GIỚI THIỆU VỀ PHƯƠNG PHÁP FINGERPRINT

Một phần của tài liệu Định lượng một số hợp chất có hoạt tính sinh học trong các mẫu nấm lớn ở vùng Bắc Trung Bộ bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (Trang 33 - 35)

Ban đầu fingerprint “Dấu vân tay” được người Trung Quốc sử dụng trong xác thực các văn bản hành chính, các hợp đồng mua bán và trong các giấy tờ thỏa thuận giữa hai bên. Năm 1823 giáo sư Johannes đã xuất bản một tài liệu mô tả về fingerprint, trong tài liệu này fingerprint được mô tả như những vòng uốn cong hoặc xoắn ốc, sắp xếp theo các lớp xuất hiện trên bàn tay, chân của mỗi người. Cho đến năm 1858, khi người Anh cai trị các nước thuộc địa, người ta bắt đầu chú ý đến fingerprint trong việc nhận dạng và xác thực cá nhân vì những nét riêng biệt mang tính duy nhất của fingerprint. Những ứng dụng mạnh mẽ nhất của fingerprint trong khoa học thực sự bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một bác sỹ người Xcotlen đã tiến hành các nghiên cứu, quan sát kỹ lưỡng các mẫu fingerprint và nhận

thấy rằng các mẫu fingerprint trên các ngón tay của mỗi cá nhân có những điểm khác biệt, không trùng lặp, những điểm khác biệt này có thể được sử dụng để nhận dạng mỗi cá nhân. Chính những phát hiện này đã dẫn đến những phát kiến để so sánh nhận dạng và ứng dụng fingerprint. Kỹ thuật fingerprint được ứng dụng rộng rãi trong các ngành an ninh, công nghệ thông tin, ngân hàng, vật liệu.... Cuối cùng kỹ thuật fingerprint còn được áp dụng vào việc đánh giá chất lượng dược liệu và nhận dạng độc tố trong y học thông qua phương pháp sắc ký fingerprint.

Theo định nghĩa, một sắc ký fingerprint của một mẫu thảo dược là một sắc ký đồ (hoặc một điện tâm đồ) có dược tính và tính chất hóa học điển hình của một dịch chiết mẫu thảo dược đó. Mẫu sắc ký đồ này phải đảm bảo các yêu cầu về sự xuất hiện “rõ ràng” hay “mờ nhạt”, sự “giống” hay “khác nhau” của các yếu tố hóa học có mặt trong dược liệu. Dựa vào những đặc tính nêu trên, phương pháp sắc ký fingerprint được sử dụng trong việc đánh giá và kiểm soát chất lượng thảo dược. Khó khăn của việc kiểm soát chất lượng dược liệu từ thiên nhiên chủ yếu là do sự phức tạp của các thành phần hóa học, trong đó có rất nhiều sự tương tác qua lại dẫn đến khó có thể xác định chính xác được thành phần nào có hoạt tính. Chính vì vậy, nếu đánh giá chất lượng dược liệu mà chỉ dựa vào một số lượng hạn chế các hợp chất có hoạt tính hoặc độc tố thì rất khó xác định được chất lượng tự nhiên của sản phẩm một cách trọn vẹn. Sự ra đời của phương pháp sắc ký fingerprint đã phần nào khắc phục được những hạn chế nêu trên qua đó sẽ giúp cho việc xác định định tính và định lượng chất lượng các thảo dược nhanh chóng và độ chính xác đáng tin cậy. Kể từ vài năm trở lại đây, kỹ thuật phân tích sắc ký fingerprint đã được sử dụng nhiều để xác định và đánh giá chất lượng dược liệu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2000, Cục Quản lý dược của Trung Quốc đã quyết định phát triển kỹ thuật sắc ký fingerprint của dược liệu cổ truyền (TMC) như một tiêu chuẩn để đánh giá và quản lý chất lượng của dược phẩm. Trong tương lai không xa, kỹ thuật phân tích sắc ký fingerprint sẽ trở thành một kỹ thuật mang tính tiêu chuẩn cho việc đánh giá chất lượng

dược liệu và các sản phẩm thiên nhiên khác có nguồn gốc từ dược liệu, trong đó bao gồm việc đánh giá những nguyên liệu tinh và nguyên liệu thô dùng làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp hóa dược.

Một phần của tài liệu Định lượng một số hợp chất có hoạt tính sinh học trong các mẫu nấm lớn ở vùng Bắc Trung Bộ bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (Trang 33 - 35)