Việt Nam là một trong những nước tiếp cận với loại hình doanh nghiệp xã hội khá muộn và phong trào doanh nhân xã hội vẫn còn rất mới mẻ, chưa thực sự trở thành trào lưu trong xã hội. Một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng này chính là “sự hạn chế về năng lực của doanh nhân xã hội”. Năng lực ở đây được hiểu trên nhiều phương diện và khía cạnh. Đó là năng lực kinh doanh, khả năng huy động vốn, khả năng phân tích, tìm kiếm thị trường tiềm năng, kỹ năng liên kết các doanh nhân xã hội,… Những người hiện đang là doanh nhân xã hội, không phải được đào tạo để trở thành doanh nhân xã hội. Họ hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể là bác sỹ, doanh nhân thương mại, lập trình viên hay một nhà tâm lý học… Chính vì vậy, khó khăn về mặt năng lực mà mỗi doanh nhân gặp phải cũng rất khác nhau. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã chia doanh nhân xã hội thành 4 nhóm:
• Những doanh nhân trẻ tuổi – những người có khao khát đổi mới xã hội, dám chấp nhận thử thách, không ngại khó khăn, nhiệt huyết, hào hứng, nhưng chưa có kinh nghiệm. Họ có khả năng đưa ra những ý tưởng đột phá, nhưng ít có khả năng biến những ý tưởng ấy vào thực tế. Phan Ý Ly, sau khi du học từ Anh trở về, cô gái sinh năm 1981 này đã thành lập doanh nghiệp xã hội mang tên Life Art khi mới 29 tuổi. Ý Ly đã từng chia sẻ rằng: Nếu kể đến những khó khăn tôi gặp phải khi bắt đầu xây dựng Life Art thì chắc sẽ không có ai dám mở doanh nghiệp xã hội nữa.
• Những nhà hoạt động xã hội có vốn xã hội phong phú nhưng ít kinh nghiệm kinh doanh như chị Huệ (doanh nghiệp Thành Đạt), chị Kim Ngân (VTV3), chị Thủy (doanh nghiệp Thảo Đàn.
• Những doanh nhân đã thành công trong hoạt động kinh doanh của mình nhưng muốn đóng góp tài năng và khả năng lãnh đạo vào giải quyết các vấn đề xã hội. Nhóm doanh nhân này nhiều khi có sự nhầm lẫn giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội.
• Nhóm cuối cùng trong nhóm các doanh nhân xã hội là những người đi tiên phong trong việc xác định con đường đổi mới để giải quyết các vấn đề xã hội. Họ có kinh nghiệm trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Họ không muốn phụ thuộc vào bất cứ một nguồn duy nhất nào bởi tính sở hữu của họ rất mạnh. Điều này có thể lý giải vì sao Giáo sư Văn Như Cương không chấp nhận việc cổ phần từ những nhà đầu tư bên ngoài để xây dựng trường: “Tôi thà đi vay tiền ngân hàng còn hơn là phải nhìn ngôi trường của mình bị những người không cùng quan điểm kiểm soát”.
Có thể nói doanh nhân xã hội tại Việt Nam đang gặp không ít trở ngại trên hành trình cống hiến cho xã hội và cộng đồng. Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên thực trạng hạn chế về năng lực của những doanh nhân xã hội này chính là tại Việt Nam, sự hỗ trợ mang tính nền tảng và định hướng cho doanh nhân xã hội còn quá nghèo nàn. Tính đến thời điểm hiện tại, loại hình doanh nghiệp xã hội có mặt tại Việt Nam cũng đã được 5 đến 6 năm nay nhưng vẫn chưa có một cơ sở, trường học hay thậm chí một khóa học nào đào tạo về doanh nhân xã hội. Chính phủ Việt Nam cũng chưa hề có một chính sách ưu tiên nào để gửi doanh nhân xã hội Việt Nam đi tu nghiệp tại nước ngoài hay mời những doanh nhân xã hội thành công trên thế giới đến chia sẻ kinh nghiệm với doanh nhân xã hội tại Việt Nam. Hầu hết doanh nhân xã hội Việt Nam muốn có được sự đào tạo bài bản thì phải tự mình tìm đến các nước như Anh, Mỹ - nơi mà phong trào doanh nhân xã hội đã trở nên rất phổ biến. Nhưng trên thực tế rất ít doanh nhân xã hội Việt Nam có được sự đào tạo bài bản này do sự hạn chế về nguồn lực. Vì vậy, hầu hết họ đều phải tự học, tự rèn luyện cho nên gặp phải những khó khăn bước đầu là điều không thể tránh khỏi.
Một nguyên nhân nữa gây nên những hạn chế về năng lực của doanh nhân xã hội chính là mạng lưới doanh nhân xã hội tại Việt Nam chưa bao quát, chưa phủ sóng được toàn bộ. Hàng năm tại Anh và Mỹ có hàng trăm buổi hội thảo lớn nhỏ để doanh nhân xã hội trên cả nước có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cùng bàn bạc về phương hướng giải quyết những khó khăn với mục tiêu cùng chung tay phát triển vì cộng đồng. Nhưng tại Việt Nam, sự liên kết giữa những doanh nhân xã hội còn quá rời rạc. Như đã phân loại ở trên, không phải mọi doanh nhân xã hội đều hạn chế ở cùng một khía cạnh và đều hiểu biết ở cùng một lĩnh vực như nhau. Có những lĩnh vực là sự thiếu sót của người này nhưng lại là sự nổi trội của người khác, có những doanh nhân xã hội có những kỹ năng, kinh nghiệm mà những doanh nhân khác chưa có được. Vậy, sự chia sẻ kinh nghiệm, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa những doanh nhân xã hội có thể là hướng đi bước đầu giải quyết phần nào khó khăn trong mạng lưới doanh nhân xã hội này. Tuy nhiên, những buổi hội thảo giữa các doanh nhân xã hội tại Việt Nam còn rất ít, chính vì vậy mà chưa xây dựng được mạng lưới doanh nhân xã hội rộng khắp trên cả nước.
Từ sự phân tích ở trên có thể thấy rõ, sự hạn chế về năng lực của doanh nhân xã hội đang gây nên rất nhiều khó khăn cho việc hoạt động của những doanh nghiệp này. Và họ đang rất cần sự chia sẻ từ phía xã hội, cộng đồng sự quan tâm từ phía chính phủ, và sự liên kết trong mạng lưới doanh nhân xã hội để phong trào doanh nghiệp xã hội sớm trở thành làn sóng tại Việt Nam.