Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh phú thọ lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông từ nam 1997 den nam 2010 (Trang 92 - 98)

7. Kết cấu luận văn

3.1.2.Hạn chế và nguyên nhân

Có thể nói GDPT Phú Thọ từ ngày tái lập tỉnh (1997) đến năm 2010 đã có những ưu điểm vượt trội, vững chắc. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu của GD&ĐT trong sự nghiệp CNH, HĐH gắn liền với phát triển kinh tế tri thức thì sự phát triển của GDPT tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, chất lượng giáo dục phổ thông còn sự chênh lệch khá lớn giữa các loại hình đào tạo và các vùng miền

Chất lượng giáo dục giữa các trường công lập với bán công, dân lập, tư thục; giữa trường thường với trường chuyên, lớp chọn; giữa thành thị với nông thôn; giữa đồng bằng với miền núi còn chênh lệch, không đồng đều. Trong những sự chênh lệch đó thì sự chênh lệch giữa đồng bằng với miền núi là rõ nét nhất, khó rút ngắn nhất.

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, tỉnh đã có nhiều chế độ ưu đãi với giáo viên công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Việc luân chuyển giáo viên cũng được tiến hành nhưng nhìn chung chất lượng giáo dục ở khu vực này vẫn còn thấp. CSVC thiếu thốn cộng với việc đi lại học tập khó khăn nên các em học sinh bỏ học vẫn còn nhiều.

Thực tế, đa phần các trường học có chất lượng đào tạo cao, đạt yêu cầu nằm ở thành phố Việt Trì và các thị xã, thị trấn, trung tâm của huyện. Các giải học sinh giỏi và đỗ đạt cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng chủ yếu ở

89

trường THPT chuyên Hùng Vương, các trường ở các huyện đồng bằng như: Lâm Thao, Tam Nông…

Các trường bán công, tư thục học sinh yếu kém vẫn chiếm tỉ lệ cao và chưa có biện pháp giải quyết. Nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn quan điểm sai về chất lượng giáo dục, chỉ đánh giá chất lượng qua điểm kiểm tra và điểm thi, dẫn đến tập tập trung đối phó trong thi cử, lấy thành tích. Xảy ra hiện tượng có địa phương gần đến ngày thi giáo viên khoanh nội dung cho học sinh học “tủ”, phụ huynh thúc ép con học, học sinh học ngày học đêm để thi, sau khi thi xong thì không nhớ được gì.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Tỷ lệ trao giải phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các môn khoa học tự nhiên. Tình trạng này phản ánh xu hướng chung của toàn xã hội là ít quan tâm chú trọng đến các môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Văn học…

Xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải có tri thức, có sức khoẻ, có đạo đức, gắn bó thiết tha với chế độ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Song, một nghịch lý là nhiều trường chưa quan tâm đúng mức đến đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh chưa được chú trọng nhiều. Các trường học phần đông chỉ tập trung vào học các môn chính, không quan tâm đến các môn thể dục, đạo đức, giáo dục công dân, nhạc, hoạ.

Một thực trạng phổ biến hiện nay, không chỉ ở Phú Thọ mà còn ở nhiều địa phương khác đó là nạn bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều và khó kiểm soát. Nhiều em bị cuốn vào các trò chơi điện tử, nhiều trò bạo lực, không hợp với lứa tuổi. Nhiều em sa vào tệ nạn ma tuý, mại dâm…dẫn đến bỏ bê học hành, thậm chí trộm cắp tài sản, vi phạm pháp luật. Điều này không

90

những làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, làm tổn hại truyền thống dân tộc mà còn ảnh hưởng đến tương lai phát triển của đất nước khi nó thuộc quyền làm chủ của thế hệ trẻ.

Việc đổi mới GDPT còn nhiều vấn đề tồn tại như việc dạy học ngoại ngữ, dạy tin học, công tác hướng nghiệp cho các em học sinh chưa được chú trọng nhiều. Phần lớn các em chưa định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở trường và năng lực của mình, dẫn đến sự lựa chọn nghề nghiệp còn mơ hồ, cảm tính.

