7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3 Tính giao tiếp, đối thoại
Các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương, Lí luận văn học vấn đề và suy nghĩ, NXB GD, 1995 đã khẳng định: “Nói đến sáng tạo và tiếp nhận là nói đến cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc thông qua tác phẩm, sau đó là cuộc đối thoại giữa người đọc với người đọc về và từ tác phẩm đó” [140] .
Như vậy tiếp nhận văn chương thực chất là quá trình giao tiếp, đối thoại giữa tác giả - người đọc, người đọc - người đọc… Văn học không phải là một văn bản khép kín, không kết thúc ở trang cuối cùng. Nó mở ra cánh cửa của sự giao tiếp, đối thoại, khám phá và trao đổi. Đó là sự giao tiếp đa chiều và đa dạng: thông qua thế giới hình tượng và nhân vật được tái hiện trong tác phẩm người đọc giao tiếp với tác giả, người đọc giao tiếp với người đọc, đồng thời người đọc cũng như giao tiếp với chính mình. Đó là sự giao tiếp không gian (các dân tộc và các nền văn hóa) và thời gian (các thế hệ bạn đọc, thời đại tiếp nhận). Thông qua sự giao tiếp bằng con đường của tâm hồn, văn học giúp cho con người xích lại gần nhau, sống trong niềm cảm thông và tình hữu nghị. Những tác phẩm văn học lớn trở thành nhịp cầu nối liền các nền văn hóa, các hân tộc. Theo ý nghĩa đó, nhà văn là người mang sứ mệnh truyền bá những giá trị tinh thần của dân tộc mình, làm phong phú kho tàng văn hóa thế giới. Tiếp nhận văn học trên tinh thần đối thoại chính là tiền đề để đưa văn học dân tộc hội nhập vào văn học thế giới và ngược lại, thu hút tinh hoa văn học thế giới làm giàu cho văn học dân tộc.
Giống như hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, hoạt động giao tiếp văn học cũng nhằm trao đổi thông tin của con người trong xã hội được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ và nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động…. Người đọc đến với tác phẩm văn chương để thưởng thức cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, của thế giới hình tượng, để rung cảm, để nhận thức, để làm giàu đời sống tinh thần, tình cảm, nâng cao niềm tin vào bản thân và có khát vọng hướng tới chân lí, hướng tới cái đẹp của cuộc đời.. Bởi vì văn chương gây ra những tình cảm người đọc chưa có, luyện những tình cảm người đọc sẵn có. Qua tác phẩm văn chương, người đọc tìm thấy tiếng nói đồng cảm với tác
giả, với những người đọc khác, làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
Hoạt động giao tiếp văn học cũng có đầy đủ các nhân tố tham gia là nhân vật, ngữ cảnh, nội dung, mục đích, phương tiện và cách thức giao tiếp. Bên cạnh chức năng thông tin thì hoạt động văn học cũng đảm bảo chức năng văn học là nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Như vậy hoạt động tiếp nhận văn học chính là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ song các nhân tố của hoạt động tiếp nhận văn học có những nét đặc trưng riêng so với hoạt động giao tiếp thông thường trong đó phải kể đến nhân tố độc giả tức nhân vật giao tiếp. Nếu trong hoạt động giao tiếp thông thường khi người nghe hoặc người đọc có thể xác định được cụ thể về số lượng, giới tính, lứa tuổi, dân tộc… mà ta có thể thấy điều đó ngay trong thực tế hàng ngày thì độc giả trong hoạt động tiếp nhận văn học có thể là một người cũng có thể là một số lượng không giới hạn, họ có thể thuộc về các thế hệ khác nhau, thuộc về những cộng đồng dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du tính đến nay đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng. Tác phẩm đã vượt qua thời gian và không gian, mang tư tưởng, tình cảm của nhà thơ đến với bạn đọc khắp nơi trên thế giới của muôn thế hệ. Như vậy, theo lí thuyết tiếp nhận hiện đại, một chức năng khá quan trọng của hoạt động là chức năng giao tiếp, đó là sự tác động qua lại giữa người viết và người đọc. Ngay từ khi đặt tình cảm, tư tưởng của mình vào tác phẩm, nhà văn đã hình dung được người đọc và đối thoại với họ một cách gián tiếp thông qua việc lựa chọn chủ đề, phương thức thể hiện nội dung, kết cấu tác phẩm… Khi tác phẩm tách rời khỏi ý thức của người sáng tác, trong quá trình tiếp nhận, giá trị của nó sẽ do sự phát hiện của người đọc tạo nên. Tác phẩm như một hạt giống được gieo vào đất. Nếu gặp đất tốt sẽ nhanh chóng nảy mầm và phát triển, nếu gặp phải dất xấu thì sẽ lụi tàn theo thời gian. Chính người đọc đã phân tích và cắt nghĩa chúng như thế này hoặc như thế khác. Ở đây, người đọc lại thực hiện một cuộc đối thoại ngược trở lại với người sinh ra nó (nhà văn). Mặt khác, thông qua cách tiếp nhận (cách hiểu, lí giải, cảm nhận,…) chủ thể tiếp nhận thể hiện tư tưởng tình cảm của mình (giao tiếp) với mọi người, với cuộc sống. Bằng con đường tình cảm, văn học giúp con người mở rộng giao tiếp của mình với người khác và với thế giới. Đề cao chức năng giao tiếp là đề cao khả năng làm chủ của bạn đọc đối với các giá trị tinh thần, sự tương
tác xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tư duy nghệ thuật, sự đi lên của nền văn học.
Tóm lại, nói đến đặc trưng giao tiếp, đối thoại là nói đến sự tác động qua lại giữa người viết và người đọc, người đọc với người đọc, và người đọc với chính bản thân họ. Trong sự tương tác đó, người đọc nhận thức được cuộc sống, tìm thấy những giá trị tinh thần quý báu, tiếng nói đồng cảm... Kích thích người viết không ngừng tìm tòi, sáng tạo để mang đến cho người đọc những tác phẩm hay nhất, giàu ý nghĩa nhất.
Trong dạy học, đặc trưng này giúp GV ý thức được tầm quan trọng của việc cho HS nhập cuộc vào hành trình khám phá văn bản để các em có thể tiếp nhận trọn vẹn những giá trị của văn chương và có khả năng diễn đạt tốt sự hiểu biết đó theo cách riêng của mình, nâng cao khả năng thưởng thức nghệ thuật cho các em. Giờ dạy đọc hiểu văn bản theo hướng tiếp nhận phải là giờ dạy có sự tổ chức những hoạt động có sự tương tác của thầy và trò, bạn đọc và tác phẩm để khám phá, chiếm lĩnh và sáng tạo giá trị tác phẩm.