PHÁT TRIỂN GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nữ giới trong vai trò người quản lý cấp cao tới hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn HOSE (Trang 34 - 38)

3.4.1. Giả thuyết về ảnh hưởng của sự xuất hiện phụ nữ trong HĐQT đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của sự xuất hiện phụ nữ trong HĐQT đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần, và có nhiều luồng quan điểm được đưa ra.

Huse and Solberg (2006) nghiên cứu tại các nước Scandinavia cho rằng đóng góp của các nữ thành viên HĐQT phụ thuộc vào việc họ có sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo của mình và gây ảnh hưởng tới các thành viên khác. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng khi chỉ có số ít thành viên là phụ nữ trong HĐQT, họ có thể không chú trọng đến vai trò và trách nhiệm của mình, do vậy, sự xuất hiện của họ không ảnh có ảnh hưởng hoặc thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới HQHĐ công ty. Rosener (1995) cho rằng HĐQT với chỉ một thành viên nữ sẽ đối mặt với rủi ro các thành viên nữ này không thực hiện công việc nghiêm túc, trong khi những HĐQT có ba hoặc nhiều thành viên nữ hơn sẽ có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho công ty.

Tuy nhiên, phần lớn các bài nghiên cứu trước về ảnh hưởng của sự xuất hiện phụ nữ trong HĐQT đến hiệu quả hoạt động của công ty ở cả những nước phát triển và những nước đang phát triển đều cho rằng việc phụ nữ xuất hiện trong HĐQT sẽ ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo cáo “Đa dạng giới và hiệu quả doanh nghiệp” của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse dựa trên cuộc điều tra do Credit Suisse tiến hành trong vòng 6 năm (2005-2011) khảo sát 2.360 công ty tại 46 nước, những công ty có phụ nữ tham gia Hội đồng quản trị đạt hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) cao hơn (trung bình cao hơn 4%) và tỷ lệ tăng trưởng cũng cao hơn (trung bình cao hơn 4%). Theo phân tích của bản báo cáo, kết quả mang lại cho cổ đông doanh nghiệp là giảm thiểu nguy cơ bất ổn, gia tăng ổn định trong hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận cổ tức.

Nina Smith, Valdemar Smith, và Mette Verner (2006) cho rằng sự hiện diện của phụ nữ có thể tăng cường việc các thành viên của HĐQT thảo luận như phong cách giao tiếp của phụ nữ: có sự tham gia nhiều hơn và có tính định hướng hơn. Sự hiện diện của phụ nữ cũng có thể cải thiện hình ảnh của công ty, và điều này có thể có một tác động tích cực đến hành vi của khách hàng.

Bên cạnh đó, khi nhìn sang các nước đang phát triển, có nhiều bài nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ tích cực giữa sự xuất hiện phụ nữ trong HĐQT với hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần như bài “Women On Boards Of Malaysian Firms: Impact On Market And Accounting

Performance tại thị trường Malaysia”, hay nghiên cứu “Benefits of

gender diversity on group performance in China” tại Trung Quốc. Những bài nghiên cứu này không những xuất phát từ thị trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam mà khoảng thời gian nghiên cứu cũng không cách xa nhiều thời gian khảo sát số liệu của nhóm.

Vì vậy, trên cơ sở khảo sát kết quả của những bài nghiên cứu trước, kết hợp với việc xem xét thị trường Việt Nam, nhóm đề xuất giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết nghiên cứu 1: “Sự xuất hiện phụ nữ trong HĐQT ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần”

3.4.2. Giả thuyết về ảnh hưởng của sự cân bằng giới tính trong HĐQT đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần

Các nghiên cứu cho thấy sự đa dạng về nhân khẩu học trong HĐQT có thể tăng cường mạng lưới kết nối, nguồn lực, sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cũng chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của xung đột và giao tiếp thấp giữa các thành viên HĐQT có xu hướng lấn át những hiệu ứng tích cực mà đa dạng nhân khẩu học mang lại. Xét trong bối cảnh Việt Nam, sự đa dạng trong thành phần HĐQT vẫn được khuyến khích trong các thông lệ quản trị công ty tốt vì được xem là làm giảm rủi ro “tư duy nhóm” và tăng cường tính phản biện của HĐQT, Chủ tịch và/hay nhóm cán bộ điều hành cao cấp, do đó nâng cao trách nhiệm của HĐQT. Sự đa dạng này không chỉ liên quan đến việc tham gia HĐQT của các thành viên nữ giới mà còn liên quan đến sự đa dạng về kinh nghiệm, kỹ năng, độ tuổi… của HĐQT. Trên cơ sở lý thuyết trên cùng với việc xem xét thực trạng ở các công ty cổ phần hiện nay ở Việt Nam, nhóm đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết nghiên cứu 2: “Sự đa dạng giới tính trong HĐQT ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần”

