Dù chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, Bitcoin đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều người cũng như các doanh nghiệp. Việc xác định hình thái của Bitcoin để có khuân khổ pháp lý rõ ràng và quản lý hiệu quả hơn là vô cùng quan trọng. Ngày 13/1, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Bitcoin là đồng tiền không hợp pháp tại Việt Nam, do đó không được chấp nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam vừa qua cũng đã có thông cáo cần thiết về việc sử dụng tiền ảo trong hệ thống thanh toán chính thống của nhà nước. Ngoài thông cáo trên, hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc thanh toán thông qua hình thức tiền ảo, các quy định về giao dịch thương mại điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt gần đây cũng không hoặc chưa đề cập đến. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, khi Bitcoin được sử dụng rộng rãi trên thế giới, việc không thừa nhận đồng tiền này có thể gây trở ngại trong việc phát triển kinh tế và hội nhập ở nước ta. Thay vì không chấp nhận, đề xuất các biện pháp quản lý Bitcoin sẽ giúp chúng ta hạn chế được những bất cập và phát huy lợi ích của đồng tiền này.
Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng “Bitcoin là loại hình tiền tệ ảo”, quan điểm này có thể gây nhầm lẫn và khó khăn trong công tác quản lý vì vì nhưng đặc điểm riêng biệt của loại tiền này như sau:
- Không có cơ quan phát hành - Không có giới hạn địa lý - Có số lượng hữu hạn
- Tính ẩn danh
Vì vậy, để có một cái nhìn chính xác hơn về bản chất, nhóm nghiên cứu cho rằng Bitcoin nên được nhìn nhận như một loại “tài sản ảo” ở Việt Nam.
“Tài sản ảo” là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản mạng,…phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một bộ luật hay văn bản chính thức quy định cho tài sản ảo. Tuy nhiên, theo Điều 163 Bộ luật dân sự, “ tài sản bao gồm các vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Cũng theo điều 181 Bộ luật dân sự, “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Hiểu theo định nghĩa này, dù không có khả năng tiếp cận mang tính vật thể nhưng Bitcoin vẫn có giá trị bằng tiền, hơn nữa người dùng còn có quyền sử dụng, trao đổi, định đoạt và chiếm hữu Bitcoin. Vì vậy Bitcoin hoàn toàn có thể coi như quyền tài sản và người dùng Bitcoin là những người sở hữu tài sản.
Về tính pháp lý: tài sản ảo là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự.
Về bản chất: Dù chỉ là hình ảnh trên các thiết bị máy tính, về bản chất, Bitcoin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính và được nhận biết thông qua các địa chỉ công khai (là một dãy mã hóa các số và chữ cái). Tuy nhiên do các đoạn mã máy tính không tồn tại độc lập hoàn toàn nên không thể thực hiện quyền chiếm hữu như tài sản thông thường mà chỉ có thể thực hiện quyền này thông qua giá trị bằng tiền của nó ( tính vô hình). Việc thừa nhận Bitcoin thông qua các đoạn mã ghi nhận quyền của người dùng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ, quản lý và khai thác lợi ích của loại tài sản này.
Về giá trị: Bitcoin có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó tạo ra lợi ích kinh tế và đáp ứng như cầu về một đồng tiền an toàn, dễ dàng sử dụng và lưu thông trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay.
Việc thừa nhận tài sản ảo là các đoạn mã ghi nhận quyền của người dùng Bitcoin sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ và khai thác các lợi ích của tài sản ảo, đồng thời giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc trên thực tế như sau:
- Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.
- Tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi xảy ra các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo.