Năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Một phần của tài liệu Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 42 - 44)

Để có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì một chủ thể phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, chủ thể đó phải là người thành niên theo quy định tại Điều 18 BLDS năm 2005: "Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên" [10, Điều 18]. Theo Từ điển tiếng Việt thì “thành niên” được hiểu là đến tuổi được pháp luật công nhận là công dân với đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ.

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, lứa tuổi từ 10 đến 19 là độ tuổi vị thành niên, do đó, người trên 19 tuổi sẽ được coi là thành niên. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của các nước trên thế giới khác nhau nên quy định về độ tuổi thành niên cũng không giống nhau. Một số nước quy định độ tuổi được coi là thành niên khá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 20 tuổi, của Úc, Canada, Ấn Độ, Philippines, Mỹ là 18 tuổi, ngược lại, một số nước xác định tuổi trưởng thành để kết hôn lại thấp hơn, chẳng hạn Angola là 12 tuổi, Senegal là 13 tuổi... Tại Việt Nam, gần đây có

nhiều quan điểm cho rằng cần thay đổi quy định độ tuổi thành niên để phù hợp với tình hình thực tế phát triển của trẻ. Có ý kiến cho rằng: "Với sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay đã vượt trội hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều về thể chất và tâm sinh lý. Chiếc áo tuổi thành niên vì vậy không còn phù

hợp để khoác lên mình trẻ nữa" [40]. Theo quan điểm của tác giả cho rằng,

chúng ta vẫn nên giữ nguyên quy định về độ tuổi thành niên. Nền kinh tế, xã hội ở Việt Nam những năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc, trẻ em được thụ hưởng điều kiện chăm sóc tốt hơn và trưởng thành cũng sớm hơn nhưng tập trung chủ yếu là trẻ em ở các thành phố lớn. Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm thể chất của người Việt Nam cũng như trình độ phát triển trí não, tâm sinh lý... các em vẫn chưa thể phát triển toàn diện như trẻ em cùng trang lứa ở một quốc gia phát triển. Rõ ràng, các em vẫn cần được pháp luật bảo vệ cho đến khi đủ mười tám tuổi.

Điều kiện thứ hai là người thành niên không bị rơi vào các trường hợp bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy, không phải tất cả những người thành niên đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Quy định của bộ luật dân sự về năng lực hành vi dân sự đầy đủ là kết quả của sự nghiên cứu về luật học và khoa học kết hợp với đời sống thực tế. Theo chứng minh khoa học của các ngành y tế, sinh học, tâm lý học..., thông thường con người sẽ đạt đến ngưỡng phát triển toàn diện khi họ đã thành niên. Con người trong khoảng thời gian mười tám năm được sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành bởi gia đình, xã hội sẽ hình thành tính cách, phát triển nhận thức cùng các kỹ năng sống cần thiết. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng ghi nhận công dân đủ 18 tuổi có quyền bầu cử. Điều 19 BLDS năm 2005 đã kế thừa Hiến pháp năm 1992 quy định cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, trường hợp duy nhất có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 19 BLDS năm 2005 mà không có một trường hợp ngoại lệ nào. Còn theo pháp luật một số quốc gia có quy định các trường hợp ngoại lệ cho phép một người có thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trước độ tuổi luật định. Chẳng hạn như trường hợp quy định tại Điều 735 BLDS Nhật Bản, Điều 467 BLDS Pháp thì người chưa thành niên kết hôn thì coi như đã đạt độ tuổi trưởng thành; đặc biệt hơn Điều 477 BLDS Pháp còn quy định người chưa thành niên có thể có đầy đủ năng lực hành vi nếu đã đủ mười sáu tuổi, kể cả khi chưa kết hôn. Sau khi nghe ý kiến của người chưa thành niên, thẩm phán phụ trách giám hộ quyết định công nhận năng lực hành vi dân sự đầy đủ cho người chưa thành niên đó. Nếu chỉ cha hoặc mẹ nộp đơn yêu cầu, thì thẩm phán quyết định sau khi đã lắng nghe ý kiến của người mẹ hoặc người cha còn lại, trừ tường hợp người đó không thể bày tỏ ý chí.

Một phần của tài liệu Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)