Các giải pháp tổ chức thực thi pháp luật về đấu thầu mua sắm công

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về đấu thầu mua sắm công hướng hoàn thiện từ kinh nghiệm của cộng hòa pháp luận văn ths luật (Trang 92 - 97)

Nhóm đề xuất này tập trung vào các giải pháp chính sau đây:

Thứ nhất: Nhanh chóng chuyển đổi cơ chế đấu thầu mua sắm rải rác hiện nay thành mua sắm tập trung.

Từ năm 2008, Bộ tài chính đã cho thí điểm phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung. Qua gần năm năm triển khai thực hiện đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Theo thống kê của cục quản lý Công sản, mua sắm tập trung đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 467 tỷ đồng [24].

Quy trình mua sắm được quy định trong Quyết định số 179/2007/QĐ- TTg về ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung về cơ bản rất khoa học, nhưng chỉ kiểm soát được tình trạng tham nhũng, lãng phí ở quá trình thực hiện mua sắm. Tại điều 5 của quy chế quy định, việc lập kế hoạch mua sắm dựa trên nhu cầu thực tế và đề nghị của cơ quan sử dụng tài sản, trên thực tế chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát nhu cầu thực tế của các cơ quan sử dụng tài sản. Vì vậy, trong pháp luật mua sắm công cần có quy định trách nhiệm thẩm định nhu cầu thực tế của các cơ quan sử dụng tài sản để tránh trường hợp mua sắm tràn lan, trang bị tài sản vượt quy định, tiêu chuẩn, định mức hay tài sản chuyển về cơ quan sử dụng được cất vào kho chờ tới thời điểm thanh lí.

Trách nhiệm thẩm định nhu cầu thực tế sử dụng tài sản nên giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư. Bộ phận thẩm định nhu cầu thực tế sử dụng tài sản nên tiến hành thẩm định 1 năm hai lần để đánh giá nhu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước, tránh tình trạng như đã nêu trên.

Để hoạt động mua sắm tập trung được hiệu quả, chúng ta cần phải thành lập các trung tâm đấu thầu mua sắm công ở một số khu vực trọng yếu như ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả hoạt động mua sắm công phải ủy thác cho các trung tâm này.

Việc đấu thầu qua trung tâm mua sắm đạt được nhiều lợi ích như: tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức đấu thầu; tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả vốn đầu tư; và giám sát đối với việc đấu thầu sẽ dễ dàng hơn.

Thứ hai: Tăng cường triển khai đấu thầu qua mạng và thiết lập các quy định cụ thể về đấu thầu qua mạng.

Đấu thầu qua mạng đã đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, năm 2010, Bộ kế hoạch và đầu tư mới tiến hành triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng. Sau 3 năm triển khai, đấu thầu

trên hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm đã thu được nhiều thành quả. Tuy nhiên, bước đầu xây dựng mô hình đấu thầu điện tử của chúng ta đã gặp phải nhiều thách thức. Những thách thức bên trong liên quan đến yếu tố con người, đó là quyết tâm của Chính phủ đối với việc xây dựng và triển khai ứng dụng đấu thầu điện tử, là trình độ hiểu biết, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu, tâm lý e ngại của người tham gia đấu thầu…

Bên cạnh đó, những thức thức bên ngoài là sự hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được vai trò khung pháp lý cho đấu thầu điện tử có thể vận hành đầy đủ các chức năng của nó theo đúng kiểu trực tuyến (chẳng hạn như vấn đề chữ ký điện tử). Tiếp đến là những trở ngại về công nghệ thông tin. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin của Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay được yêu cầu vận hành của hệ thống trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, an ninh mạng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia hệ thống đấu thầu điện tử. Cuối cùng, chính là nguồn vốn để xây dựng và duy trì hệ thống đấu thầu qua mạng.Với những thách thức trên, chính phủ cần đưa ra một lộ trình thích hợp để vượt qua trở ngại, xây dựng thành công cơ chế đấu thầu hiện đại.

Nghiên cứu những kinh nghiệm pháp luật của Cộng hòa Pháp và những khó khăn của Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng, việc xây dựng khung pháp lý và lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng cần cần đảm bảo thống nhất các nguyên tắc sau:

- Thừa nhận các thông điệp dữ liệu là hợp pháp;

- Đảm bảo tính tin cậy và toàn vẹn của thông tin trao đổi giữa các bên trong đấu thầu điện tử thông qua biện pháp mã hóa thông tin và sử dụng chữ ký số;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên tham gia đấu thầu điện tử; - Xử lý tranh chấp và các vi phạm, tội phạm trong đấu thầu điện tử. Bên cạnh việc thay đổi pháp luật và cơ chế đấu thầu mua sắm công, chúng ta cần nhanh chóng cải thiện năng lực của cán bộ, chuyên gia thực hiện quá trình đấu thầu mua sắm công, bởi vì mua sắm công thực sự là công việc cần có nghiệp vụ. Dù chúng ta đã có một số cơ sở đào tạo nghiệp vụ đấu thầu nhưng chất lượng của các cơ sở đào tạo chưa cao, các khóa học chủ yếu là ngắn hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện năng lực cán bộ, chuyên gia và các bên tham gia đấu thầu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là đã đến lúc vấn đề đào tạo về đấu thầu mua sắm công cần phải đưa vào chương trình đào tạo cấp quốc gia. Kinh nghiệm xây dựng pháp luật mua sắm công của các nước chỉ ra rằng, muốn tăng cường hiệu quả thực hiện pháp luật về mua sắm công thì vấn đề này phải hết sức được coi trọng. Những điểm cần quan tâm trong lĩnh vực này bao gồm:

Một là, phải xây dựng chiến lược đào tạo bao gồm nhu cầu đào tạo, chương trình đào tạo, mô hình cung cấp đào tạo và kế hoạch hành động, trong đó chương trình đào tạo về mua sắm công phải bao gồm chương trình đào tạo ngắn hạn và chương trình đào tạo dài hạn.

Hai là, phải xây dựng được hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp với các hệ thống chức danh áp dụng trong đào tạo mua sắm công.

Ba là, thực hiện các khóa phổ biến cập nhật các kiến thức liên quan đến pháp luật về mua sắm công, khóa phổ biến này không chỉ dành riêng cho các cán bộ liên quan tới hoạt động đấu thầu mua sắm mà còn cho những người tham gia vào quá trình mua sắm với tư cách là bên cung cấp.

Trên cơ sở nghiên cứu lí luận về mua sắm công, nghiên cứu thực trạng Pháp luật Việt Nam, thực tiễn thi hành pháp luật và các quy định của Cộng hòa Pháp, luận văn xin mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đấu thầu mua sắm công.

Kết luận chương 3

Trong thời gian qua, pháp luật đấu thầu mua sắm công đã góp phần quan trọng trong việc mua sắm công đi vào nề nếp, phù hợp với yêu cầu xã hội và đạt hiệu quả cao. Song còn nhiều vấn đề mà luật cần được hoàn thiện nhằm đáp ứng tốt hơn các mục đích lâu dài của Việt Nam như hội nhập quốc tế, mục tiêu phát triển đến năm 2020 và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Chương III tập trung đưa ra những kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế hoạt động đấu thầu, thông lệ và quy định của luật quốc tế. Những tồn tại và khó khăn của Việt Nam hiện nay chủ yếu liên quan đến ban hành luật, cơ chế tổ chức quản lý đấu thầu. Ngoài ra các vấn đề cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch cũng cần được quan tâm để đáp ứng đòi hỏi của các nhà tài trợ quốc tế. Qua việc xem xét về thực trạng pháp luật, hạn chế còn tồn tại và mối liên hệ với kinh nghiệm điều chỉnh của Cộng hòa Pháp, luận văn nêu lên những kiến nghị nhằm giải quyết tốt các mối quan hệ trong mô hình tổ chức đấu thầu một cách hợp lý. Các giải pháp mà luận văn đưa ra nhằm vào ba vấn đề lớn:

- Hoàn thiện pháp luật đấu thầu mua sắm công cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và hài hòa với quy định hướng dẫn của các nhà tài trợ quốc tế như WB, ADB…;

- Thay đổi cơ chế đấu thầu truyền thống sang cơ chế đấu thầu hiện đại; - Cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu và người tham gia đấu thầu.

Các giải pháp trong chương này đã đạt được mục tiêu cơ bản là: thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng; kế thừa nội dung phù hợp của Luật Đấu thầu; bảo đảm tính công khai, minh bạch phù hợp với thông lệ quốc tế, thống nhất trong chi tiêu sử dụng vốn nhà nước và đòi hỏi của tiến trình hội nhập trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về đấu thầu mua sắm công hướng hoàn thiện từ kinh nghiệm của cộng hòa pháp luận văn ths luật (Trang 92 - 97)