Nhóm giải pháp thứ ba: Kiên quyết đấu tranh chống nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu; xử lý kịp thời và nghiêm minh những đảng viên

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay (Trang 80 - 86)

ô, lãng phí và bệnh quan liêu; xử lý kịp thời và nghiêm minh những đảng viên thoái hoá biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước

Hồ Chí Minh khẳng định tham ô, lãng phí và quan liêu là những căn bệnh rất nguy hiểm, là "nọc xấu ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng" [32, tr.494]. Vì vậy,"muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch", muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất, xây dựng nước nhà "cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu" [32, tr.488].

Theo Hồ Chí Minh, sở dĩ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân và Chính phủ là vì nó không mang gươm mang súng nhưng nó nằm ngay trong các tổ chức của ta, làm hỏng công việc của ta từ bên trong. Đó cũng là những tội lỗi nặng như tội lỗi bán nước, phản bội Tổ quốc, đồng bào. Người nói: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính " [32, tr.490]. Người chỉ rõ:

Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người

có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng [32, tr.494].

Hồ Chí Minh cho rằng đấu tranh tẩy sạch tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng là một cuộc cách mạng, hơn thế nữa, đó là một cuộc cách mạng vô cùng quan trọng và cần kíp, cần phải làm thường xuyên. Người chỉ rõ, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu có hai ý nghĩa quan trọng: "Nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công... Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" [36, tr.575].

Đại hội lần thứ X của Đảng ta đã nhận định: tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng [20, tr.65]. Đó là một trong những nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Vì vậy, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thương xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở...

Những năm gần đây, bệnh quan liêu, mệnh lệnh và nạn tham nhũng, lãng phí có chiều hướng gia tăng một cách nghiêm trọng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hình ảnh những cán bộ, đảng viên miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối "quan" chủ, miệng thì nói "phụng sự quần chúng" nhưng

làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã không còn xa lạ ở nhiều địa phương. Hiện tượng ăn cắp, ăn bớt, đục khoét của công làm của tư, tiêu ít mà khai nhiều; lãng phí sức lao động, lãng phí thời giờ; lãng phí tiền của của Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Thực tế cho thấy, quan liêu, tham nhũng đến một mức độ nào đó sẽ phá vỡ cả thể chế một nhà nước. Những đảng viên "mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững" [32, tr.490] đang là nguyên nhân cơ bản gây ra sự bất bình của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Vì vậy, tẩy sạch bệnh quan liêu, trừ sạch nạn tham nhũng, lãng phí, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất, vi phạm pháp luật là một biện pháp quan trọng để nâng cao phẩm chất đạo đức đội ngũ đảng viên, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần phải tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ, công khai nhằm tẩy sạch bệnh quan liêu trong đội ngũ đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, nạn tham ô và lãng phí là do bệnh quan liêu gây ra, "muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu" [32, tr.490]. Người nhấn mạnh: "... ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu" [36, tr.574]. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là xa nhân dân, khinh nhân dân, không tin cậy, không hiểu biết, không yêu thương nhân dân. Đó chính là những biểu hiện của thiếu đạo

đức cách mạng. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh thang thuốc hay nhất để chữa bệnh quan liêu là "mở rộng dân chủ, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình" [33, tr.92].

Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Đối với người đảng viên, việc tự kiểm điểm để thấy rõ cái ưu, cái nhược, mặt mạnh, mặt yếu từ đó cố gắng phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm là việc phải làm thường xuyên như rửa mặt hàng ngày.

Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí mình, giúp họ thấy rõ ưu, nhược của bản thân để phát huy hoặc sửa chửa, ngày càng tiến bộ hơn. Phê bình để chống bệnh quan liêu, nâng cao đạo đức cách mạng phải mang tính trung thực, trên cơ sở tình đồng chí, đồng đội thương yêu, giúp đỡ nhau. Nếu phê bình vì lý do cá nhân thì tác dụng của nó hoàn toàn ngược lại, gây mâu thuẫn nội bộ, phá hoại đoàn kết trong tổ chức Đảng.

Tự phê bình và phê bình phải luôn gắn bó chặt chẽ, đi đôi với nhau, phải nhằm mục đích làm cho mọi người học hỏi ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Mỗi một đảng viên phải luôn xác định tự phê bình và phê bình là trách nhiệm đạo đức của mình, bao giờ cũng phải tồn tại với hai tư cách: vừa là chủ thể phê bình, vừa là đối tượng của phê bình.

Cách phê bình có hiệu quả đã được Hồ Chí Minh chỉ ra như sau: ...phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không hể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận khuyết điểm để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét [31, tr.232].

Thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

Phong trào cách mạng của quần chúng chính là môi trường để đội ngũ đảng viên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Nhưng điều quan trọng hơn là thực tiễn và phong trào cách mạng của quần chúng là nơi đánh giá, sàng lọc cán bộ, đảng viên một cách chính xác, khách quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Phong trào cách mạng của quần chúng là một trường học lớn của mỗi đảng viên. Chỉ có quần chúng mới đánh giá đúng cán bộ, đảng viên nào tốt, cán bộ, đảng viên nào xấu, ai có phẩm chất, ai không xứng đáng. Vì vậy, nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ đảng viên phải biết dựa vào dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát. Hồ Chí Minh từng nói: chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là cách mạng, cần phải tiến hành một cách "có kế hoạch, có chuẩn bị". Muốn thế, các cấp ủy Đảng và các ngành chức năng cần phải đề ra được những nghị quyết, quyết định cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc chống quan liêu, tham nhũng. Trong đó, cần phải chỉ rõ thực trạng và những nguyên nhân chủ yếu của quan liêu tham nhũng hiện nay, trên cơ sở đó đề ra phương hướng và giải pháp cụ thể. Có như vậy mới củng cố được lòng tin của nhân dân và tập hợp được lực lượng đông đảo tham gia vào cuộc đấu tranh này. Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, "có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình" [32, tr.293]. Thực tế cho thấy, mọi biểu hiện của quan liêu, tham nhũng trong đội ngũ đảng viên chủ yếu được phát hiện thông qua kênh tố cáo, phát giác của nhân dân.

Có chế độ khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng đồng thời phải có biện pháp cứng rắn, nghiêm

khắc đối với những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống quan liêu, tham nhũng. Trong thời gian gần đây, hiện tượng đe dọa, uy hiếp, trả đũa, trù dập... những người tố giác của chính những đối tượng tham nhũng và có hành vi tiêu cực khác đã diễn ra ở một số cơ sở. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn và có xu hướng gia tăng ở cơ sở. Có nhiều trường hợp, người dân địa phương biết rõ nhưng không dám tố cáo vì sợ liên lụy đến gia đình, người thân bởi những đối tượng tham nhũng đã dùng thủ đoạn uy hiếp, đe dọa họ. Để việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng ở cơ sở có hiệu quả, nhất thiết phải có chế độ khen thưởng thích đáng và cơ chế bảo vệ bằng pháp luật đối với những người hăng hái, tích cực tham gia.

Xử lý kịp thời và nghiêm minh những đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề có ý nghĩa giáo dục rất lớn để chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Hồ Chí Minh cho rằng, để sửa chữa sai lầm cho cán bộ, đảng viên chủ yếu là dùng cách giải thích, thuyết phục cảm hoá, dạy bảo, song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, Người luôn yêu cầu Đảng phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên không gương mẫu, thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật. Người nói: "Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân" [33, tr.453]. Do đó, "pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì" [31, tr.641]. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý cần phải phân tích một cách rõ ràng các chứng cớ, nguyên nhân sai lầm, xem xét kỹ lưỡng mức độ nặng nhẹ để xử lý cho đúng người

đúng tội. Thực tế Hồ Chí Minh cũng đã xử phạt nghiêm minh những cán bộ mất phẩm chất đạo đức cách mạng nghiêm trọng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người đã ký lệnh y án xử tử hình đại tá Trần Dụ Châu - Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần lúc đó vì tội tham nhũng...

Hiện nay, sự thoái hoá biến chất, vi phạm pháp luật của một đảng viên đang là một nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của hệ thống tổ chức Đảng ở cơ sở, là lực cản đối với quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, nhưng việc xử lý những đối tượng vi phạm chưa được chú trọng đúng mức. Thiết nghĩ để nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng đội ngũ đảng viên hiện nay, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhằm giáo dục, răn đe những người khác. Trong thời gian tới, cần phải tiến hành xây dựng các tiêu chí cụ thể, sát hợp nhằm đánh giá chính xác độ "minh bạch, trong sạch" của đội ngũ đảng viên. Đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi khỏi Đảng những đảng viên thoái hoá, biến chất, thay thế kịp thời những đảng viên không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w