Mặc dù, pháp luật quy định vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi ly hôn nhưng trên thực tế vấn đề này rất ít khi xảy ra. Theo quy định của Luật HN&GĐ 2000 thì vấn đề cấp dưỡng được đặt ra khi một bên có khó khăn túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “ khó khăn, túng thiếu” và khi nào thì sự khó khăn, túng thiếu đó được coi là “có lý do chính đáng” thì Luật HN&GĐ 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể. Vì thế, việc áp dụng các quy định này trên thực té gặp rất nhiều khó khăn.
Phổ biến hiện nay, là trường hợp một bên vợ hoặc chồng tự nguyện cấp dưỡng cho bên kia, thường là cấp dưỡng một lần hoặc có trường hợp bên yêu cầu được cấp dưỡng thực sự gặp khó khăn túng thiếu nhưng không có lý do chính đáng như:
Chị Nguyễn Thị Thu và anh Trần Văn Cường kết hôn tháng 11/1992 tại UBND xã Tân Thành. Sau khi kết hôn, họ chung sống hạnh phúc đến năm 2005 thì phát sinh mâu thuẫn, tháng 4/2007 chị Thu làm đơn xin ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung và giải quyết vấn đề con cái. Theo bản án số 04/2007/HNGĐ-ST, Toà án nhân dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình), quyết định giao cháu Trần Thị Ngân, sinh năm 1993 cho chị Thu trực tiếp nuôi dưỡng, anh cường có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 230.000đồng/tháng, có quyền được thăm nom, chăm sóc con, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Khi ly hôn, anh Cường tự nguyện cấp dưỡng một lần 5.000.000đồng để giúp mẹ con chị Thu ổn định cuộc sống và được Toà án chấp nhận.
Toà án nhân dân huyện Yên Khánh (Ninh Bình) khi giải quyết vụ ly hôn giữa anh Nguyễn Văn Tám và chị Vũ Thị Kim xác định, anh chị kết hôn năm 1995 và chung sống được 5 năm thì phát sinh mâu thuẫn do anh Tám thường xuyên uống rượu và đánh đập vợ con. Khi ly hôn anh Tám yêu cầu Toà án buộc chị Kim phải cấp dưỡng cho anh 180.000đồng/tháng, định kỳ 6 tháng/lần. Xét thấy yêu cầu cấp dưỡng của anh Tám là không có lý do chính
đáng, tình trạng khó khăn, túng thiếu của anh là do nghiện ngập, lười lao động nên Toà án bác yêu cầu cấp dưỡng của anh Tám.
3.2.4. Giải quyết mối quan hệ giữa cha mẹ và con khi ly hôn.
Khi giải quyết vấn đề ly hôn, Toà án cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc giao con cho ai nuôi, cấp dưỡng nuôi con sao cho quyền lợi về mọi mặt của con được đảm bảo và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cha mẹ sau khi ly hôn.
Trong thực tiễn xét xử, khi giải quyết vấn đề này, Toà án gặp phải một số vấn đề bất cập như: việc quyết định thời điểm cấp dưỡng, mức cấp dưỡng nuôi con, giao con cho ai trực tiếp nuôi để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của con,… Đặc biệt là việc xác định mức cấp dưỡng thường gặp nhiều vướng mắc vì mức cấp dưỡng phụ thuộc vào mức sinh hoạt và thu nhập bình quân của người dân trong các khu vực dân cư. Có trường hợp, Toà án căn cứ vào thu nhập của cha mẹ quá thấp nên mức cấp dưỡng nuôi con không đảm bảo hoặc có trường hợp do bảo vệ quyền lợi của con mà quyết đinh mức cấp dưỡng quá cao so với thu nhập của cha mẹ, hoặc vợ chồng tự thoả thuận về mức cấp dưỡng nhưng không phù hợp, thậm chí không thể coi là cấp dưỡng được. Vì thế, việc thi hành các bản án về cấp dưỡng nuôi con trên thực tế nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Do đó, khi giải quyết vấn đề này Toà án cần phải cân nhắc thận trọng để đưa ra quyết định đúng đắn đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho con, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của việc ly hôn tới sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Có thể thấy trên thực tế xét xử, rất nhiều Toà án đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa cha mẹ và con khi cha mẹ ly hôn.
