Có thể thấy trong sự nghiệp thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tồn tại nhiều kiểu quan niệm nghệ thuật về con người. Tuy nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm là một kiểu nhà Nho điển hình trong thời kì trung đại, do đó con người trong thơ ông chủ yếu là con người nhân cách. Đó là nhân cách con người an phận, con người biết xử lý tốt đẹp mối quan hệ hành – tàng, xuất – xử, và con người ý thức đạo đức.
1.4.1.1. Con người an phận
Sinh trưởng trong xã hội loạn lạc, lại là con người ý thức sâu sắc về thời cuộc và nhân tình thế thái, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bày tỏ phản ứng của mình bằng cách sống an phận, tùy thời. Đó không phải là lối sống tiêu cực mà là phương cách bảo toàn thân danh, giữ tròn mối đạo đức của nhà Nho hiểu thuật quyền biến, biết lẽ đạo trung dung.
Là nhà tư tưởng lớn trong thời đại mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thức rõ quy luật biến dịch trong cuộc đời, rằng không có sự thịnh mãn nào là vĩnh cửu. Cho rằng phú quý chỉ là giấc mộng, lợi danh là thứ hư nguy, ông khuyên con người ta nên yên phận mà giữu lấy đạo. Hơn ai hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức rõ thời đại của mình là thời đại đảo điên, đồng tiền đã trở thành biểu trưng của sức mạnh địa vị xã hội và quyền lực kinh tế. Ông quan niệm muốn giữ được phẩm cách phải tránh xa vòng đua tranh bon chen danh lợi. Do đó, con người nên cố tư tưởng an phận, không nên nhọc đua tranh:
Mấy người phú quý nên an phận
(Bạch Vân quốc ngữ thi – Bài 28) Đề cao tư tưởng an phận, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ thái độ chống lại lối sống danh lợi, ích kỷ. Tư tưởng “An bần lạc đạo” của ông cũng như của Trang Tử đều xuất phát gtừ niềm tin đối với thiên mệnh. Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên con người ta yên với mệnh trời. An phận theo Nguyễn Bỉnh Khiêm
còn là đức tính khiêm chu, không cậy tài với người đời mà lão Tử từng khuyên dạy.Đó là nét nhân cách cao quý của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là thái độ sống tích cực trước thời cuộc ngang trái, cương thường đảo lộn bấy giờ. Xét cho cùng, tư tưởng an phận của ông cũng là một cách phản ứng của nhà Nho tiết tháo đối với tư tưởng vụ lợi, ham danh tham tài của người đời.
1.4.1.2. Con người biết xử lý tốt đẹp mối quan hệ hành tàng, xuất xử
Là nhà Nho chính thống và là một nhà Nho uyên bác, Nguyễn bỉnh Khiêm ý thức rõ trách nhiệm cuả một Nho sĩ là phò vua trị nước theo chủ trương “nhập thế hành đạo” mà Khổng Phu Tử đề ra. Người quân tử sinh ra ở đời phải lập thân giương danh, đem hết tài đức ra phụng sự vương triều, đất nước. Từ nhỏ thấm nhuần thánh điển Nho gia, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy đạo Nho làm chuẩn mực sống ở đời. Chí lớn của ông là cái chí nhập thế, muốn được cống hiến sức lực tài năng của mình cứu nước cứu dân. Nhưng khi đứng trước những mâu thuẫn của chế độ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như rất nhiều nhà Nho trước và sau ông không thực hiện được lý tưởng chính trị của mình, đã phải lựa chọn học thuyết Lão Trang làm cơ sở cho việc lui quan, lánh đời của mình. Dẫu vậy, lựa chọn đó không bao giờ dễ dàng đối với nhà Nho. Mâu thuẫn giữa lý tưởng hành đạo với hiện thực khách quan đẩy nhà Nho tới chỗ phải rời bỏ chính trường trong tâm trạng bất đắc chí. Ngay cả khi tự nguyện lựa chọn con đường ẩn dật, xa lánh đường công danh để tỏ cái chí thanh cao thì khát vọng giúp đời của họ không phải là đã nguội lạnh hoàn toàn.