3.4.3. Giả thuyết về ảnh hưởng của tỷ lệ phụ nữ trong HĐQT đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần

Qua các bài nghiên cứu đối với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Indonesia, Pakistan…, nhóm nghiên cứu nhận thấy đa phần các tác giả đều đi đều đi đến kết luận: tỷ lệ phụ nữ trong HĐQT ảnh hưởng tiêu cực hoặc không có tác động đến hiệu quả hoạt động của các công ty cổ phần. Tuy nhiên, các công ty niêm yết tại Indonesia (hay Pakistan) chủ yếu do gia đình kiểm soát (Claessens và cộng sự, 2000), nên sự hiện diện của tỷ lệ phụ nữ trong HĐQT nhiều hơn có thể là do các mối quan hệ gia đình với các cổ đông kiểm soát thay vì do chuyên môn hay kinh nghiệm nghề nghiệp của họ tốt. Như vậy, chất

lượng quản trị không cao có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của công ty. Việt Nam tuy cũng là một nước đang phát triển, có nhiều đặc điểm tương đồng với những nước này nhưng các công ty cổ phần ở Việt Nam lại rất đa dạng về cơ cấu sở hữu: do Nhà nước, do các tổ chức hoặc do gia đình nắm quyền kiểm soát. Hơn thế nữa, theo số liệu từ mẫu của nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ trung bình của phụ nữ trong HĐQT của 284 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE là khoảng 15 phần trăm - con số này không khác biệt nhiều so với các nước phát triển Úc, Anh, Mỹ, New Zealand… (khoảng 20 phần trăm). Hầu hết các nghiên cứu trong các nền kinh tế phát triển này đều cho thấy rằng tỷ lệ nữ trong HĐQT ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động công ty, nhưng các lý thuyết: Lý thuyết bản sắc xã hội (Social identity theory), lý thuyết thu hút- đồng dạng (similarity-attraction theory) và lý thuyết phân loại xã hội (social categorization theory) cho thấy có sự tác động tiêu cực của sự đa dạng giới tính tới HQHĐ công ty do tạo ra xung đột nhóm trong quá trình ra quyết định cũng như giao tiếp, nhóm dự đoán rằng ảnh hưởng của tỷ lệ nữ giới trong HĐQT tới HQHĐ công ty sẽ thay đổi từ tích cực sang tiêu cực khi tỷ lệ nữ giới đạt một giới hạn nhất định. Điều này cũng phù hợp với giả thuyết 2 của nhóm: “Sự đa dạng giới tính trong HĐQT ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần”. Vì vậy nhóm đề xuất giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết nghiên cứu 3: “Tỷ lệ phụ nữ trong HĐQT ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty cổ phần theo mô hình chữ U ngược”

3.4.4. Giả thuyết về ảnh hưởng của nữ CEO đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần

Nghiên cứu của Barber & Odean (2001); Bliss & Potter (2002) …, cho rằng nữ CEO, khi đưa ra quyết định quản trị, thường lo ngại nhiều về rủi ro cũng như cách thức công ty chi tiêu và thường nhận được ít lợi ích cá nhân từ công ty hơn so với nam giới. Ford và Richardson (1994) thì cho rằng phụ nữ thực hiện nhiều quyết định mang tính vì xã hội, cộng đồng hơn nam giới. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng nữ CEO có ảnh hưởng tích cực đến HQHĐ của công ty.

Tuy nhiên, để đánh giá rõ ràng sự ảnh hưởng của nữ CEO tới HQHĐ của công ty cổ phần, nhóm chia HQHĐ của công ty làm 2 loại: hiệu quả kế toán và hiệu quả thị trường.

