Theo các nhà nghiên cứu, thuật phong thủy đã được truyền vào nước ta và phát triển vào thế kỷ thứ 17. Khoa địa lý Việt do danh sư Tả Ao và Hòa Chính truyền đạt qua nhiều đời.
Tả Ao là người thứ nhất học được khoa địa lý chính tông và là nhà địa lý giỏi nhất Việt Nam xưa kia. Ông tên là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà nghèo, sinh vào thời Lê-Trịnh, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lòa, anh ruột cũng nghèo. Ông là người có hiếu đã học làm thuốc chữa cho mẹ khỏi lòa và chữa cho một thầy địa lý khỏi đau mắt gần mù, rồi được thầy truyền cho khoa địa lý chính tông. Tương truyền, ông không truyền nghề địa lý này cho ai nhưng ông có làm hai văn bản dạy địa lý được các đời sau in thành sách. Một là tập Địa đạo diễn ca có 120 câu văn vần, hai là tập Dã đàm Tả Ao bằng văn xuôi. Các thầy địa lý ở nước ta cho đây là hai tập sách rất tốt. Nó xuất phát từ môn địa lý chính tông, đi từ căn bản chú trọng tìm cho thấy Long Châu huyệt đích, sau đến phần chi tiết nói thêm những điều phụ vào phần văn bản. Người nước ta thời xưa rất thích hai tập sách này vì một lẽ, dễđọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành hơn là những sách du nhập từ Trung Hoa sang, rất rắc rối, mông lung, khó hiểu.
Hòa Chính là một thầy địa lý được Trịnh Sâm cho sang Trung Quốc học, thành tài. Lúc về, ông có viết sách, chưa được in nên nay chỉ có những bản thảo sao chép lại, không chắc có đúng nguyên văn của ông không. Sau khi Trịnh Sâm muốn cướp ngôi nhà Lê sai ông đặt hướng và xây lại thành Cổ Loa để thành một đế đô, ông không làm, bị chúa Trịnh đổ chì nóng, mù cả hai mắt và bị chết.
* Phong thủy trong kiến trúc kinh thành Huế
Theo lẽ tự nhiên, kiến trúc kinh thành phải là một mẫu mực theo thuật phong thủy bởi lẽ việc lựa chọn địa điểm và xây dựng thành ấp của vua chúa là hết sức quan trọng, sao cho đó phải là nơi hội tụ của long mạch. Chính vì vậy tổng thể kinh thành Huế được đặt trong khung cảnh bao la đất rộng và núi cao đẹp, minh đường lớn, và sông uốn khúc rộng. Cụ thể tiền án của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100m, đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, cân phân nằm giữa vùng đồng bằng. Hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ trong thế rồng chầu hổ phục tỏ ý tôn trọng vương quyền. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. Do quan niệm “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Kinh Dịch - Thiên tử phải quây mặt về hướng nam để cai trị thiên hạ) nhưng đồng thời phải tận dụng được thế đất đẹp nên kinh thành và các công trình trong nó được bố trí đối xứng qua trục Dũng đạo quay mặt hơi chếch về hướng Ðông - Nam một góc nhỏ nhưng vẫn giữ được tư tưởng chính của thuyết phong thủy. Ðây là cách sáng tạo và linh hoạt của người quy hoạch trong việc vận dụng thuyết phong thủy.
Mặt khác, phong thủy không chỉ xem hướng công trình mà nó cần ảnh hưởng sâu vào bố trí nội thất, vào các bộ phận và kết cấu trong công trình như chiều dài, rộng, cao, các cột, cửa… ví dụ như các bộ phận của Ngọ Môn đều có những con số theo nguyên tắc của dịch học các con số 5, số 9, số 100. Năm lối đi vào Ngọ Môn tượng trưng cho Ngũ Hành, trong đó lối vua đi thuộc hành thổ, màu vàng. Chính bộ mái của lầu Ngũ Phụng biểu hiện con số 5 và 9 trong hào Cửu Ngũ ở Kinh Dịch, ứng với mạng thiên tử. Một trăm cột là tổng của các con số Hà Ðồ (55) và lạc thư (45)… Các con số này ta lại gặp ở tại sân Ðại Triều Nghi với 9 bậc cấp ở phần sân dưới và 5 bậc cấp ở phần sân trên. Trên mỗi mái của điện Thái Hòa đều được đắp nổi 9 con rồng trong các tư thế khác nhau, và trong nội thất cũng tương tự. Ðó là chưa kể đến các con số liên quan đến chiều cao các cửa mà khó có thể liệt kê hết ra ở đây.
