Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng ĐBSCL

Một phần của tài liệu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển đổi cơ cấu thu nhập của nông hộ ở đồng bằng sông cửu long (Trang 35 - 39)

ĐBSCL

3.1.2.1 Điều kiện tự nhiên của vùng

- Điều kiện địa hình

Vùng được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi tụ dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Địa hình của vùng tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình là 3 - 5m, có khu vực chỉ cao 0,5 - 1m so với mặt nước biển.

- Điều kiện khí hậu

ĐBSCL có khí hậu nhiệt đới ẩm với tính cận xích đạo thể hiện rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hằng năm 24 - 270C, biên độ nhiệt trung bình năm từ 2 - 300C, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm thấp, ít có bão hoặc nhiễu loạn thời tiết. Có hai mùa rõ rệt, mùa mưa tập trung từ tháng 5 - 10, lượng mưa chiếm 99% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, hầu như không có mưa.

Theo Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam (2010), ĐBSCL cũng là nơi ít xảy ra thiên tai do khí hậu, đặc biệt là bão. Những đặc điểm khí hậu này đã tạo ra một nguồn lực rất thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của sinh vật, đạt được năng suất sinh học cao, tạo ra một thảm thực vật và một quần thể động vật phong phú và đa dạng, nhưng có tính đồng nhất tương đối toàn vùng. Đây cũng là những điều kiện quan trọng để vùng tổ chức sản xuất lương thực, thực

phẩm, phát triển sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp - thủy - hải sản với quy mô lớn, tạo ra lợi thế so sánh cho vùng ĐBSCL.

3.1.2.2 Tài nguyên thiên nhiên của vùng

- Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất của ĐBSCL khoảng 4 triệu ha, trong đó khoảng 2,6 triệu ha được sử dụng phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chiếm 65% trong số đó. Trong quỹ đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm chiếm 50%, trong đó, đất trồng lúa chiếm trên 90% (Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, 2010).

Các nhóm đất chính của vùng:

+ Đất phù sa: Phân bố chủ yếu ở vùng ven và giữa hệ thống sông Tiền và sông Hậu, diện tích 1,2 triệu ha chiếm 29,7% diện tích đất tự nhiên toàn vùng và chiếm khoảng 1/3 diện tích đất phù sa của cả nước. Nhóm đất này có độ phì cao và cân đối, thích hợp đối với nhiều loại cây trồng lúa, cây ăn quả, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Nhóm đất phèn: Phân bố ở vùng Đồng Tháp Mười và Hà Tiên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau với tổng diện tích 1,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích của toàn vùng. Đất có hàm lượng độc tố cao, tính chất cơ lý yếu, nứt nẻ nhanh. Do đó, nhóm đất này không tạo nên điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.

+ Đất nhiễm mặn: Diện tích khoảng 0,75 triệu ha, chiếm 26% diện tích đất tự nhiên của vùng, ĐBSCL thường phải chịu ảnh hưởng của nước mặn trong mùa khô, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các địa phương có loại đất này khó có thể được cung cấp nước ngọt. Hiện nay, lúa được trồng vào mùa mưa và ở một số khu vực người dân nuôi tôm trong mùa khô.

+ Nhóm đất xám: Diện tích trên 134.000 ha, chiếm 3,4% diện tích toàn vùng. Phân bố chủ yếu dọc biên giới Campuchia, trên các bậc thềm phù sa cổ vùng Đồng Tháp Mười. Đất nhẹ, tơi xốp, độ phì thấp.

+ Các loại đất khác: Gồm đất than bùn (vùng rừng U Minh), đất xám trên phù sa cổ (cực Bắc ĐBSCL) và vùng đất đồi núi (phí Tây ĐBSCL), … chiếm diện tích không đáng kể, khoảng 0,9% diện tích toàn vùng.

Nhìn chung, tài nguyên đất ở ĐBSCL rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số khó khăn như: nền đất xây dựng thường không chắc chắn, nên để xây dựng công nghiệp, giao

thông, bố trí dân cư, cần phải gia cố, phải nâng nền, do đó cần đòi hỏi chi phí cho việc xây dựng nhiều hơn.

