7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Tính đồng sáng tạo
Mỗi sáng tác nghệ thuật đều là một phát hiện, sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Họ gửi vào đó những cảm xúc, trăn trở và thông điệp về cuộc đời. Nhưng tất cả chỉ là những kí hiệu câm lặng, những ngôn ngữ chết, những văn bản đóng kín. Để tín hiệu ngôn ngữ trong văn bản trở thành tín hiệu thẩm mĩ thì nhất định cần có vai trò của người tiếp nhận. Khi tác phẩm đến với người đọc thì chính người đọc góp phần hoàn thiện tác phẩm vì chính họ đã biến văn bản thành tác phẩm. Các tác phẩm văn học luôn luôn đòi hỏi những hình thức lí giải mới. Qua tác phẩm, người đọc phát hiện, lĩnh hội hệ thống cảm xúc, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm văn học qua hệ thống ngôn ngữ và nhờ thế họ có những phát hiện mới về tác phẩm trên tầm cao của kiến thức, của tình yêu dành cho cái đẹp, sự say mê và rung cảm mãnh liệt đối với văn chương. Quá trình đó là quá trình tạo nghĩa cho văn bản. Tạo nghĩa nơi người tiếp nhận là một quá trình đồng sáng tạo.
Bàn về bản chất “đồng sáng tạo” trong tiếp nhận văn chương, các nhà nghiên cứu Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam…trong Lí luận văn học, 2006, NXB GD có nói: “Trong tiếp nhận, “đồng sáng tạo” của người đọc được hiểu là hoạt động cùng sản xuất sản phẩm tinh thần với tác giả, hoàn thành chu trình sản xuất mà tác giả khởi đầu, và chủ yếu là nói lên sự thể nghiệm, đồng cảm, cùng biểu diễn để làm sống dậy cái điều nhà văn muốn nói”[43, 228]. Như vậy, tính chất sáng tạo của của người đọc và tác giả về căn bản không giống nhau. Nhà văn tìm tòi, khái quát để tạo ra sản phẩm mới. Người đọc phát hiện lại tác phẩm, thâm nhập vào những chiều sâu có thể bất ngờ đối với tác giả. Tính chất sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận không phải nhằm thêm thắt các chi tiết và hành động cho hình tượng. Đồng sáng tạo là hiểu biết nhận thức đầy đủ ý nghĩa tác phẩm trên cơ sở giá trị thực sự của nó chứ không phải do người đọc mang từ ngoài vào và có tính chất gán ghép. Đồng sáng tạo ở đây là hoạt động cùng “sản xuất” sản phẩm tinh thần của tác giả, hoàn thành quá trình sáng tạo nghệ thuật (tác phẩm) mà tác giả đã khởi đầu và chủ yếu nói lên sự đồng thể nghiệm, đồng cảm để làm sống dậy, nổi bật, sáng tỏ hay
phát triển cái điều nhà văn muốn nói trong tác phẩm.
Quá trình đồng sáng tạo trong tiếp nhận thể hiện rõ ở việc khai thác, khám phá và đánh giá các giá trị của tác phẩm. Người đọc không chỉ đơn thuần là người thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật văn chương mà còn là người cùng tham gia vào quá trình sáng tạo để xây dựng, phát triển ý nghĩa của tác phẩm. Người đồng sáng tạo, chủ thể thực hiện quá trình đọc như một hoạt động sáng tạo có tính chất kiến tạo, xây dựng giá trị tác phẩm. Có nhiều cách để độc giả tham gia đồng sáng tạo, có khi là họ chuyển được mã ngôn ngữ sang mã tín hiệu thẩm mĩ, có khi họ có những cách hiểu sâu xa, mở rộng hơn từ tính đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, có khi là họ góp ý, phê bình, đánh giá tác phẩm để từ đấy tác giả có thể sửa chữa, hoàn thiện, nâng cao cách viết, cách sắp đặt kết cấu… Dù theo cách nào cũng là vai trò phản hồi tích cực của độc giả. Lịch sử tìm hiểu văn học ghi nhận nhiều sự tiếp nhận khác hẳn hoặc vượt xa ý đồ sáng tác của nhà văn. Chẳng hạn câu thơ:
“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm, Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”.
