Từ trong thực tế đúc kết thành thực tiễn sinh động, sau thời gian tuy không dài cho nghiên cứu đề tài, nhưng tác giả đã nhận thức và xâu chuỗi không ít vấn đề vừa mang tính hệ thống vừa mang tính thời sự của việc nuôi thủy sản, xuất phát từ đó, hy vọng tương lai ngành nông nghiệp sẽ trở thành mũi nhọn là điểm tựa vững chắc để nông hộ vươn lên làm giàu, vì thế tác giả có một số đề xuất:
Một là, đối với Sở khoa học công nghệ tỉnh Bến Tre nên có đặt hàng các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu con giống phù hợp với vùng sinh thái lợ, mặn ven biển; tăng cường chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất lúa sạch tôm sạch và thân thiện với môi trường; sớm nghiên cứu và ứng dụng công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm.
Hai là, UBND huyện Thạnh Phú tranh thủ với cấp tỉnh và Trung ương về nguồn vốn để sớm thi công để đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi nội đồng, xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ, để thực hiện tiêu chí thứ 2 trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn vì đây là nguyên nhân làm tăng chí phí đầu vào, giảm giá bán đầu ra, do thương lái viện cớ chèn ép người sản xuất.
Ba là, Quản lý nghiêm quy hoạch vùng nuôi cho từng đối tượng phù hợp, tránh phá vỡ quy hoạch làm lãng phí xã hội, ảnh hưởng không tốt đến các hộ khác và cả môi trường khu vực. Trong đó, ngành Tài nguyên-Môi trường, đóng vai trò người hướng dẫn, người trọng tài, trong việc thực hiện quy hoạch, sử dụng tài nguyên đất, nước, một cách tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, kết hợp với ngành nông nghiệp cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất; tranh thủ vốn xây dựng 2 tuyến đê ven sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp – thoát nước, cải tạo môi trường, phòng - tránh lây lan dịch bệnh.
Bốn là, có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn về nuôi tôm xen canh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về người dân về môi trường; phát huy tính tự giác trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia vào công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Năm là, đối với ngành nông nghiệp, hỗ trợ người nuôi về tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình, tập huấn phòng trị bệnh hữu hiệu, tư vấn mùa vụ, khuyến cáo nuôi trồng kết hợp, lịch thời vụ thích hợp giữa các đối tượng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường kiểm dịch giống thủy sản, đảm bảo giống sạch bệnh cho nông hộ; chọng giống lúa kháng sâu rầy, chịu được độ mặn. phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Sáu là, tiếp tục tăng cường đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phân bổ vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác có liên quan để hỗ trợ huyện triển khai thực hiện tốt các tiêu chí cần nguồn vốn lớn; tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang, các công trình thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng.
Bảy là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tập trung vào các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, thủy sản. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng công nghiệp đột phá về năng suất chất lượng, giá thành nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thu mua và chế biến sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm kích thích nông hộ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Có chính sách ưu tiên doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của nông dân; xây dựng các thương hiệu về lúa sạch, tôm sạch theo hướng thị trường hàng hóa.
Tám là, tài chính là yếu tố quan trọng trong hỗ trợ sản xuất của nông hộ, do đó hệ thống ngân hàng nên có chính sách cho vay phù hợp với từng đối tượng để kích
thích sản xuất, giảm bớt rủi ro, vì hầu hết người nuôi cần lượng vốn nhất định; nuôi tôm đất-lúa phần lớn hộ chưa giàu có hộ nghèo hoặc cận nghèo, nếu vay ngoài thì lãi suất cao, không hiệu quả. Đối với tôm càng xanh và tôm biển, đặc biệt là tôm biển quảng canh-nuôi xen cần lượng vốn lớn để nâng cao năng suất, đây là điều kiện tiên quyết.
Chín là, đối với nông hộ nên vào tổ hợp tác, hình thành ban quản lý vùng nuôi, tuân thủ khuyến cáo của ngành thủy sản về lịch thời vụ; chọn giống phải qua kiểm định chất lượng; theo dõi chặt diễn biến về môi trường, dịch bệnh để kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng khi có dấu hiệu nhiễm bệnh; thực hiện nghiêm quy trình xử lý về môi trường.
Mười là, nuôi xen vụ phù hợp với từng địa hình tôm đất - lúa – cá; tôm biển – lúa - cua; tôm càng xanh - lúa- cá rô phi; tôm biển - lúa - cá, cua… để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Khai thác tốt vùng đất sản xuất vụ tôm - lúa -tôm ở các xã: Mỹ An, An Thạnh, An Điền, An Thuận, An Qui và An Nhơn; đồng thời mở rộng diện tích lúa - tôm ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh. Tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, xuống giống đồng loạt, cùng chủng loại, tạo ra một số lượng lớn hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng thương hiệu lúa sạch Thạnh Phú để quảng bá mở rộng thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua hình thức sản xuất theo hợp đồng.