Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và AiCập

Một phần của tài liệu Những vấn đề phát triển nổi bật của ai cập và khả năng hợp tác với việt nam đến năm 2020 (Trang 73 - 76)

Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1958, sau khi Ai Cập giành độc lập 5 năm, Việt Nam đã thành lập cơ quan đại diện thương mại ở Ai Cập. Ngày 01/09/1963, Việt Nam và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, lập đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội được thành lập. Năm 1964, Việt Nam và Ai Cập đã ký Hiệp định thương mại, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quan hệ kinh tế Việt Nam- Ai Cập.

Kể từ năm 1991, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập bước sang một thời kỳ mới: thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong thời kỳ này, các cuộc gặp gỡ, thăm viếng cấp cao giữa hai bên đã diễn ra khá thường xuyên; đồng thời nhiều hiệp định, bản ghi nhớ … đã được hai bên ký kết, Ủy ban Hỗn hợp liên chính phủ Việt Nam- Ai Cập (thường được gọi tắt là Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập) đã được thành lập.

Có nhiều Bộ trưởng của Việt Nam đã sang thăm Ai Cập, chẳng hạn như Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh năm 1993, Bộ trưởng Văn hóa- Thông tin Trần Hoàn năm 1994, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Công Tạn năm 1997, Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc năm 2004, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển năm 2006, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng năm 2008.

Những đại diện ở cấp cao hơn của Việt Nam cũng đã đến Ai Cập. Đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh năm 1994, Phó Chủ tịch Quốc hội Hà Phan năm 1995,

72

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1997, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự năm 2002…

Trong số các đoàn cấp cao của Ai Cập sang Việt Nam có thể kể ra các đoàn do Bộ trưởng dẫn đầu như Bộ trưởng Giáo dục năm 1996, Bộ trưởng Thương mại và Cung ứng năm 1997, Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế năm 2007; các đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hay Thứ trưởng Bộ Ngoại giao các năm 1996, năm 2001, năm 2004; Đoàn đại biểu của Đảng Dân tộc Dân chủ Ai Cập cũng đã từng sang thăm Việt Nam năm 1997.

Kết quả của các cuộc trao đổi tiếp xúc giữa hai nước thông qua các phái đoàn đã được minh chứng bằng việc ký kết hàng loạt các hiệp định, các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ. Cho đến nay Việt Nam đã ký với Ai Cập các hiệp định như: Chương trình hợp tác văn hóa các năm 1993- 1995, 2006- 2010; Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký năm 1996); Hiệp định hàng không (năm 1999); Biên bản hợp tác du lịch (năm 2006) và hàng loạt các hiệp định và văn bản khác trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả đáng ghi nhận khác là sự thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam- Ai Cập với 4 phiên họp đã được diễn ra, phiên đầu tiên vào tháng 9 năm 1997 tại Hà Nội, phiên thứ hai vào tháng 3 năm 2006 tại Cairo, phiên thứ ba vào tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, phiên thứ tư vào tháng 11 năm 2008 tại Cairo. Kỳ họp lần thứ 5 của Uỷ ban liên chính phủ dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2011 tại Hà Nội.

Hợp tác trong lĩnh vực lập pháp là nét rất đáng chú ý trong quan hệ chính trị của hai nước. Ngoài các chuyến thăm của các quan chức Quốc hội cấp cao của Việt Nam như đã điểm ở trên thì gần đây nhất, có đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ đối ngoại Nguyễn Văn Son dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Ai Cập từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 5 năm 2010. Phía Việt Nam nhấn mạnh đến lập trường của mình với tư cách là thành viên của ASEAN cũng như của cộng đồng quốc tế luôn muốn theo đuổi chính sách làm bạn bè với mọi dân tộc. Đặc biệt, trong tư cách là Chủ tịch của ASEAN và của AIPA (Hội đồng liên nghị viện ASEAN) trong năm 2010, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với Ai Cập. Phía Ai Cập cũng bày tỏ mong muốn

73

đẩy mạnh quan hệ nói chung với Việt Nam và quan hệ giữa hai quốc hội nói riêng, đặc biệt chú ý đến sự hợp tác nhất trí tại các diễn đàn nghị viện quốc tế cũng như thường xuyên trao đổi phái đoàn và thông tin về các vấn đề quốc tế cho nhau. Các bên nhấn mạnh đến việc phải ký kết các hiệp định, văn bản giữa hai nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng kinh doanh và trao đổi thương mại.

Tháng 12/2010 tiếp tục có phái đoàn của Quốc hội Việt Nam do ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban luật pháp Quốc hội dẫn đầu sang Ai Cập để tìm hiểu hệ thống pháp luật và công việc của các cơ quan tư pháp. Mặc dù cơ cấu hệ thống nghị viện của hai bên khác nhau, song hai nước đều nhất trí và mong muốn trao đổi kinh nghiệm cho nhau để giúp nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, của Hạ viện (Hội nghị nhân dân) và Thượng viện (Hội đồng Shura) của Ai Cập trong các hoạt động lập pháp. Mối quan tâm của hai bên còn tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, xây dựng nhà nước quản lý bằng pháp luật và xây dựng nền kinh tế thị trường. Ai Cập mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa để cải thiện hiệu quả công việc quản lý của nhà nước.

Công tác thanh tra cũng thu hút được sự quan tâm của các bên. Nghị định thư hợp tác với Cơ quan giám sát hành chính Ai Cập đã được Cơ quan Thanh tra Nhà nước (tức Thanh tra Chính phủ hiện nay) Việt Nam ký từ năm 1997. Hai nước đã thường xuyên trao đổi đoàn trong lĩnh vực thanh tra để trao đổi và học tập kinh nghiệm của nhau.

Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang là mục tiêu hướng tới của hai nước. Điều này được phản ánh qua cuộc gặp gỡ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng tháng 8/2010 với các đối tác tương ứng tại Ai Cập. Phía Việt Nam muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Ai Cập trong việc tập trung các Trung tâm IT trên cả nước nhằm xây dựng một khu vực IT trong tương lai. Hai bên có quan điểm giống nhau trong vấn đề này và cho rằng có thể phối hợp và hợp tác với nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả hai bên, đồng thời cũng lạc quan cho rằng mối quan hệ IT giữa châu Á và Ai Cập là tốt và đang được xây dựng. Phái

74

đoàn của Việt Nam nhân dịp này đã tham quan khu IT nổi tiếng của Ai Cập là Smart Village, đây được coi là biểu tượng của mạng lưới IT hiện đại của Ai Cập. Vào thời điểm đó đã có một số lượng lớn các nhóm IT quốc tế và các công ty có tên tuổi đang đầu tư vào lĩnh vực IT của Ai Cập, trong đó có cả Tập đoàn Microsoft sử dụng Smart Village như một trung tâm trợ giúp Xbox toàn cầu của mình. Thực sự, IT là một kênh quan trọng và đầy tiềm năng cho khả năng hợp tác của Việt Nam. Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã có những chyến đi khảo sát thực tế tại Ai Cập và tỏ ý sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực truyền thông của Ai Cập.

Một phần của tài liệu Những vấn đề phát triển nổi bật của ai cập và khả năng hợp tác với việt nam đến năm 2020 (Trang 73 - 76)