Trước đây, theo quy định của Nghị định 59/2000/NĐ-CP hướng thi hành biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn thì quyền của người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ được quy định có ba quyền. Đó là: Không bị phân biệt đối xử vì lỗi lầm đã phạm; được giúp đỡ để tham gia lao động, học tập tại nơi cư trú; được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí tại cộng đồng như mọi công dân khác và được đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc tổ chức xã hội được giao giám sát, giáo dục làm thủ tục đề nghị Toà án nhân dân cấp huyện nơi mình cư trú ra quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Quy định như thế đã làm mất nhiều quyền lợi của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn. Vì thế để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của của người được giáo dục trong thời chấp hành án, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới (Nghị định số 10/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội) để bổ sung thêm các quyền cho người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Điều 14 Nghị định số 10/2012/NĐ- CP ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội đã quy định các quyền của người được giáo dục. Bao gồm các quyền:
Không bị phân biệt, đối xử; được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Giấy chứng minh nhân dân, khám, chữa bệnh, trợ giúp pháp lý. Khi tham gia lao động, người được giáo dục được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác có liên quan.
Người được giáo dục chưa biết chữ hoặc chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở có quyền đề nghị và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giáo dục vào học tập, đào tạo.
Được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương; người được giáo dục có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, được xét hỗ trợ một phần vốn để học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, sản xuất, kinh doanh .
Được đề bạt nguyện vọng, kiến nghị của mình đối với Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định tại Điều 10, 11 Nghị định số số 10/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ. Theo tinh thần chung của hai điều luật này thì: người được giáo dục có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lí do chính đáng và người được giáo dục cũng có thể thay đổi nơi đăng kí thường trú. Lí do chính đáng có thể là đi học tập, có việc làm ổn định mà phải tạm trú ở địa phương khác từ 3 tháng trở lên…
Có quyền đề nghị xem xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được xem xét, quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị xem xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo
dục tại xã, phường, thị trấn là “đã chấp hành một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn và có nhiều tiến bộ”.29
Như vậy, quyền của người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã được Nghị định số 10/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ bổ sung thêm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được giáo dục.