0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Năng lực hành vi dân sự của người thành niên

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 50 -52 )

Năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong trường hợp đáp ứng điều kiện tại Điều 19 BLDS là năng lực hành vi dân sự dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự. Về nguyên tắc, những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, họ có toàn quyền tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự cho bản thân họ và người mà họ đại diện. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra một số trường hợp ngoại lệ, theo đó, một người dù đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng không được phép tham gia các giao dịch dân sự như: giao dịch bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ mà không được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ, hay đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác [10, Điều 69]; những giao

dịch dân sự mà người đại diện thực hiện với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là đại diện của người đó [10, Điều 144]…Các quy định này được coi là tiền đề để xác định tư cách pháp lý và trách nhiệm của người thành niên trong các quan hệ pháp luật dân sự.

Xét về cơ bản tâm sinh lý, người từ đủ mười tám tuổi hoàn toàn có đầy đủ khả năng để nhận thức về sự vật, sự việc và tự quyết định về hành động của mình. Họ có nghĩa vụ phải biết trước những hành vi của mình sẽ đem lại những hậu quả như thế nào, đó là hành vi có lợi cho xã hội hay gây hậu quả bất lợi cho người khác và hậu quả xấu cho xã hội. Nhận thức được việc mình làm, họ có quyền lựa chọn cách xử sự trước những sự kiện xảy ra trong xã hội, nếu họ lựa chọn hành vi gây thiệt hại cho người khác trong khi hoàn toàn có thể hành động theo một cách khác không gây bất lợi cho người khác và xã hội thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì vậy, Khoản 1 Điều 606 BLDS năm 2005 khẳng định: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường" [10, Điều 606]. Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người từ đủ mười tám tuổi gây ra thuộc trách nhiệm của chính bản thân họ là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì người từ đủ mười tám tuổi đã là người thành niên và có đủ điều kiện tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung cũng như có đầy đủ năng lực tham gia vào các quan hệ lao động nói riêng tạo ra thu nhập.

Trên thực tế, không phải cá nhân nào đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng có tài sản để bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Có nhiều cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi nhưng vẫn trong độ tuổi đi học, chưa có việc làm và sống phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình nên họ không có thu nhập hoặc tài sản riêng. Tuy nhiên, người gây thiệt hại từ đủ mười tám tuổi bị rơi vào tình trạng tài sản như thế nào đi nữa thì cũng không

thể loại trừ được nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của mình. Do đó, nếu họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì quyền lợi của người bị hại khó thực thi theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời. Bởi theo pháp luật thi hành án dân sự, người được bồi thường chỉ được giải quyết yêu cầu thi hành án đối với người có nghĩa vụ bồi thường khi người này có khả năng thi hành.

Người thành niên từ đủ mười tám tuổi là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự cũng như đầy đủ năng lực tố tụng dân sự trước Tòa án, do vậy, cá nhân này phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình và có tư cách bị đơn dân sự trước Tòa án, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự.

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 50 -52 )

×