Nhóm giải pháp thứ hai: Tăng cường và đổi mới công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay (Trang 73 - 80)

dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên

Giáo dục đạo đức được hiểu là một hoạt động hướng đích, trong đó chủ thể giáo dục giáo dục, nhằm hình thành ở họ ý thức, tình cảm và năng lực thực hiện yêu cầu của xã hội về hành vi ứng xử trong mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, xã hội và với cá nhân khác một cách tự giác. Giáo dục đạo đức góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ nhận thức các giá trị đạo đức của mỗi người, từ trình độ nhận thức thông thường lên trình độ nhận thức khoa học. Từ đó, nó giúp cho mỗi cá nhân có được định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức, khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, chống lại những hiện tượng phi đạo đức, hình thành những tình cảm và niềm tin đạo đức mới phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ; nhưng đến khi có ít quyền hạn trong tay, bị vật chất dỗ dành thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, làm hại đến tổ quốc, nhân dân; chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng. Người nói: "Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ" [32, tr.493].

Thực tiễn đã chứng minh, không phải khi kinh tế tăng trưởng là đạo đức tự động nâng lên, không phải khi đời sống vật chất được cải thiện thì sự thoái hoá, biến chất về đạo đức tự động được khắc phục. Hiện nay, đội ngũ đảng viên nói riêng, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung đang hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động nhiều chiều, cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, xứng đáng với vai trò tiên phong trong hệ thống chính trị ở cơ sở, đòi hỏi đội ngũ đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng để có thể vượt qua những cám dỗ vật chất

tầm thường. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng là một giải pháp quan trọng để nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ đảng viên nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định nhướng xã hội chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Giáo dục đạo đức sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, gột rửa sạch những căn bệnh thường gặp, những lối nghĩ và việc làm của chủ nghĩa cá nhân ở đội ngũ đảng viên hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: thói quen và truyền thống lạc hậu cùng với chủ nghĩa cá nhân là những kẻ địch ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ, là trái ngược với đạo đức cách mạng; chúng ta lại không thể trấn áp nó trong một sớm một chiều, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài thông qua giáo dục, thuyết phục, giải thích. Đặc biệt là dưới tác động tiêu cực của cơ chế thị trường như hiện nay, những kẻ địch đó lại càng có điều kiện thuận lợi để trỗi dậy một cách mạnh mẽ, đa dạng và ngày càng trở nên nguy hiểm. Vì vậy, muốn nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ đảng viên, trước hết phải kiên quyết "rửa gột sạch" những quan điểm đạo đức lạc hậu và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ này. Thông qua giáo dục đạo đức cách mạng để chỉ rõ cho họ thấy những căn bệnh "mãn tính" mà cán bộ, đảng viên thường mắc phải bệnh kéo bè kéo cánh, mất đoàn kết nội bộ, theo đuôi quần chúng, giữ nếp cũ, nể nang... Đồng thời phải vạch rõ những biến tướng tinh vi của chủ nghĩa cá nhân dưới hình thức giả mạo tập thể "kiểu phường hội" trong điều kiện hiện nay.

Nâng cao nhận thức của đội ngũ đảng viên về vị trí, vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng đối với cách mạng nước ta và trách nhiệm của người đảng viên đối với việc giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức cách mạng. Để đội ngũ đảng viên có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.

Giáo dục đạo đức cách mạng giúp đội ngũ đảng viên hiểu biết và nắm vững những chuẩn mực đạo đức cũng như biện pháp tu dưỡng chuẩn mực đó. Phẩm chất đạo đức của một người trước hết thể hiện ở sự hiểu biết và quan niệm về đạo đức, về các giá trị, chuẩn mực đạo đức cũng như thái độ, hành vi đạo đức của người đó trong hoạt động thực tiễn. Trong đó, chuẩn mực đạo đức là yếu tố quan trọng nhất, là cơ sở để hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người phù hợp với yêu cầu xã hội. Từ đó có thể thấy, để nâng cao phẩm chất đạo đức đức đối với đảng viên thì trước hết phải làm cho họ thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà họ cần hướng tới và cách thức để rèn luyện, tu dưỡng nhằm đạt được những chuẩn mực ấy.

Trong tình hình hiện nay của huyện Hương Sơn, tăng cường và đổi mới giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên nói riêng, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, đổi mới nội dung giáo dục phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.