Thứ hai, phân bố mạng lưới trường lớp chưa hợp lý, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu

Quy mô và cơ cấu mạng lưới trường lớp được mở rộng nhưng chưa thật hợp lý. Đa phần các trường lớn đều nằm ở các khu trung tâm.

CSVC và trang thiết bị dạy học còn nhiều điều chưa hợp lý. Vẫn còn nhiều phòng học cấp 4 đang xuống cấp trầm trọng hoặc đang phải chấp vá. Ở các xã miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa vẫn còn những lớp học là những mái tranh, vách nứa. Nhiều trường không đủ học bộ môn, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, hoặc có nhưng trang thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều trường trang thiết bị hiện đại nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Vẫn còn có trường tiểu học chưa có thư viện, sách báo tham khảo còn hạn chế. Do đó, hạn chế khả năng thực hành, tìm tòi, khám phá của học sinh.

Việc xây dựng hệ thống trường THCS, THPT chuẩn quốc gia đã hình thành nhưng nhiều trường ở các huyện, thị chưa quan tâm sát xao đến vấn đề này nên tốc độ xây dựng trường chuẩn quốc gia còn diễn ra chậm hoặc nhiều trường đạt chuẩn rồi nhưng sau đó không được chú trọng nên một thời gian sau đó CSVC và nhiều tiêu chuẩn không còn đáp ứng được nữa.

Thứ ba, cơ cấu đội ngũ và chất lượng giáo viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu

91

Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý, gây nên tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên ở các cấp và các vùng, miền. Ở các vùng sâu, vùng xa thì thiếu giáo viên, trong khi ở thành phố và các trung tâm huyện, thị lại dư thừa. Tình trạng thiếu giáo viên ở vùng núi không phải là chưa được cải thiện nhưng chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế. Đời sống của một bộ phận giáo viên còn khó khăn, đặc biệt là giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Cả tỉnh chỉ thiếu số ít giáo viên dạy nhạc, hoạ, ngoại ngữ, còn lại các môn cơ bản đều thừa giáo viên.

Về chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung được nâng cao nhưng không phải là không còn tồn tại những bất cập. Hiện nay, có rất nhiều giáo viên, chủ yếu là giáo viên tiểu học và một phần giáo viên THCS được đào tạo theo chương trình cũ, trước nhu cầu đổi mới của giáo dục và sự phát triển của xã hội, nhiều người trong số này không đáp ứng được nhu cầu. Việc vận động những giáo viên được đào tạo theo chương trình cũ về hưu sớm trước tuổi không mang lại kết quả cao. Một huyện chỉ được một vài giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu, chỉ còn một đến hai năm. Trong khi đó, hàng năm có hàng vài trăm sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chuẩn, được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu mới của ngành giáo dục thì phải đứng đợi việc. Thực trạng này cần phải có giải pháp để giải quyết sớm.

Nhìn chung, chất lượng giáo viên còn nhiều hạn chế trước yêu cầu mới của việc đẩy mạnh đổi mới GDPT. Mặc dù tỉnh đã có nhiều đề án và chương trình đổi mới GDPT nhưng về cơ bản chưa đem lại hiệu quả cao, nhiều giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, chưa đạt yêu cầu. Việc kiểm tra đánh giá học sinh vẫn còn nặng về điểm số nên khó đánh giá được sự nhiệt tâm của giáo viên đối với học sinh, với nghề.

Mặc dù đã có nhiều chính sách đãi ngộ với đội ngũ nhà giáo nhưng chưa thực sự tạo được động lực đủ mạnh để đưa sự nghiệp GDPT tiến xa hơn

92

nữa theo hướng đổi mới và phát triển. Nhiều giáo viên vẫn phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống, dẫn đến hệ quả là giáo viên không tâm huyết với nghề. Không ít giáo viên dạy hợp đồng phải bỏ nghề do lương thấp, không đủ sống.

Ở nhiều nơi, việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành phong trào rộng lớn nhưng mới chỉ là hình thức. Nhiều giáo viên do lớn tuổi, không có nhiều điều kiện để hiểu biết về CNTT, sử dụng máy tính không thành thạo nên cải tiến phương pháp ở họ không đáng kể. Ngược lại có những người giỏi CNTT thì lại lạm dụng việc giảng dạy bằng trình chiếu. Các phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh chưa được chú ý thực sự, ở nhiều trường, phương pháp chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, diễn giải.