-Tài nguyên nước

Với hệ thống hạ lưu sông Mê Kông ở Việt Nam là hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, nâng tổng lượng nước sông Cửu Long lên đến 500 tỷ mét khối. Trong đó sông Tiền chiếm 79% và sông Hậu chiếm 21%. Chế độ thuỷ văn thay đổi theo mùa. Mùa mưa nước sông lớn vào tháng 9, tháng 10 làm ngập các vùng trũng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Về mùa này, nước sông mang nhiều phù sa bồi đắp cho đồng bằng. Về mùa khô, lượng nước giảm nhiều, làm cho thuỷ triều lấn sâu vào đồng bằng, làm vùng đất ven biển bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

ĐBSCL lấy nước ngọt từ sông Mêkông và nước mưa. Cả hai nguồn này đều đặc trưng theo mùa một cách rõ rệt. Lượng mưa bình quân của sông Mêkông chảy qua ĐBSCL hơn 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150–200 triệu tấn phù sa. Chính lượng nước và khối lượng phù sa đó, qua quá trình bồi tụ lâu dài đã tạo nên đồng bằng châu thổ phì nhiêu ngày nay.

Vùng có hệ thống sông kênh rạch lớn nhỏ đan xen, nên rất thuận lợi cho việc cung cấp nước ngọt quanh năm. Về mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4, sông Mêkông là nguồn nước mặt duy nhất. Vào mùa mưa, lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 2.400 mm ở vùng phía Tây ĐBSCL đến 1.300 mm ở vùng trung tâm và 1.600 mm ở vùng phía Đông. Về mùa lũ, thường xãy ra vào tháng 9, nước sông lớn gây ngập lụt.

Trữ lượng nước ngầm của vùng không lớn. Sản lượng khai thác được đánh giá ở mức 1 triệu m3/ngày, chủ yếu cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng (Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, 2010).

- Tài nguyên biển

Trong 13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL, có đến 7 tỉnh nằm ven biển, với tổng chiều dài bờ biển là 732 km. Đó là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Tuy chỉ chiếm trên 20% tổng chiều dài bờ biển nước ta, nhưng khu vực biển của vùng đóng vai trò rất quan trọng trong vùng duyên hải nước ta, bởi nó trấn giữ cửa ngõ từ biển Đông trải sâu vào vịnh Thái Lan.

Kết hợp với sự xuất hiện của nhiều cửa sông và vũng vịnh, hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Biển trong vùng chứa đựng nhiều hải sản quý với trữ lượng cao như: tôm chiếm

50%, cá nổi chiếm 20%, cá đáy chiếm 32% trữ lượng tôm, cá của cả nước, ngoài ra còn có hải sản quý như đồi mồi, mực,…

Trên biển còn có nhiều đảo, quần đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao như đảo Thổ Chu, Phú Quốc, thuận lợi cho việc phát triển các hoạt động PNN, bao gồm cả sản xuất lẫn dịch vụ. Ven bờ biển của vùng là hệ thống rừng ngập mặn có giá trị về kinh tế và sinh thái với nhiều loại động vật, thực vật (Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, 2011).

Trên đây là những dẫn chứng cho thấy tiềm năng kinh tế biển đảo không nhỏ của vùng ĐBSCL, trữ lượng khai thác khoáng sản hằng năm tại khu vực này khoảng 2 triệu tấn/năm với sự đa dạng về giống loài và sự phong phú về sản lượng, tổng số loài thủy sản ở đây có đến 2000 loài. Trong số đó, có hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao và cá đáy chiếm 70% trong tổng số loài, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng trong việc ổn định và gia tăng thu nhập cho hộ gia đình.

- Tài nguyên khoáng sản

Vùng ĐBSCL có trữ lượng khoáng sản đa dạng, nhờ vị trí của vùng tiếp giáp với biển Đông và vùng vịnh Thái Lan, giúp vùng có nhiều triển vọng phát triển ngành dầu khí trong vùng thềm lục địa, mang lại tiềm năng phát triển cho nền kinh tế.

Điển hình một số loại khoáng sản của vùng: đá vôi, đá Granit, sét, gạch ngói, than bùn,… với trữ lượng khá lớn, góp phần nâng cao giá trị cho nền kinh tế vùng, đặc biệt là trong các hoạt động PNN.

Trong số đó, cần kể đến đá vôi phân bố ở Hà Tiên, Kiên Lương, dạng núi vách đứng với trữ lượng 145 triệu tấn, phục vụ sản xuất xi măng, vôi xây dựng; cát sỏi ở dọc sông Vàm Cỏ, sông Mê Kông trữ lượng khoảng 10 triệu mét khối; than bùn ở U Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra còn các khoáng sản khác như đá, suối khoáng,…(Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, 2011).

Các loại tài nguyên đất, nước, biển và khoáng sản nêu trên, vừa là những nguồn lực tự nhiên vừa là các thế mạnh quan trọng của vùng, đều đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân trong vùng.

Một phần của tài liệu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển đổi cơ cấu thu nhập của nông hộ ở đồng bằng sông cửu long (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)