Hà Tĩnh là tỉnh thuần nông kinh tế đang phát triển thấp so với mặt bằng chung của cả nước, điều đó có nguyên nhân khách quan và cả yếu tố chủ quan. Điểm xuất phát thấp, đã để lại nhiều khó khắn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức được nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, bám sát thực tiễn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng gia sản xuất, tập trung phát triển kinh tế trên mọi mặt đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển lên một bước, vị thế, úy tín ngày càng được nâng lên. Sau 23 năm tái lập tỉnh, diện mạo, bức tranh kinh tế Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc, kinh tế có bước phát triển khá, giai đoạn 2011-2013, kinh tế tăng trưởng nhanh, phát triển theo hướng bền vững, có sự thay đổi về chất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 14,8%, trong đó năm 2011 đạt 11,68%, năm 2012 đạt 13,44%, năm 2014 dự kiến đạt 19,8%; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 24 triệu đồng. Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu đạt kết quả tốt, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ chiếm 81,71%; lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 18,29% trong cơ cấu GDP của tỉnh, chỉ tiêu cơ cấu kinh tế đã gần về đích so với mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án lớn trong Khu kinh tế Vũng Áng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2011-2013 ước đạt trên 117 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2006-2010; riêng năm 2013 dự kiến đạt trên 58 nghìn tỷ đồng, tăng 51% so với kế hoạch, tăng hơn 24 nghìn tỷ đồng so với năm 2012 và gấp 2,3 lần so với năm 2011. Đây là yếu tố đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh nhà.
Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phong trào toàn dân xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã chuyển biến sâu rộng trong nhân dân về tư tưởng và nhận thức, toàn tỉnh đã có 07 xã về đích năm 2013, đầu năm 2014 đã có 04 xã chuẩn bị về đích nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” được phát triển mạnh mẽ, các thiết chế văn hóa ngày càng được xây dựng đã đi vào hoạt động có hiệu quả bảo tồn được các giá trị văn hóa của vùng, miền, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Quốc phòng an ninh được giữ vững, tình hình trật tự an toàn trong xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những thuận lợi Hà Tĩnh cũng có nhiều khó khăn, xuất phát điểm về kinh tế thấp, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, tích luỹ ít, thiếu vốn nghiêm trọng. Nền kinh tế còn nhiều yếu kém, nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn là một thử thách to lớn, một bộ phận nhân dân còn nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, năng lực lãnh đạo và quản lý, trình độ cán bộ, Đảng viên, công nhân viên chức chưa đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn mới.
Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tích cực triển khai các chương trình hành động, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, khích lệ tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa công cuộc đổi mới phát triển, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm trước mắt và chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010-2015.