Công tác phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên và nội dung sinh hoạt chi bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc phân cấp quản lý trong giáo dục chưa rõ ràng và kém hiệu quả, chưa quy định đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng làm tốt chức năng quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế về giáo dục. Trong phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, các trường học chưa thực sự có được quyền tự chủ, do vậy chưa giải phóng được năng lực sáng tạo của cơ sở.

Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ chưa nhiệt tình thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục. Một số cán bộ thì còn non yếu về trình độ hoặc ý thức trách nhiệm chưa cao.

Công tác thanh tra chưa thật thường xuyên, chưa tạo được động lực làm việc nghiêm túc ở các trường và đội ngũ giáo viên. Sự yếu kém của công tác quản lý giáo dục là một nguyên nhân lớn dẫn đến nhiều tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là những tiêu cực trong thi cử, nhất là trong các kỳ thi tốt (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

93

nghiệp. Việc thông tin, báo cáo của các đơn vị cơ sở, địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác chỉ đạo trong toàn ngành.

Về triển khai thực hiện dân chủ cơ sở ở nhiều địa phương còn hời hợt, chưa công khai các vấn đề mà mà cán bộ, giáo viên, học sinh cần được biết, chưa xây dựng đầy đủ cơ chế hoạt động nội bộ. Việc tuyển dụng giáo viên mới cũng nhiều bất cập, thiếu minh bạch. Nhiều cơ sở quản lý chưa tốt hoạt động dạy thêm, học thêm. Tình trạng thu phí không đúng quy định vẫn chưa được chấn chỉnh, nhất là ở các trường bán công, dân lập.

Tại các địa phương, các cấp uỷ Đảng, nhất là cấp xã, phường chưa chú ý quan tâm nhiều đễn việc lãnh đạo phát triển các trường phổ thông trên địa bàn mình. Chi bộ Đảng nhiều nơi chưa thể hiện được vai trò tiên phong của mình trong hoạt động giáo dục.

Nguyên nhân hạn chế

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan. Quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” chưa thực sự được quán triệt đúng mức ở các cấp quản lý và chỉ đạo giáo dục, đầu tư cho giáo dục còn thấp trong khi nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao, chậm đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục để động viên hợp lý các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục.

Do sự phát triển nhanh của quá trình CNH, HĐH và đô thị hoá đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với GDPT, làm cho giáo dục phần nào chịu sức ép từ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Mặt trái của kinh tế thị trường có những tác động tiêu cực tới giáo dục. Người dân chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong nhận thức của một bộ phận cán

94

bộ và nhân dân còn nặng tư tưởng coi trọng bằng cấp khoa cử, phân biệt ngành, nghề dẫn đến hệ quả là phần lớn thanh niên đến tuổi lao động chỉ muốn vào đại học mà không muốn học nghề.

Công tác tuyên truyền về GD&ĐT, nhất là những chủ trương về đổi mới giáo dục và phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Đảng, Nhà nước trong các tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân chưa sâu sắc, chưa mạnh mẽ. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền đôi lúc còn chủ quan, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác phát triển GDPT. Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể về giáo dục chưa đầy đủ. Hệ thống GDPT phát triển nhanh trong khi điều kiện về CSVC, ngân sách, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục còn chậm. Là một tỉnh miền núi còn nghèo, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, vì vậy khả năng huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.

Dù còn nhiều hạn chế, thiếu sót không thể tránh được nhưng có thể khẳng định GDPT Phú Thọ trong những năm qua đã đạt được những bước tiến to lớn, không thể phủ nhận. Những thành tựu đạt được trong những năm qua là tiền đề quan trọng để ngành giáo dục tiếp tục phát triển hơn nữa trong những năm tới, nhất là cho mục tiêu vào cuối năm 2015 tỉnh sẽ đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh phú thọ lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông từ nam 1997 den nam 2010 (Trang 92 - 98)