Không day dứt, trăn trở như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thái độ dứt khoát khi lựa chọn con đường trở về:
Cầu lui đường lợi khôn đi, đỗ Rộng hẹp lòng nhân mặc nghỉ ngơi
(Bạch Vân quốc ngữ thi – Bài 24) Cái lẽ tùy thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm là đáng xử thì cần phải xử, khi cần xuất thì cần phải xuất, khi thấy mình không thể làm gì cho đất nước giữa
bọn nịnh thần đang khống chế vương triều, ông trả ấn, mũ, lại trở về mây trắng Trung Am, vầng trăng sông tuyết. Thà sống cảnh thanh nhàn mà vui với đạo lý tâm hồn thanh thản với gió mát trăng thanh, với câu thơ chén rượu còn hơn nhọc nhằn với đua tranh với bọn tham quan tài hèn đức mọn. Đó chinh là chỗ thức thời, biết chọn thời điểm hành – tàng của nhà Nho có khí tiết:
Quân tử niệm đời nơi xuất xử
(Bạch Vân quốc ngữ thi – Bài 42)
1.4.1.3. Con người ý thức đạo đức
Nguyễn Bỉnh Khiêm được mệnh danh là nhà thơ của đạo lý. Thơ đạo lý chiếm một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp thơ của ông. Ở mảng thơ này, những vấn đề chính yếu nhất trong cương thường, trong đời sống đạo lý dân tộc xoay quanh các mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, họ hàng, bạn bè… được Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập một cách phong phú, sâu sắc. Ông khuyên răn con người sống khoan hòa, nhân ái trong gia đình và cả cộng đồng làng xóm. Vì thế thơ của ông đậm chất giáo huấn. Giữa thời cuộc ngang trái, đảo điên, Nguyễn Bỉnh Khiêm ra sức giữ gìn thế đạo, phong tục. Có thể nói, ông là nhà thơ rất ý thức về đạo đức. Nội dung cương thường trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được quan niệm một cách rộng rãi hơn. Trong đó cách hiểu ở nơi thôn xã thân thuộc, cách hiểu mang nhiều nét quan tâm đến nhau, nương tựa nhau, thương yêu nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Con đối với cha mẹ lúc già yếu là sự chăm sóc. Anh em đối với nhau là tình thương máu mủ. Chồng vợ đối với nhau là tin là tình nghĩa tao khang, sự gắn bó thông cảm. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh đạo hiếu sinh và tấm lòng từ thiện của con người:
Đế đức bản hiếu sinh Thân vật manh sát lục
(Đức của trời vốn hiếu sinh
Nên thận trọng chớ giết nhau bừa bãi)
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến những cuộc tranh giành ganh đua của người đời, không ai chịu thua ai, giằng co vất vả để rồi cùng đau khổ cả. Việc đời thành bại không biết đâu mà tính được. Kẻ yếu có lúc trở nên quật cường, để rồi nghênh ngang hợm hĩnh, kẻ mạnh cũng có lúc sa cơ thất thế mà phải nhục nhã ê chề. Trong cuộc đua tranh người đời dùng đủ mánh khóe để
phỉnh phờ dọa nạt, lòe đời, nịnh đời đã thành một định luật ở cõi thế gian:
Cáo đội oai hùm mà nát giống
Ruồi nương đuôi ký luống khoe người
Hiểu đời sâu sắc như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng đối với người
đời phải có nhân đức, lánh xa điều gian ác Ở có đức lành hơn là dữ.
Người đời hèn hạ ta phải giữ một phẩm cách thanh cao, gặp điều rủi cũng như gặp điều may, tiếng khen cũng như tiếng chê, bao giờ tâm hồn cũng phải thản nhiên, trong sáng. Phải lấy lòng thương người mà đối đãi với người đồng loại hơn là chỉ hằn học đua tranh. Và cuối cùng chỉ có cái “đức” là đáng chuộng, cái đức có thể động đến trời và trời không bao giờ phụ kẻ có đức. Vậy ở đời không nên kể mình giàu hay nghèo, giàu đừng kêu, nghèo đừng oán, hễ có phúc thì có phần.
Ta nhận thấy cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy đời bằng một giọng rất khoan hòa, nghiêm trang và hồn hậu, không một chút tự đắc, chỉ mong cải thiện cho kẻ khác. Cụ vẫn tin rằng con người còn có thể giáo hóa được. Cụ không mong dùng những lời khuyên răn của mình ép buộc kẻ khác phải noi theo, nhưng chỉ nhắn nhủ đời một cách nhẹ nhàng nên sống hợp với đạo đức nhân nghĩa để mong được hưởng lộc trời.