuydăng (1956); Iran (1958); Ganna (1967)… nhất là thắng lợi của cách mạng Cuba (1959) đã chọc thủng khâu xung yếu nhất trong sợi dây chuyền của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới của Mỹ ở Châu Mỹ La Tinh.
Đồng thời, trên thế giới xuất hịên xu hướng hoà bình độc lập, trung lập và không liên kết. Năm 1955, Hội nghị đoàn kết Á - Phi họp tại Băngđung gồm 29 nước. Đến tháng 9/1964, Hội nghị 25 nước ở Bêngơrat thành lập phong trào không liên kết nhằm tập hợp lực lượng trong các nước thế giới thứ Ba đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, cho một thế giới mới công bằng, tránh sự lôi kéo của hai cực Xô - Mỹ.
Thời gian này bắt đầu có sự phân hoá trong hai phe và trong các liên minh quân sự trên thế giới: Các đồng minh Mỹ ngày càng có xu hướng độc
lập và không muốn phụ thuộc vào Mỹ. Tháng 3/1957, các nước đồng minh Mỹ - Tây Âu ký hiệp ước Rôma và thành lập khối thị trường Châu Âu. Cuối những năm 50, Tổng thồng Đờ Gôn không chấp nhận khối NATO đặt tên lửa trên đất Pháp và đòi căn cứ quân sự của NATO phải rút khỏi nước Pháp. Năm 1964, Pháp rút khỏi dự án thành lập “lực lượng hạt nhân nhiều bên” của khối NATO. Trong hệ thống XHCN cũng đã bộc lộ những rạn nứt, những mâu thuẫn. Ở một số nước Đông Âu như: Hunggari, Balan, năm 1956, các lực lượng phản động quốc tế đã tổ chức cuộc phiến loạn nhằm tách các nước này ra khỏi hệ thống XHCN hòng biến các nước đó thành căn cứ quân sự nhằm tấn công Liên Xô và các nước XHCN khác. Cuộc phiến loạn đó đã bị thất bại nhưng sự gắn bó của Đông Âu sau đó bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, quan hệ Xô – Trung bắt đầu rạn nứt và đến năm 1964 hoàn toàn bị tan vỡ. Trung Quốc muốn tách ra để lãnh đạo thế giới thứ ba nhằm làm đối trọng với Mỹ và Liên Xô.
Trước thực trạng trên, vì lợi ích riêng trong việc duy trì hiện trạng chính trị thế giới sau chiến tranh, tránh đối đầu quân sự thì bên cạnh chiến tranh và chạy đua vũ trang để giành giật ảnh hưởng ở từng nước, từng khu vực, Liên Xô và Mỹ đi vào hoà hoãn, nhân nhượng nhau để đi vào giải quyết những vấn đề quốc tế. Năm 1961, hội nghị cấp cao Xô - Mỹ ở Viên (Áo) đã thảo luận về những vấn đề như: vấn đề cấm vũ khí hạt nhân, vấn đề Beclin và vấn đề Lào với mục đích thỏa thuận ngầm giữ nguyên trạng chính trị trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Nhằm giữ độc quyền vũ khí hạt nhân, năm 1963, Liên Xô, Mỹ và Anh ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và ngăn cản các nước khác, trước hết là Trung Quốc và Pháp có loại vũ khí này.
Chính sách của Liên Xô và Mỹ đã tác động trở lại và tiếp tục chi phối toàn bộ mối quan hệ quốc tế. Lợi ích chiến lược của Liên Xô và Mỹ đồng
thời tác động mạnh đến quan hệ Việt - Xô, nhất là chính sách đối ngoại của Liên Xô dưới thời Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Khơrutsôp.
Mục đích chính sách đối ngoại của Liên Xô thời gian này là đẩy nhanh hòa hoãn với Mỹ bằng mọi giá kể cả có những nhân nhượng khi giải quyết với Mỹ các vấn đề quốc tế để đánh đổi lấy việc Mỹ và đồng minh của Mỹ công nhận nguyên trạng Châu Âu sau chiến tranh. Mục đích chiến lược này của Liên Xô cũng được thể hiện rõ trong quan hệ với Việt Nam. Vì sợ chiến tranh Việt Nam gây đối đầu Xô - Mỹ, ảnh hưởng xấu đến tiến trình hòa hoãn, Liên Xô đã không tán thành Việt Nam đấu tranh vũ trang ở miền Nam mà muốn Việt Nam chỉ tập trung xây dựng CNXH ở miền Bắc thành kiểu mẫu của CNXH để từ đó tác động vào tình hình diễn biến cách mạng ở miền Nam. Trong thư gửi Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6/7/1964, Đảng Cộng sản Liên Xô nhấn mạnh: “Những thành tựu xây dựng kinh tế, sự quan
tâm của Đảng Lao Động Việt Nam và Chính phủ VNDCCH đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn thể nhân dân lao động miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chín muồi tình huống cách mạng miền Nam” [22,5].
Quan điểm chỉ đạo nhất quán trên đây của Liên Xô đã được thể hiện rõ trong mối quan hệ với Việt Nam thời gian 1955 - 1964.