BLTTHS quy định biện pháp tạm giữ là một trong những biện pháp được áp dụng nhiều trong hoạt động TTHS. Biện pháp tạm giữ được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với những người bị bắt theo quyết định truy nã. Nhưng không phải trường hợp nào cũng bị tạm giữ mà chỉ trong những trường hợp cần thiết: cần thời gian để lấy lời khai, xác minh những tình tiết liên quan để làm rõ hành vi phạm tội, lý lịch, nhân thân hoặc trường hợp người bị bắt có khả năng trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Đối với BPNC này, vai trò của VKSND thể hiện cũng rất rõ không những đảm bảo quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể của người bị bắt mà còn đảm bảo pháp luật được áp dụng đúng đắn. Điều đó thể hiện như sau:
Thứ nhất, VKSND có nhiệm vụ kiểm sát việc ra quyết định tạm giữ. Khoản 3 Điều 86 BLTTHS đã quy định: trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho VKS cùng cấp. Khi nhận được quyết định tạm giữ, VKS sẽ kiểm tra tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định tạm giữ; thời hạn ra quyết định tạm giữ; thời hạn gửi quyết định tạm giữ.
Về tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tạm giữ thể hiện: người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải là: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển [30, Điều 86]. Đối tượng bị tạm giữ phải thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS và phải trong trường hợp cần thiết để xác minh, để quyết định khởi tố bị can, để có áp dụng biện pháp tạm giam hay không. VKS cũng cần chú ý đến thời hạn tạm giữ có đúng quy định pháp luật hay không: thời hạn tạm giữ không quá ba ngày, kể từ khi CQĐT nhận người bị bắt.
Về thời hạn ra quyết định tạm giữ: trong thời hạn 24 giờ kể từ khi bắt hoặc nhận người bị bắt, CQĐT phải ra quyết định tạm giữ hoặc ra quyết định trả tự do cho người bị bắt. Thời hạn gửi quyết định tạm giữ cho VKS: là trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, CQĐT phải gửi quyết định tạm giữ cho VKS cùng cấp.
Qua hoạt động kiểm sát của mình, nếu VKSND phát hiện việc tạm giữ không có căn cứ và không hợp pháp thì có quyền yêu cầu CQĐT trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Nếu VKSND thực hiện đúng đắn chức năng kiểm sát này sẽ đảm bảo việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ có căn cứ và đúng pháp luật, kịp thời khắc phục các vi phạm trong hoạt động của CQĐT.
Thứ hai, VKSND có quyền phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ. Việc gia hạn tạm giữ tạo điều kiện cho hoạt động điều tra, xác minh của CQĐT. Có hai trường hợp gia hạn tạm giữ: trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày; trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn này đều phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu có liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn (khoản 2 Điều 87). Để quyết định việc phê chuẩn hay không phê chuẩn, VKS sẽ kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ để xem việc gia hạn tạm giữ có đúng quy định pháp luật, có cần thiết hay không, như: thẩm quyền gia hạn tạm giữ, thời hạn gia hạn tạm giữ, việc gia hạn tạm giữ là cần thiết. Trường hợp không đủ căn cứ để gia hạn tạm giữ hoặc không cần thiết gia hạn tạm giữ thì VKS không phê chuẩn và có quyền yêu cầu CQĐT trả tự do cho người bị tạm giữ.