(Tôi yêu em - Puskin)
Đây là hai câu thơ dịch rất xuất sắc, để lại trong lòng người đọc nhiều rung cảm sâu sắc. Tuy nhiên, các cách hiểu về câu thơ này không thống nhất. Có người hiểu rằng chàng trai cầu mong một ai đó có thể yêu thương cô gái nhiều như chính tình cảm chàng trai dành cho cô. Theo cách hiểu đó thì câu thơ mang ý nghĩa chúc phúc. Nó thể hiện một tinh thần cao thượng và đẹp đẽ trong tình yêu. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng hai câu thơ là một lời thách thức. Thách mọi người tìm được một ai khác có thể yêu cô gái được nồng nhiệt và cháy bỏng như chính tình yêu mãnh liệt của nhà thơ dành cho cô gái.
Trong quá trình tiếp nhận, người đọc xây dựng lại thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã xây dựng, giải mã những điều mà nhà văn đã mã hoá trong tác phẩm, biến một văn bản “tự nó” thành một tác phẩm “cho mình. Nói cách khác, bạn đọc đã biến văn bản thành tác phẩm. Nếu tách rời khỏi người đọc, tác phẩm chỉ là những câu chữ “im lặng”, không phát huy được những chức năng xã hội của mình. Chỉ có thông qua tính năng đồng sáng tạo của người đọc, tác phẩm mới có thể góp phần
thay đổi con người, cuộc sống, góp phần làm phong phú văn hoá của những thời đại kế tiếp. Chính vì thế mà khi bàn về các tác phẩm văn học, nhà văn T. Ai-ma-top có nêu lên một ý tưởng: Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện. Quan điểm này cũng giống với quan điểm của Baudelaire – một nhà thơ pháp - “Một tác phẩm đã hoàn thành chưa chắc đã hoàn tất.” [dẫn theo 16, tr136]. Rõ ràng, văn học là một hệ thống mở, sự hoàn thành là do nhà văn còn sự hoàn tất là do bạn đọc, do thời gian, do lịch sử mà nhiều khi nhà văn không can dự vào. Những tiềm năng ý nghĩa đó được khám phá, nhận thức trong sự hiểu biết và khả năng sáng tạo của chủ thể tiếp nhận. Thưởng thức nghệ thuật bằng con đường đồng sáng tạo giúp người đọc tiếp tục đi sâu, mở rộng cái hay, cái đẹp của hình tượng văn học và phát hiện những giá trị mới trong tác phẩm của nghệ sĩ. Chính vì vậy, một người sáng tác tài năng sẽ không nói hết, mà để cho người đọc tự nói với mình những quan hệ, những điều kiện, những giới hạn mà chỉ với những quan hệ, điều kiện và giới hạn ấy thì một câu nói mới có ý nghĩa. Nếu người đọc không tham gia vào hoạt động sáng tạo thi không thể hiểu được tác phẩm văn chương.
Hiểu rõ bản chất của tiếp nhận văn chương là một quá trình đồng sáng tạo giúp GV có định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động giảng dạy của mình: Học sinh là bạn đọc sáng tạo trong quá trình dạy học văn. Đó cũng là luận điểm cơ bản của việc đổi mới phương pháp dạy học văn. Luận điểm này đề cao vai trò của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học, đề cao vai trò chủ thể học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập. Do đó, để phù hợp với luận điểm cơ bản đó, quá trình dạy học văn trong nhà trường đòi hỏi phải biến môn Văn thành môn dạy kĩ năng đọc hiểu các loại văn bản cho HS. Đọc hiểu văn bản đang được xem là một trong những phương pháp chủ yếu của vấn đề dạy học văn học trong nhà trường hiện nay. GV cần tạo điều kiện cho HS thể nghiệm, bộc lộ được cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, khơi gợi khả năng lĩnh hội của các em. Cần để giờ dạy học văn diễn ra bằng cảm xúc, bằng sự trải nghiệm của cá nhân, bằng năng lực “đồng sáng tạo” ở mỗi HS, không nên khuôn vào một cung cách nào. Trả văn bản trở về với các em. Từ đó phát huy những suy nghĩ táo bạo, tính tích cực và tư duy sáng tạo trong học tập của học
sinh để giờ giảng văn chỉ còn lại những hứng thú, say mê và rung cảm thẩm mĩ.