Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không hoàn toàn mất năng lực hành vi dân sự. Cũng như người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch có giá trị nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bản thân họ. Đối với các giao dịch khác như giao dịch có giá trị tài sản lớn (ví dụ: ô tô, xe máy), giao dịch mua bán nhà ở, giao dịch mua bán quyền sử dụng đất chỉ có thể được xác lập và thực hiện với sự đồng ý của người đại diện... Trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch trên mà không có sự đồng ý của người đại diện thì người đại diện có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 122 BLDS.
Tuy nhiên, khác với người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể lập di chúc mà không cần sự đồng ý của người đại diện, chỉ cần tinh thần của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sáng suốt, minh mẫn, tự nguyện trong khi lập di chúc, đồng thời di chúc thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ có hiệu lực.
Trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản thì việc lấy tài sản để bồi thường cần có sự giám sát của người đại diện theo pháp luật. Mặc dù người gây thiệt hại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do bị hạn chế nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do họ gây ra là thuộc về họ, không phải là trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật. Vì xét về bản chất, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoàn toàn có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Chỉ khi họ nghiện các chất kích thích và có nguy cơ sẽ phá tán tài sản thì mới bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền và lợi ích về tài sản liên quan đến họ. Trong trường hợp người bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà không đủ tài sản để bồi thường thì người đại diện theo pháp luật cho họ cũng không có nghĩa vụ phải lấy tài sản của mình để bồi thường thay cho người gây ra thiệt hại. Họ sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau khi có tài sản mà không thể bắt người khác thay họ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Chương 3
THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT