TRÌNH CĐCCTN THEO HƯỚNG PNN CỦA NÔNG HỘ ĐBSCL
Trên cơ sở các lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ vùng ĐBSCL từ các bài nghiên cứu trước, kết hợp với phân tích các đặc điểm về thu nhập của hộ trong vùng và kết quả ước lượng của các nhân tố ảnh hưởng đến CĐCCTN và thu nhập của nông hộ trong 2 mô hình kết hợp trong 3 năm 2002, 2008 và 2012, bài nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm tạo điều kiện để quá trình CĐCCTN theo hướng PNN của hộ thật sự có hiệu quả, tạo bước tiến triển mới trong thu nhập và đời sống của người dân trong vùng:
Trước tiên, Nhà nước và chính quyền địa phương trong từng khu vực của vùng cần thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, tư vấn thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình tạo thu nhập của hộ, đặc biệt, tập trung vào các chủ hộ ở độ tuổi trung niên - có đủ kinh nghiệm và mong muốn tham gia. Kết hợp với các chuyên gia tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người dân hiểu và nhận biết được đặc điểm và thế mạnh về các nguồn lực của gia đình, từ đó lựa chọn được cách thức phân bố các hoạt động tạo thu nhập giữa nông nghiệp và PNN sao cho hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần tìm ra biện pháp để hạn chế hiện tượng nông hộ ồ ạt tham gia vào PNN như một phong trào, khi hộ vẫn chưa có đủ nguồn lực và định hướng rõ ràng cho sự phát triển, vì khi đó, kết quả mà hộ nhận được sẽ khác với những gì hộ mong đợi.
Kết quả nghiên cứu của 2 mô hình kết hợp, cho thấy, trình độ học vấn của chủ hộ có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hộ. Trình độ của lao động vùng nông thôn ĐBSCL vẫn còn thấp, gần 50% chủ hộ trong vùng chỉ học để biết chữ, không có bằng cấp (số liệu thống kê từ VHLSS, 2002, 2008 và 2012). Lao động với trình độ thấp, thiếu thông tin và thiếu chuyên môn tạo nên năng suất lao động thấp, kéo theo đó là thu nhập hộ nhận được cũng chỉ ở mức độ thấp. Chính vì thế, việc nâng cao trình độ học vấn của người lao động là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhằm tạo nên nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai và góp phần cải thiện thu nhập cho hộ gia đình nông thôn.
Để đạt được điều đó, đòi hỏi quá trình nổ lực học hỏi và không ngừng trau dồi kiến thức và chuyên môn của chính bản thân người lao động, bên cạnh đó, không thể thiếu các chính sách của Nhà nước và địa phương hổ trợ cho việc tiếp cận giáo dục cho người lao động, như: khuyến khích và hổ trợ học phí cho người dân hoàn thành các cấp học phổ cập căn bản; tổ chức các khóa dạy nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ vì họ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trong thu nhập của hộ gia đình.
Theo kết quả ước lượng của 2 mô hình kết hợp, theo thời gian diện tích đất nông nghiệp ngày càng kém ảnh hưởng đến tỷ trọng của các hoạt động PNN và tổng thu nhập của nông hộ, do đó, Nhà nước không cần tập trung vào việc phân bố lại diện tích đất nông nghiệp cho nông hộ trong vùng nữa. Thay vào đó, Nhà nước cần kết hợp với chính quyền địa phương để thường xuyên quan tâm và hổ trợ vốn sản xuất cho những hộ bị hạn chế các nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, đối tượng này thường tham gia các hoạt động PNN theo tính chất bắt buộc, thường không mang lại hiệu quả cao trong thu nhập. Vì vậy các cơ quan có thẩm quyền cần can thiệp và giúp đỡ họ, để họ
tìm ra hướng giải quyết khó khăn, nhằm cải thiện thu nhập và phát triển đồng bộ với những hộ khác.
Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại của hộ gia đình như giới tính của chủ hộ, số lượng lao động và số thành viên là cán bộ công nhân viên chức của hộ đều có ảnh hưởng lớn đến cả 2 mô hình kết hợp. Do đó, bản thân hộ cần biết và tận dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả vào quá trình cải thiện thu nhập cho gia đình. Đồng thời, mỗi hộ cũng cần tự giác thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo số thành viên để tạo nguồn lao động phù hợp cho hiện tại và tương lai.
Mô hình nghiên cứu sử dụng biến tiết kiệm là đại diện cho nguồn lực tài chính của nông hộ, tiết kiệm được dùng vào mục đích đầu tư của hộ càng nhiều, đặc biệt là đầu tư cho các hoạt động PNN, thì việc ổn định và gia tăng thu nhập của nông hộ trong vùng càng cao. Chính vì thế, Nhà nước và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ trong việc cải thiện thu nhập cho gia đình, sao cho phù hợp nhất với các nguồn lực hiện có của hộ, vì khi thu nhập hộ nhận được tăng lên thì giá trị tài sản tích lũy và các khoản tiết kiệm dùng cho đầu tư của gia đình cũng tăng theo.
Cơ sở hạ tầng là nguồn lực không thể thiếu cho mọi hoạt động sản xuất tạo nên thu nhập cho hộ và nguồn điện mà hộ sử dụng là đại diện cho nguồn lực đó. Vì vậy, Nhà nước và các tổ chức có thẩm quyền cần tăng cường và đảm bảo sự bao phủ rộng khắp của mạng lưới điện quốc gia đến từng khu vực nông thôn, làng, xã, để góp phần tạo điều kiện cho nông hộ vùng ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung duy trì và nâng cao thu nhập.
Theo số liệu điều tra mức sống dân cư qua các năm 2002, 2008 và 2012, thu nhập từ các hoạt động PNN của nông hộ vùng ĐBSCL tăng đến mức trên 50% tổng thu nhập của hộ, điều này cho thấy, nông hộ đã dần có sự điều chỉnh trong cơ cấu thu nhập của gia đình, bao gồm trong cả nông nghiệp lẫn PNN. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu thu nhập, đặc biệt là các hoạt động PNN, chính quyền địa phương cần tạo ra các ngành nghề thuộc lĩnh vực PNN mang tính chất thâm dụng lao động làm tại địa phương, với trình độ lao động phổ thông và mang lại hiệu suất cao cho lao động nông thôn, nhưng vẫn phải duy trì và phát triển đồng thời giữa hai khu vực nông nghiệp và PNN, để đảm bảo sự cân đối và hiệu quả trong cơ cấu thu nhập và thu nhập nhận được của nông hộ trong vùng.
Thêm vào đó, các tổ chức có thẩm quyền cần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hình thành nền sản xuất hàng hóa, dùng các nguồn lực và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp làm nền
tảng cho sự phát triển các lĩnh vực PNN, sử dụng sự phát triển của PNN phục vụ lại cho quá trình sản xuất trong nông nghiệp. Cụ thể, Nhà nước cần hổ trợ cho nông hộ phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp công nông kết hợp hay xuất khẩu lao động tại nông thôn. Riêng đối với các tỉnh có lợi thế về du lịch của vùng như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, …nên đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy thương mại và dịch vụ tại địa phương để góp phần ổn định và gia tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần cải thiện đời sống của hộ gia đình.
CHƯƠNG 5
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