Về vị trí và phong thủy của kinh thành Huế, các sử quan Triều Nguyễn đã nhận xét, mà có thể nói, như một bản “Luận chứng kinh tế kỹ thuật”: “Kinh sư là nơi miền núi miền biển đều hợp về, đứng giữa miền nam miền bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân ngăn chặn; sông lớn giữ phía trước, núi cao giữ phía sau, Rồng cuốn Hổ ngồi, hình thể vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua”.
* Phong thủy trong kiến trúc Dinh Độc Lập
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng rất sùng bái khoa Phong thủy. Ông đã từng thuê thầy địa lý đặt lại mộ cha Phan Rang để táng vào nơi được đại “cát” nhất. Ông Thiệu muốn chức vị của mình trường tồn nên đã cho xây lại và yểm bùa dinh “Tổng thống” tức là “Dinh Độc Lập”.
Nguyên nơi này trước kia gọi là dinh Nô-rô-đôm. Nó vốn là phủ toàn quyền do thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Khi Pháp trao trảđộc lập “giả hiệu” cho Bảo Đại thì dinh mới bắt đầu đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Thời kỳ ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống thì ngày 27/02/1962, hai phi công thuộc phái chống đối tới ném bom làm sập cánh trái của dinh, rồi ngày 01/11/1963, chếđộ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cho tới khi các ông Thiệu, ông Kỳ lên nắm chính quyền, dinh vẫn chưa được sửa xong. Ông Thiệu đã đề ra chương trình xây dựng lại Dinh Độc Lập, các kiến trúc sư phải thiết kế sao cho dinh mới vững chãi để chống lại các cuộc tấn công của phe đảo chính.
Theo sách vở cũ thì bộ phận chính của dinh mới được cấu trúc thành ba tầng lầu kéo ngang thành ba vệt dài và hệ thống cửa lớn ở chính giữa kéo thành một nét thẳng dọc từ trên xuống dưới, như một nét sổ kết hợp lại với nhau thành chữ vương (vua), chiếc kỳ đài trên nóc lầu lại tạo thành dấu chấm trên chữ vương và nó tạo thành chữ chủ nghĩa là chúa.
Trên nóc mái bằng của dinh còn có một cái lầu nhỏ gọi là tứ phương vô sự lầu. Cái lầu này là nơi yểm bùa làm cho dinh được bình yên vô sự, chống được mọi hiểm họa từ bốn phương ập tới. Lầu nhỏ này xây theo hình vuông kiểu chữ khẩu,
trước lầu có một cột đâm thẳng thành một nét dọc tạo thành chữ trung, ngụ ý dinh là trung tâm quyền lực, đồng thời có nghĩa là chính giữa.
Ngày 31/10/1966, đúng giờ đại cát, ông Nguyễn Văn Thiệu tới cắt băng khánh thành Dinh Độc Lập được tái tạo theo kiểu mới đó.
Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ mặt bằng của Dinh Độc Lập được xây dựng trên khu vực có hình chữ cát (có nghĩa là tốt lành), nhưng rồi có người mách con đường thảo cầm viên đâm thẳng vào dinh như một mũi tên. Ông Thiệu đến nhờ một pháp sư yểm cho lá bùa chôn ngay giữa cổng chính. Đồng thời phía trước dinh, ông Thiệu còn bố trí những rào sắt chắn đặt thường xuyên trên con lộ, tạo thành một vật cản chặt đứt ngang mũi tên.
Tuy nhiên, xét về tổng thể mà nói, từ trên cao nhìn xuống, tòa nhà Dinh Độc Lập được thiết kế mang hình tượng cái triện và con dấu, mang ý nghĩa về quyền lực, cho nên tòa nhà này một thời đã có những vị thế quyền lực nhất định trong xã hội. Nhưng khi quan sát từ bên ngoài thì tòa nhà này lại mang một hình tượng khá xấu xét theo quan điểm phong thủy, đó là hình tượng “lộ cốt”. Có lẽ vì thế mà chủ nhân hoặc người sử dụng công trình này đều không thịnh vượng lâu dài.
PHẦN 3
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU