Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thị trấn sa pa, huyện sa pa, tỉnh lào cai giai đoạn 2011 đến 2013 (Trang 36 - 42)

4.1.1.1 Điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường

a) Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Thị trấn Sa Pa là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá của huyện vùng cao Sa Pa, với diện tích là 2.368,00 ha, chiếm 3,55% diện tích tự nhiên của huyện, bao gồm 23 tổ dân phố.

- Phía Bắc thị trấn giáp xã Bản Khoang và xã Tả Phìn. - Phía Đông thị trấn giáp xã Sa Pả.

- Phía Nam thị trấn giáp xã Lao Chải. - Phía Tây thị trấn giáp xã San Sả Hồ.

Là trung tâm huyện lỵ, thị trấn Sa Pa cách thành phố Lào Cai 38 km, cách thành phố Hà Nội 390 km đường bộ. Quốc lộ 4D là tuyến giao thông huyết mạch nối thị trấn Sa Pa giữa hai vùng kinh tế Đông Bắc và Tây Bắc đi cửa khẩu quốc tế Lào Cai, đã tạo cho Sa Pa những điều kiện thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội.

Mặt khác thị trấn Sa Pa còn là khu du lịch, nghỉ mát nổi tiếng ở vùng Tây Bắc Việt Nam, tuyến du lịch quan trọng trong nước và quốc tế.

Địa hình, địa đạo:

Nằm trong khu vực địa hình có nhiều núi cao và độ dốc lớn, thị trấn Sa Pa là đô thị có độ cao lớn nhất trong các đô thị của cả nước. Độ cao trung bình từ 1.300 – 1.650m so với mực nước biển, điểm cao nhất nằm ở phía Tây của thị trấn với độ cao là 2.515m, sau đó thấp dần về phía Đông Nam (điểm thấp nhất có độ cao 1.150m).

Khí hậu:

Sa Pa nằm sát chí tuyến trong vành đai á nhiệt đới Bắc bán cầu, có khí hậu ôn đới lạnh với hai mùa điển hình. Mùa hè mát mẻ, mưa nhiều; mùa đông lạnh giá, nhiều sương mù và mưa phùn, có năm xuất hiện tuyết.

Sông suối, thuỷ văn:

Nằm trong lưu vực của 2 hệ thống suối chính là suối Đum và suối Bo, khu vực thị trấn Sa Pa có nhiều khe suối nhỏ chảy theo hướng Bắc – Nam, đổ xuống suối Mường Hoa và cung cấp nước cho hồ Xuân Viên.

Nhìn chung về nguồn nước trên địa bàn thị trấn đủ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Về mùa khô, nguồn nước ít hơn, cần sử dụng hợp lý và tiết kiệm.

b) Các nguồn tài nguyên:

Tài nguyên đất:

Kết quả điều tra thực địa và tham khảo tài liệu bản đồ thổ nhưỡng huyện Sa Pa đã xác định thị trấn Sa Pa gồm các loại đất sau:

- Đất Feralit mùn vàng nhạt và đất Feralit mùn vàng đỏ phát triển trên nền đá Mắc ma axit, chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam.

- Đất mùn Alit trên núi cao, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại đất của thị trấn.

Tài nguyên nước:

+ Nước mặt: Thác bạc và hệ thống suối nhỏ, hồ, ao là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong thị trấn.

+ Nước ngầm: Nước ngầm của thị trấn nằm sau, khó khai thác sử dụng.

Tài nguyên rừng:

Diện tích đất có rừng của thị trấn Sa Pa là 1471,36 ha chiếm 59,98% diện tích tự nhiên. Trong đó rừng trồng chiếm 32,78% diện tích đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên chiếm 67,22%.

Tài nguyên khoáng sản:

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện địa chất và khoáng sản, thị trấn Sa Pa có quặng Đô lô mít với hàm lượng MgO dao động từ 16 – 21%. Ngoài ra thị trấn còn có quặng Molipdel ở Ô Quý Hồ.

Tài nguyên nhân văn:

Thị trấn Sa Pa được thành lập năm 1903, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2014, dân số có 9589 người gồm 7 dân tộc anh em sinh sống. Do có nhiều dân tộc cùng chung sống nên phong tục tập quán đa dạng và phong phú, người H’Mông có chữ viết riêng.

c) Thực trạng môi trường:

Trong quá trình khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tập quán sinh hoạt của người dân chưa hợp lý gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

4.1.1.2 Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

a) Tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế được duy trì, ổn định và phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá cao, bình quân hàng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn Sa Pa 9,15%, tổng sản phẩm đạt trên 1.500 tỷ đồng.

b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Thị trấn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu trong nông - lâm nghiệp, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.

Năm 2013 cơ cấu kinh tế của thị trấn đạt kết quả như sau:

+ Du lịch, dịch vụ: 70%,

+ Nông lâm nghiệp và thuỷ sản: 20%

c) Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

- Trong những năm qua thực hiện cơ chế mới, kinh tế của thị trấn có mức tăng trưởng bình quân 10 – 11%/năm có cơ cấu dịch vụ, nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

- Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa ổn định, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng và chịu sự chi phối bởi các yếu tố thời tiết, dịch bệnh… Dịch vụ du lịch được coi là mũi nhọn của nền kinh tế song phát triển tự phát và ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế.

d) Dân số, lao động, việc làm và thu nhập:

Dân số:

Theo số liệu của UBND thị trấn Sa Pa thì đến 1/1/2014 thị trấn có 2.670 hộ, với 9589 nhân khẩu, bình quân 3,59 người/hộ. Mật độ dân số của thị trấn 395 người/km2, cao gấp 1,27 lần mức bình quân chung của toàn huyện (của toàn huyện là 81,8 người/km2). Năm 2013 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,2% (của huyện là 1,97%).

Lao động việc làm:

Tổng số lao động của thị trấn Sa Pa năm 2013 có 5.904 người, chiếm 63,0% dân số, trong đó nhiều lao động từ các nơi khác đến làm việc. Do tính chất đặc thù của thị trấn du lịch, nghỉ mát nên lực lượng lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối cao, khoảng 70% tổng số lao động.

Đời sống dân cư:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, UBND thị trấn và sự nỗ lực của nhân dân, nền kinh tế thị trấn đã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể, từ 6,1 triệu đồng/người năm 2006 và đạt 40 triệu đồng/người năm 2013. Số hộ nghèo năm 2013 của thị trấn là 109 hộ.

e) Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng: Giao thông:

Hệ thống giao thông đường bộ của thị trấn đã được quan tâm đầu tư nâng cấp khá hoàn chỉnh và đồng bộ, bao gồm:

+ Quốc lộ 4D là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng, qua địa bàn thị trấn dài 12 km, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường được trải nhựa.

+ Giao thông đô thị được phân bố khá dày và hợp lý, chiều dài các tuyến trên 40,0 km. Đường đô thị được nâng cấp, cải tạo theo tiêu chuẩn đường đô thị loại IV.

Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường:

+ Cấp nước sinh hoạt: Thị trấn được cấp nước từ Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch với dung tích 1.500 m3

.

+ Thoát nước thải và vệ sinh môi trường: Khu vực trung tâm thị trấn đã được cải tạo và xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cống thoát nước chạy dọc theo hai bên các trục chính.

Điện:

Thị trấn Sa Pa sử dụng điện lưới quốc gia dây 35 KV được nối từ Thành phố Lào Cai. Mạng lưới điện phân phối bao gồm 2 tuyến 10 KV (AC – 35) và đường dây 220V cung cấp điện cho 100% số hộ trên địa bàn.

Giáo dục và đào tạo:

Trong những năm qua có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học được nâng cao. Năm 2013 trên địa bàn có 13 trường: 01 trường trung học cơ sở, 02 trường PTCS liên cấp, 01 trường dân tộc nội trú, 01 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, 02 trường nghề, 01 trường THPT, 01 trường tiểu học và 03 trường mầm non.

Y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Trên địa bàn thị trấn có Bệnh viện đa khoa huyện với 80 giường bệnh, 2 phòng khám đa khoa với 50 giường bệnh và một trạm y tế.

Văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hoá, thông tin – truyền thanh được tăng cường về phương tiện, nội dung và hình thức hoạt động. Năm 2013 toàn thị trấn có 2.140 hộ, chiếm 79% số hộ toàn thị trấn đạt gia đình văn hóa, 18/23 tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá.

c) Thực trạng phát triển đô thị

Một số công trình cơ bản đã và đang được xây dựng với kiến trúc hiện đại. Giao thông đô thị đã và đang hình thành các tuyến phố. Mạng lưới điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, ngân hàng, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí… được đầu tư nâng cấp, xây mới.

4.1.1.3 Đánh giá chung vềđiều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường

Lợi thế:

- Thị trấn Sa Pa diện tích khá rộng (2.368,0 ha). Đất đai thích hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi, có nguồn lao động dồi dào, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhiều thuận lợi.

- Thị trấn Sa Pa có môi trường trong lành, phong cảnh thiên nhiên đẹp, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Vì vậy, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cũng như thu hút người dân đến kinh doanh dịch vụ.

Hạn chế:

- Là một thị trấn vùng cao, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khả năng giao lưu trao đổi hàng hoá còn nhiều hạn chế. Trình độ văn hóa không đồng đều do có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân cư phân bố không đều, tập trung ở trung tâm của thị trấn. Gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình quản lý và sử dụng đất.

- Do địa hình cao dốc, đất đai hay bị xạt lở, xói mòn rửa trôi nên cần có biện pháp để bảo vệ.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thị trấn sa pa, huyện sa pa, tỉnh lào cai giai đoạn 2011 đến 2013 (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)