0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Căn cứ xác định mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 40 -42 )

Pháp luật quy định khả năng hưởng quyền dân sự cho các cá nhân là như nhau không phân biệt giới tính, độ tuổi, thành phần tôn giáo... nên năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là bình đẳng. Tuy nhiên, khả năng xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của mỗi cá nhân thông qua hành vi của mình lại hoàn toàn khác nhau. Điều này được giải thích là mỗi cá nhân trong xã hội được nuôi dưỡng, trưởng thành trong điều kiện vật chất và tinh thần không giống nhau thì khả năng nhận thức, điều khiển hành vi cũng khác nhau. Thực tế cho thấy có những đứa trẻ được mệnh danh là thần đồng vì có khả năng đặc biệt trong việc lĩnh hội tri thức. Ngược lại, có người đã thành niên nhưng nhận thức và hành động lại không như người trưởng thành.

Khi xác định năng lực hành vi dân sự của một cá nhân, độ tuổi chỉ là điều kiện cần mà không phải là điều kiện đủ. Căn cứ vào độ tuổi của cá nhân, cụ thể là các mốc tuổi là sáu tuổi, mười lăm tuổi và mười tám tuổi, khoa học luật dân sự xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân.

Khác với pháp luật dân sự, chủ thể của vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm) là người có năng lực pháp luật hình sự và năng lực hành vi hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, người từ đủ mười bốn tuổi đến dưới mười sáu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, người từ đủ mười sáu tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Vì quan hệ pháp luật hình sự là quan hệ pháp luật giữa một bên chủ thể đặc biệt đó là Nhà nước với các cá nhân, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hình sự, do đó, nếu vi phạm hình sự xảy ra

thì mức độ nghiêm trọng của nó không chỉ gây nguy hại cho các cá nhân tổ chức khác như vi phạm dân sự, mà nó còn gây nguy hại cho xã hội, cho nhà nước. Chính vì vậy, độ tuổi quy định năng lực hành vi trong pháp luật hình sự thấp hơn so với độ tuổi quy định năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh độ tuổi thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi cũng là tiêu chí quan trọng không thể thiếu để xác định năng lực hành vi cá nhân (điều kiện đủ). Đối với những cá nhân khác nhau thì khả năng nhận thức về hành vi và hậu quả của hành vi do họ thực hiện không giống nhau. Việc nhận thức và điều khiển hành vi của cá nhân phụ thuộc vào ý chí và lí trí của cá nhân đó, phụ thuộc vào khả năng của cá nhân về nhận thức và điều khiển hành vi của chính họ. Thông thường, khi phát triển đến một độ tuổi nhất định, con người sẽ đạt đến sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, có thể tự nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Do đó, năng lực hành vi dân sự của một cá nhân được xác định theo độ tuổi và sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, năng lực hành vi dân sự được chia làm ba mức độ: Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cá nhân có năng lực hành vi dân sự một phần; cá nhân chưa có năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh đó, cũng có các trường hợp cá biệt, mặc dù đã đến tuổi trưởng hành nhưng khả năng nhận thức không hề phát triển từ khi sinh ra do trí não của cá nhân không bình thường như các cá nhân khác. Tại Việt Nam, hậu quả để lại của các cuộc chiến tranh tàn khốc là nhiều người dân bị nhiễm chất độc Đioxin. Khi họ sinh con, những đứa trẻ ấy có hình hài kì dị, trí não không phát triển bình thường, không thể nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Chính vì thế BLDS quy định nếu cá nhân bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan Tòa án sẽ tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đối với người đó. Hoặc trường hợp cá nhân bị nghiện ma túy hoặc chất kích thích

khác, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án sẽ tuyên bố hạn chế năng lực hành vi đối với họ.

Có nhiều quan điểm coi trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự thuộc các mức độ năng lực hành vi dân sự. Theo tôi, hai trường hợp trên không nằm trong các mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân mà được coi là những trường hợp các nhà làm luật dự liệu để giải quyết trên thực tế. Hơn nữa, tình trạng trên có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Một người có thể từ bé đã bị mất năng lực hành vi dân sự do họ bị bệnh tâm thần, cũng có những người đã thành niên mới bị mất năng lực hành vi dân sự vì bị tai nạn hoặc bị các chấn động tâm lý không thể nhận thức và làm chủ hành vi.

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 40 -42 )

×