Thực tế từ trước đến nay, chương trình, nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung không xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng cụ thể nên rất chung chung, trừu tượng, phiến diện, một chiều và ít có sự thay đổi. Hầu hết những chuyên đề giáo dục đạo đức cách mạng thường mang tính lý thuyết suông, xa rời thực tiễn, không cuốn hút người học, hiệu quả giáo dục thấp, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng. Vì vậy, để công tác giáo dục đạo đức cách mạng đạt hiệu quả, trước hết phải đổi mới nội dung giáo dục phù hợp với đặc điểm riêng của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ đảng viên nói riêng. Cụ thể:

Nội dung giáo dục phải mang tính toàn diện, tính thực tiễn, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở trong từng giai đoạn. Phải giáo dục cả những nguyên lý đạo đức, những chuẩn mực đạo đức chung, đồng thời chú trọng những chuẩn mực đạo đức riêng đối với đội ngũ đảng viên. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý tưởng chính trị với lý tưởng đạo đức, giữa đạo đức nghề nghiệp với đạo đức cá nhân... Nội dung giáo dục phải nhằm mục đích chỉ rõ cho đội ngũ đảng viên những chuẩn mực đạo đức cụ thể mà họ cần rèn luyện để vận động và tổ chức nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Thực hiện giải pháp này, trước hết cần vận dụng sáng tạo những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời bổ sung những giá trị đạo đức mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay để xác định hệ quy chiếu tiêu chuẩn về đạo đức đối với đội ngũ đảng viên trong tình hình mới. Xác định tiêu chuẩn đạo đức cho từng đối tượng là hết sức cần thiết. Bởi vì, nếu không có những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể cho mỗi đối tượng, thì những chuyên đề giáo dục đạo đức tất yếu rơi vào tình trạng chung chung, trừu tượng và nhất là chúng ta không thể đánh giá được chính xác về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở cho việc khen thưởng, kỷ luật. Ngoài những chuẩn mực chung như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, người đảng viên còn phải gắn bó mật thiết, tận tuỵ với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu...

Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng chú trọng mối quan hệ hữu cơ giữa động cơ với hiệu quả, đạo đức với tài năng, phẩm chất với năng lực trong hành vi của con người. Hoạt động của con người luôn luôn hướng tới một mục đích nhất định, mục đích được ý thức sẽ trở thành động cơ của hành động. Động cơ là một nhân tố có ý nghĩa lớn đối với hành vi đạo đức. Hành vi đạo đức luôn luôn được thực hiện bởi sự thôi thúc của một động cơ bên trong,

không có động cơ thì cũng không có hành vi. Nhưng ý nghĩa đó chỉ được biểu hiện ra bên ngoài bằng hiệu quả xã hội của hành động. Hồ Chí Minh từng yêu cầu, phẩm chất đạo đức phải được thể hiện cụ thể ở động cơ và hiệu quả hành động chứ không phải chỉ dừng lại ở việc tu thân dưỡng tính như đạo đức cũ, càng không phải là những thứ để trang sức, để lên mặt với nhân dân. Bởi vậy, khi yêu cầu cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, đấu tranh chống tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ việc làm đó là nhằm mục đích tạo ra năng suất lao động cao hơn, góp phần phát triển kinh tế và văn hoá để nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là một chỉ dẫn hết sức quý báu cho việc nâng cao hiệu quả của giáo dục đạo đức cách mạng trong tình hình hiện nay.

Giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên không chỉ dừng lại ở giáo dục động cơ, ở thiện chí, thiện tâm mà còn phải tính đến hiệu quả công tác mà họ đảm nhiệm. Không thể không coi là vô đạo đức đối với những hành vi gây hậu quả xấu cho tập thể, cho xã hội do thiếu trách nhiệm và thiếu năng lực. Người đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng nếu chỉ "ngoan ngoãn", "dễ bảo", được lòng cấp trên, vui lòng cấp dưới nhưng hạn chế về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì không thể được coi là người đảng viên có đạo đức cách mạng. Nói đến phẩm chất đạo đức của người đảng viên là nói đến cả động cơ và hiệu quả công tác, nói đến cả đạo đức và tài năng, cho nên không thể chỉ dừng lại ở động cơ tốt mà còn cần phải có năng lực để hiện thực hoá động cơ đó bằng hiệu quả của hành động. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, người đảng viên có đạo đức cách mạng phải là người có cả chính trị và chuyên môn, "chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng"; "chính trị là linh hồn, chuyên môn là thể xác", có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn, có chính trị mà không có chuyên môn là hỏng [35, tr.492].

Thứ hai, đa dạng hoá hình thức giáo dục, làm cho hình thức giáo dục đạo đức cách mạng trở nên phong phú, đưa lại hiệu quả cao nhất. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân..." [32, tr.50]. Vì vậy, cần phải chú trọng kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa giáo dục trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở nhà trường với việc giám sát của đồng nghiệp, của nhân dân đối với sự rèn luyện, tu dưỡng của đội ngũ đảng viên trong hoạt động thực tiễn; giữa việc trang bị những hiểu biết về đạo đức với thực hành đạo đức; giữa việc tuyên truyền, khích lệ kịp thời những gương sáng đạo đức với việc lên án, phê phán những hành vi vô đạo đức, những cá nhân thoái hoá biến chất về đạo đức, lối sống...

Thứ ba, đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng lấy hiệu quả công tác, công việc làm tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất đạo đức, coi trọng phương pháp nêu gương, đồng thời phát huy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên.

Mục đích của giáo dục đạo đức cách mạng là để xây dựng đội ngũ này phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và phẩm chất đạo đức. Thực tiễn những năm đổi mới đã chứng minh, ở huyện Hương Sơn nói riêng, cả nước nói chung, do sự yếu kém về trình độ trí tuệ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà có nơi, có lúc không triển khai được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc triển khai được nhưng không đến nơi đến chốn, hiệu quả rất thấp, thậm chí làm thất thoát một khối lượng lớn tiền của của nhân dân. Xét đến cùng, phẩm chất đạo đức, nhiệt tình cách mạng của người đảng viên được đo lường và thể hiện cụ thể ở mức độ hoàn thành công việc được giao. Vì vậy, giáo dục đạo đức cách mạng phải hướng tới hoạt động thực tiễn của đội ngũ đảng viên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chứ không phải chỉ dừng lại ở việc trang bị một mớ lý thuyết suông về đạo đức như một thứ trang sức để khoe mẽ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, học tập đạo đức phải đi đôi

với hành động đạo đức, lý luận phải gắn liền với thực tiễn nhằm mục đích để không phạm sai lầm, khuyết điểm, để nâng cao hiệu quả trong công tác. Người nói "học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích", "lý luận lên hệ với thực tế", phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế "chứ không phải học để nói suông" [32, tr.50]...

Thứ tư, đổi mới phương pháp giáo dục bằng cách sau mỗi đợt học tập, mỗi chuyên đề cần phải có bài thu hoạch để kiểm tra trình độ nhận thức, quá trình tiếp thu bài giảng và phải có đánh giá, nhận xét, tuyên dương những cán bộ, đảng viên có ý thức, nhận thức trong quá trình học tập và phê bình, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên còn lơi là, hời hợt trong quá trình học tập, tiếp thu.

Giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên phải coi trọng phương pháp nêu gương. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới" [38, tr.558]. Giáo dục đạo đức bằng phương pháp nêu gương theo quan điểm Hồ Chí Minh tức là dùng gương sáng của những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác, học tập, lao động để tuyên truyền, thuyết phục người khác noi theo nhằm nhân rộng trong toàn xã hội. Đặc biệt là sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp trên có ý nghĩa giáo dục hết sức lớn. Người từng nói, nếu cán bộ lãnh đạo "không nêu gương tốt mà lại nêu gương xấu" thì nhất định nhân viên cấp dưới sẽ sinh ra nhiều lãng phí, tham ô... Mặt khác, giáo dục bằng phương pháp nêu gương còn có nghĩa là khuyến khích, động viên mỗi đảng viên phát huy ý thức tự rèn luyện, tự phấn đấu trở thành những tấm gương sáng về đạo đức cho quần chúng noi theo. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ một trong những cách để tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh là "tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính để nhân dân noi theo". Trong

mỗi con người, ai cũng có thiện và ác, tốt và xấu, cần phải làm cho cái tốt, cái thiện nảy nở như hoa mùa xuân còn cái xấu, cái ác dần mất đi. Nhất là trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, ý thức tự giác của mỗi đảng viên là một nhân tố quan trọng trong việc củng cố và phát triển những phẩm chất đạo đức cách mạng. Muốn đánh thắng những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức ở bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng lòng tà trong chính bản thân mình...

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay (Trang 73 - 80)