Trong lịch sử phát triển Luật HN&GĐ Việt Nam, Luật HN&GĐ 2000 được coi là đạo luật hoàn thiện nhất cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Có thể nói, các quy định của Luật HN&GĐ 2000 đã kịp thời bổ sung những thiếu sót và cụ thể hóa các quy định của pháp luật HN&GĐ trước đây để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trong lĩnh vực này. Các quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý của ly hôn đã góp phần bảo vệ tốt các quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như các thành viên khác trong gia đình.
Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở nước ta ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất tranh chấp. Theo thống kê của ngành Tòa án thì năm 2001 Tòa án thụ lý giải quyết khoảng 56.653 vụ ly hôn, năm 2002 là 60.265 vụ đến năm 2006 ước tính có khoảng 66.000 vụ, năm 2007 khoảng 76.800 vụ ly hôn. Thực tiễn xét xử các vụ án về HN&GĐ cho thấy, số lượng các vụ án phải xem xét lại theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm vẫn còn nhiều, tỷ lệ án phải cải sửa vẫn còn. Theo báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2008, [15]:
- Xét xử sơ thẩm: Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý và giải quyết theo trình tự sơ thẩm là 80.770 vụ và đã giải quyết được 76.152 vụ án về HN&GĐ đạt tỷ lệ 94,3%. Trong đó Toà án nhân dân cấp huyện đã giải quyết 73.560 vụ / 73.878 vụ, đạt tỷ lệ 94,4% và chiếm 91,5% tổng số vụ án đã giải quyết theo trình tự sơ thẩm trong cả nước. Như vậy, có thể thấy rằng, phần lớn các vụ án HN&GĐ xét xử theo trình tự sơ thẩm đều được giải quyết ở Toà án cấp huyện, số vụ được giải quyết ở Toà án cấp tỉnh là 2592 vụ / 2771 vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
- Xét xử phúc thẩm: Số vụ án HN&GĐ có kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm là 2975 vụ, đã giải quyết được 2885 vụ chiếm 97,0%.
Trong đó Tòa án cấp tỉnh là 2868 vụ đã giải quyết 2788 vụ, Tòa phúc thẩm – Toà án Nhân dân Tối cao là 107 vụ đã giải quyết 97 vụ.
- Xét xử giám đốc thẩm: Tổng số vụ án có giám đốc thẩm là 111 vụ đã giải quyết 106 vụ chiếm 95,5% . Trong đó, Tòa án cấp tỉnh là 72 vụ, đã giải quyết được 71 vụ còn Toà án nhân Nhân Dân Tối cao là 39 vụ đã giải quyết 35 vụ.
Nhìn chung, Toà án nhân dân các cấp khi xét xử các vụ án về HN&GĐ đều cố gắng bám sát các quy định của Bộ luật dân sự, Luật HN&GĐ và vận dụng đúng đắn các văn bản hướng dẫn có liên quan trong việc giải quyết các vụ án cụ thể. Vì vậy, đã hoàn thành tốt công tác xét xử trong năm, chất lượng xét xử các vụ án ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án Nhân dân Tối cao năm 2008 [15], cho thấy việc giải quyết hậu quả pháp lý của ly hôn vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do việc điều tra, xác minh nguồn gốc của tài sản, định giá tài sản còn nhiều thiếu sót, các phán quyết của Toà án trong nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ xác thực về nguồn gốc tài sản, quyền lợi của các bên chưa được giải quyết một cách thoả đáng đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân quan trọng khác là do Luật HN&GĐ hiện hành- cơ sở pháp lý cơ bản cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh còn quy định một cách chung chung hoặc do trình độ xét xử của đội ngũ Thẩm phán chưa đồng đều hoặc do đương sự cố tình không khai hết các loại tài sản, các nghĩa vụ dân sự chung nhằm trốn tránh án phí. Nên nhiều vụ án phải xử đi, xử lại nhiều lần, hoặc phán quyết của Toà án chưa đủ sức thuyết phục, chất lượng xét xử chưa cao,… Từ thực tế trên, chúng tôi xin mạnh dạn đề cập tới một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ hiện hành vào việc giải quyết hậu quả pháp lý của ly hôn.