sự năm 1988
Chế định VKSND lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959. Trên cơ sở đó Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành năm 1960 làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của VKSND. Đồng chí Trường Chinh đã từng phát biểu:
Việc thành lập Viện kiểm sát chính là để đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân, thực hiện dân chủ rộng rãi và phát triển nền dân chủ ấy. Dân chủ của ta không cố định, cứ phát triển mãi lên, vì đời sống vật chất và trình độ văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, ý thức giác ngộ, ý thức chính trị của nhân dân mỗi ngày mỗi cao, thì việc sử dụng quyền dân chủ càng được triệt để. Trong bộ máy Nhà nước có nhiều bộ phận, chức năng khác nhau, như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Công an, Viện kiểm sát nhân dân. Các tổ chức ấy cốt là để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, đảm bảo trật tự an ninh trong xã hội, phát huy ý thức làm chủ Nhà nước, khả năng tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân. Nhưng không phải nhân dân ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình một cách dễ dàng, mà phải giáo dục lâu dài, phải có cơ quan thay mặt nhân dân làm nhiệm vụ đó. Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân có mục đích đảm bảo pháp chế dân chủ nhân dân được tôn trọng, luật pháp được tôn trọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân được tôn trọng. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, nhân viên cơ quan Nhà nước và mọi người công dân là rất quan trọng. Làm việc này so với Công tố trước kia thì nhiệm vụ đã mở rộng, quyền hạn lớn hơn, quyền lực cao hơn. Đây là sự phân công để thay mặt nhân dân phục vụ nhân dân, nhưng công việc ấy cũng phải ở dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì Đảng tiêu biểu ý chí, nguyện vọng cao quý nhất của nhân dân, của Tổ quốc [45].
Trước khi có BLTTHS năm 1988, sự tham gia của VKSND trong hoạt động TTHS chủ yếu được tiến hành trên cơ sở những quy định trong Luật tổ chức VKSND năm 1960 và năm 1981. Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 1960 quy định VKSND có chức năng trong TTHS như sau: - Điều tra những
việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan Công an và của cơ quan điều tra khác; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam. Còn trong Điều 3 Luật tổ chức VKSND 1981 quy định VKSND có chức năng: - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và các cơ quan điều tra khác; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của tòa án nhân dân; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các bản án và quyết định của tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ và cải tạo.
Trong giai đoạn này, để đảm bảo cho hoạt động TTHS được tiến hành thuận lợi, một số văn bản pháp luật quy định việc áp dụng các BPNC được ban hành, cụ thể: Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân; Sắc luật số 002/SLT ngày 18/6/1957 của Chủ Tịch nước: Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp và những trường hợp khám người phạm pháp quả tang; Nghị định số 301/TTG ngày 10/7/1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật số 103/SL ngày 20/5/1957; Sắc lệnh số 105/SL-L7 ngày 14/10/1957 của Chủ tịch nước ban bố Nghị quyết ngày 14/9/1957 của Quốc hội chuẩn y Sắc luật số 002/SLT ngày 18/6/1957 và bổ sung Điều 10 Luật số 103/SL ngày 20/5/1957;... [35, tr. 59+60].
Các văn bản này quy định một cách cụ thể những trường hợp bắt người, tạm giữ, tạm giam và những biện pháp cưỡng chế tố tụng khác. Ví dụ: quy định 04 trường hợp bắt người phạm pháp quả tang, 06 trường hợp bắt người
trong tình trạng khẩn cấp; bắt người trong trường hợp không phải khẩn cấp hoặc quả tang; thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;...Những văn bản pháp luật tố tụng quy định về các biện pháp cưỡng chế này đã được áp dụng trong suốt thời gian đến năm 1975 [35, tr.60].
Trong thời gian tiếp theo, một số các văn bản pháp luật TTHS được ban hành và áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có những quy định về biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam. Cụ thể: Sắc luật 02/SL-76 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật; Nghị quyết số 181-NQ/QHK6 ngày 23/1/1978 của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Tòa án nhân dân đặc biệt xét xử những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Những văn bản pháp luật tố tụng trong giai đoạn này đã cụ thể hóa việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế liên quan đến bắt, tạm giữ, tạm giam người phạm pháp và áp dụng các văn bản này trong phạm vi cả nước [35, tr.61].
Vai trò của VKSND trong việc áp dụng các BPNC trong giai đoạn này thể hiện ở một số quy định cụ thể đối với từng biện pháp nhất định.
Đối với trường hợp bắt khẩn cấp thì trong thời hạn 03 ngày kể từ khi giữ can phạm, Trưởng, Phó ty, Phó Giám đốc Sở, Cục trưởng, Cục phó thuộc Bộ công an phải báo cáo cho VKS cấp tương đương biết để làm công tác giám sát điều tra giam giữ. Trường hợp bắt bình thường nếu nhân dân phạm pháp phải có lệnh viết của CQCA, VKS, TA từ cấp tỉnh, thành phố trở lên; riêng lệnh của CQCA phải do Trưởng, Phó ty công an trở lên ký và phải được sự phê chuẩn của VKS cùng cấp [35, tr.66].
Về biện pháp tạm giữ, ngoài Công an thì VKS huyện hay khu phố được tạm giữ can phạm trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được can phạm để xét và hỏi cung rồi quyết định tha hẳn, tạm tha hay giải lên cấp trên. Công an
hoặc VKSND cấp tỉnh trở lên chỉ được tạm giữ 03 ngày từ lúc nhận được can phạm rồi quyết định tha hẳn, tạm tha hoặc tạm giam [35, tr.68]. Theo Điều 6 Luật 103, Điều 6 Nghị định 301, Thông tư liên bộ 427/TTg thì sau khi hết hạn tạm giữ, xét thấy không thể tạm tha, tha kẻ phạm pháp được thì CQCA phải ra lệnh tạm giam. Nếu bắt trong trường hợp bình thường khi làm thủ tục về lệnh bắt có thể kết hợp luôn lệnh tạm giam. Lệnh của CQCA phải do Trưởng, Phó ty ký và được VKS phê chuẩn [35, tr.69].
Như vậy, từ năm 1960, hệ thống VKSND các cấp đã được hình thành với nhiều chức năng trong đó có chức năng công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Sự ra đời của hệ thống VKSND là điều kiện đảm bảo cho hoạt động TTHS đạt hiệu quả và đúng pháp luật. Tuy nhiên, giai đoạn này nước ta chưa có BLTTHS; hoạt động tố tụng được thực hiện trên cơ sở các luật tổ chức và văn bản hướng dẫn đơn lẻ của cơ quan có thẩm quyền cũng đã góp phần vào việc hướng dẫn áp dụng các BPNC có hiệu quả.