Thực trạng khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về tiền ảo bitcoin và các khuyến nghị quản lý tiền ảo ở việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 72 - 75)

Mặc dù hoạt động thanh toán điện tử diễn ra gần 10 năm nhưng đến nay vẫn thiếu hành lang pháp lý để quản lý các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngày 22/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có Điều 15 và Điều 16 quy định về các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng, cũng như quy định về quy trình thủ tục, hồ sơ, cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, đến nay những quy định này vẫn chưa được áp dụng thực tế vì còn chờ Thông tư hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra đời.

Do chưa có Thông tư hướng dẫn nên trong số hơn 20 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ chi có 9 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thử nghiệm trong 6 tháng (hiện một số doanh nghiệp đã hết thời hạn thử nghiệm khá lâu). Số còn lại chờ Thông tư được ban hành để xin giấy phép. Có thể nói đa số các cổng thanh toán điện tử đang hoạt động tự phát và chưa bị quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 17/02/2014, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Theo đó, phía Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã nêu ra các rủi ro khi sử dụng Bitcoin như:

Thứ nhất: Các hoạt động liên quan đến thanh toán tiền ảo có độ ẩn danh cao nên dễ bị lợi dụng để thực hiện một số hoạt động phi pháp, đặc biệt là liên quan đến rửa tiền.

Theo Luật phòng chống rửa tiền của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10: Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có; trong đó tài sản được định nghĩa là bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Vì chưa có hệ thống pháp lý rõ ràng về tiền ảo, nhiều người nhận định Bitcoin được là một loại tài sản ảo- tài sản vô hình có giá trị lớn. Về định nghĩa giao dịch đáng ngờ trong bộ luật được chỉ rõ là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền. Giao dịch có giá trị lớn là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định, được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày. Hai loại giao dịch này đều có thể dễ dàng thực hiện với tính ẩn danh cao của Bitcoin nên nguy cơ Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như: rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp là hoàn toàn có khả năng.

Ngoài ra, Điều 7 Chương 1 của Luật phòng chống rửa tiền có nêu các hành vi bị cấm bao gồm

1. Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền. 2. Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

3. Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

4. Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

Xét trên các yêu tố này, việc tiêu dùng thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin rất dễ tiếp tay cho hoạt động rửa tiền phi pháp khi tài khoản Bitcoin có tên miền riêng nhưng là chỉ tồn tại dưới dạng dãy mã số ẩn danh, khả năng thanh toán phi lãnh thổ không hạn chế và không chịu sự quản lý của bất cứ quốc gia hay cơ quan thẩm quyền nào.

Thứ hai: Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn

Thứ ba: do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.

Thứ tư, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Do đó, về việc sử dụng Bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Chính phủ Việt Nam khẳng định không thừa nhận, không cho phép giao dịch bằng tiền Bitcoin, không chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp phát sinh liên

quan đến hoạt động giao dịch đồng Bitcoin. Đồng thời, NHNN sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các quy định để quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về tiền ảo bitcoin và các khuyến nghị quản lý tiền ảo ở việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 72 - 75)