3.4.4.1. Về hiệu quả kế toán (chỉ tiêu đại diện: ROA)

Các bài nghiên cứu trên thế giới về vấn đề ảnh hưởng của nữ CEO đến hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần, đến nay vẫn chưa thống nhất được một kết luận chung, tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng có một mối liên hệ tích cực giữa hai đại lượng này. Trên cơ sở tìm hiểu nguyên nhân mà các tác giả kết luận về mối liên hệ tiêu cực đưa ra để giải thích cho kết quả nghiên cứu của mình, so sánh với thực trạng của các công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay, nhóm nhận thấy các nguyên nhân này hầu hết đều không phù hợp. Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ CEO thuộc

hàng cao nhất Đông Nam Á (6.33%, so với mức trung bình chung của ASEAN là 3.34% vào tháng 4/2014), và có tỷ lệ khá cao so với các nước trên thế giới. Điều này một phần do: không giống như ở nhiều nước châu Á khác nơi phụ nữ bị lép vế, phụ nữ ở Việt Nam nắm quyền lực không nhỏ; họ làm việc rất chăm chỉ, rất thông minh, có mức độ cam kết cao, thu hút được sự trung thành, họ cởi mở với việc huấn luyện, coi trọng sự sáng tạo và khả năng trực giác (theo Grant Thornton). Bởi vậy, cùng chung quan điểm với một số nhà nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, nhóm đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết nghiên cứu 4: “Nữ CEO ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kế toán của công ty cổ phần”

3.4.4.2. Về hiệu quả thị trường (chỉ tiêu đại diện: Tobin’s q)

Khi nghiên cứu về tác động của nữ CEO tới hiệu quả thị trường của công ty, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng nữ CEO sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Tobin’s q.

Gần đây, nghiên cứu của Lee và James (2007) về các sự chỉ định giám đốc trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2000 tại Mỹ cho thấy phản ứng của các nhà đầu tư trước thông báo các nữ CEO được bổ nhiệm là rất tiêu cực do định kiến giới tính. Họ lập luận rằng nữ CEO có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi những thành kiến nhận thức và định kiến bất lợi so với khi phụ nữ đảm nhận các vị trí điều hành cao khác, bởi nữ CEO ít gặp hơn trong thực tế (Kanter, 1977). Frank Dobbin và Jiwook Jung (2007) cũng cung cấp một lý thuyết về tác động của nữ CEO tới hiệu quả thị trường của công ty. Họ cho rằng nữ CEO ảnh hưởng hiệu suất của công ty không phải bằng lợi nhuận, hoặc khả năng giám sát, làm việc của mình mà là thông qua sự kích hoạt phân biệt giới tính của các tổ chức đầu tư kiểm soát tới 80% cổ phần của các công ty hàng đầu tại Mỹ giai đoạn này.

Tại Việt Nam, định kiến về giới tính vẫn còn tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội nhất là trong tuyển dụng lao động, bạo lực gia đình hay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, các tổ chức đầu tư cũng nắm giữ một khối lượng khá lớn cổ phần của các công ty. Do những đặc điểm tương đồng đó, nhóm đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết nghiên cứu 5: “Nữ CEO ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thị trường của công ty cổ phần”

CHƯƠNG 4 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. THU THẬP SỐ LIỆU (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 284 công ty được niêm yết trên HOSE trong khoảng thời gian 7 năm từ 2007-2013. Dữ liệu đầu vào để tính toán các biến được nhóm nghiên cứu tổng hợp từ 1988 báo cáo tài

chính thường niên của các công ty. Có nhiều báo cáo tài chính thường niên không có dữ liệu liên quan đến số lượng và cơ cấu giới tính thành viên hội đồng quản trị. Trong trường hợp này, nhóm lấy số liệu ở báo cáo quản trị qua từng năm để tính toán số liệu cần thiết phục vụ cho việc phân tích mô hình

Các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị của các công ty được nhóm thu thập từ trang web hsx.vn. Trường hợp trang web không đăng tải hoặc chưa kịp cập nhật dữ liệu, nhóm tiến thành thu thập dữ liệu ở trên trang web chính thức của từng công ty.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nữ giới trong vai trò người quản lý cấp cao tới hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn HOSE (Trang 34 - 38)