Anh Dương Văn Hà và chị Nguyễn Thị Oanh kết hôn năm 1995 đến năm 2002 thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Tháng 11/2006 anh Hà làm đơn xin ly hôn yêu cầu chia tài sản chung, giải quyết vấn đề con cái.
Theo bản án số 01/2007/HNST , Toà án nhân dân huyện Yên Khánh chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh Hà và giao cho anh Hà trực tiếp nuôi cháu Dương Thuỳ Linh, sinh năm 1996 và chị Oanh nuôi cháu Dương Khánh Ly, sinh năm 2003. Hai bên không phải đóng góp phí tổn nuôi con chung cho nhau và có quyền thăm nom con chung, không ai được ngăn cản.
Tuy nhiên, ngày 29/1/2007, chị Oanh làm đơn kháng cáo đề nghị được trực tiếp nuôi con chung, do anh Hà thường xuyên đi công tác xa không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con. Bản án phúc thẩm số 03/HNPT của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình nhận định: Tại bản án sơ thẩm hai bên đã thoả thuận về việc nuôi con, song tại phiên toà phúc thẩm cháu Linh có nguyện vọng được sống cùng mẹ, điều kiện và hoàn cảnh của anh Hà thường xuyên đi công tác xa nên không thể chăm lo mọi mặt cho con. Chị Oanh có công ăn việc làm ổn định, có đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc các con, anh Hà cũng nhất trí với yêu cầu của chị. Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi về mọi mặt của các con, Toà án quyết định giao hai cháu Linh và cháu Ly cho chị Oanh trực tiếp nuôi dưỡng còn anh Hà có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 350.000đồng/người/tháng và có quyền thăm nom con mà không ai được ngăn cản.
Chị Hoàng Thị Thái và anh Dư Đức Phượng kết hôn ngày 14/11/1990 tại Cộng hoà dân chủ Đức được đại sứ quán Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Đầu năm 1991, họ về nước và sinh sống tại số 42 phố Nối - thị trấn Bần - Mỹ Hào - Hưng Yên. Họ chung sống hạnh phúc đến năm 2005 thì phát sinh mâu thuẫn do anh Phượng có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, không quan tâm tới vợ con. Cuối năm 2007, chị Thái khởi kiện xin ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung và mong muốn được nuôi 02 con là cháu: Dư Lý Thu Huyền, sinh ngày07/5/1991 và Dư Uyển Phượng Uyên, sinh ngày 25/08/2006 và yêu cầu anh Phượng cấp dưỡng nuôi con chung: cháu Huyền là 500.000đồng/tháng, cháu Uyên là 300.000đồng/tháng. Anh Phượng đồng ý ly hôn và yêu cầu được nuôi cháu Huyền, không yêu cầu chị Thái phải cấp dưỡng nuôi con chung.
Theo bản án số 16/HNGĐ - ST ngày, 06/6/2008, Toà án nhân dân huyện Mỹ Hào, xét thấy cháu Huyền có nguyện vọng được ở với mẹ, cháu Uyên còn nhỏ nên. Vì vậy, giao cho chị Thái có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng 02 cháu Huyền và Uyên, anh Thái có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 800.000đồng/ tháng (cụ thể: cháu Huyền 500.000đồng/tháng, cháu Uyên
300.000đồng/tháng) tính từ ngày 01/7/2008 cho đến khi các cháu thành niên và có quyền thăm nom, chăm sóc, yêu cầu thay đổi người nuôi con.
Nhìn chung, khi giải quyết các vụ ly hôn, Toà án nhân dân các cấp đều đưa ra quyết định khá chính xác và giảm thiểu được đáng kể việc xét xử lại nhiều lần gây lãng phí về thời gian công sức. Việc áp dụng Luật HN&GĐ 2000 đã đảm bảo việc giải quyết thoả đáng, hợp lý các tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nâng cao hiệu quả công tác xét xử.