14 Nội dung cần thông báo để dân biết
3.2.2. Phát huy dân chủ phải gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
thần của nhân dân
Một trong những biểu hiện của đời sống vật chất, tinh thần là mức độ sử dụng và hưởng thụ những thành quả lao động trí óc và chân tay phục vụ nhu cầu sống và phát triển của con người trong hiện tại, được biểu hiện cụ thể ở các mặt như: mức độ thu nhập, các điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt, đi lại, việc làm, chăm sóc sức khỏe, trình độ văn hóa, chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật... Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có ý nghĩa rất lớn, đó chính là những đảm bảo quan trọng cho việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Con người nói chung, phải đạt đến một phát triển vật chất nào đó mới có thể có điều kiện để nhận thức và "thưởng thức" những giá trị tinh thần, trong đó có giá trị của quyền tự do và dân chủ. Một khi chưa được giải phóng ra khỏi những yêu cầu tối thiểu của đời sống vật chất, thì tự do và dân chủ đối với họ không có ý nghĩa bằng miếng cơm, manh áo hàng ngày và khi đó, các giá trị tự do, dân chủ nếu được Nhà nước ghi nhận thì chúng cũng sẽ trở thành hình thức.
Phải thừa nhận rằng, mặc dù đã qua 19 năm đổi mới nhưng đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, vùng, miền của nước ta vẫn còn kém phát triển. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu mưu sinh của đồng bào chứ chưa nói đến yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống của nhân dân còn thiếu thốn cả về mặt vật chất và tinh thần. Nhiều vùng còn đói giáp hạt, thiếu lương thực. Số hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu hơn nữa (điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi...), nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, và phải có cơ chế kiểm soát tính hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư đó. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước cũng cần phải giải quyết một cách căn bản các yếu tố lao động, nghề nghiệp và lợi ích.
Bên cạnh yếu tố vật chất thì đời sống tinh thần của nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, đời sống văn hóa của đa số các vùng, miền trên đất nước ta còn nghèo nàn, ít thay đổi. Người dân nhiều nơi chưa và khó có điều kiện tiếp cận với thông tin, báo chí của Đảng và Nhà nước. Trình độ dân trí chưa được cải thiện là bao, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa đang có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với vùng đồng bằng, thành thị. Do đó, để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, Đảng và Nhà nước cần phải hình thành một chiến lược phát triển văn hóa - xã hội thật sự có hiệu quả, ưu tiên nhiều cho những vùng khó khăn, kém phát triển. Trước mắt, Nhà nước sớm đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá nhà nước từ tỉnh đến xã hoàn chỉnh, như hệ thống nhà văn hoá, thư viện (huyện, xã), các tụ điểm sinh hoạt văn hoá ở khu dân cư và ở các cơ sở tôn giáo, dân tộc phù hợp với từng địa phương, và phải có cơ chế để đảm bảo cho các thiết chế này hoạt động có hiệu quả, tránh tình trạng không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng như ở một số địa phương hiện nay. Đầu tư phát triển văn hóa, về cơ bản là đầu tư nâng cao dân trí, việc đầu tư như vậy cần sự kết hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội mới có thể đạt được kết quả cao.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao chính là tiền đề để người dân nhận thức đúng đắn các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và từ đó họ mới có điều kiện tham gia giải quyết các công việc của nhà nước và phát huy nội lực của bản thân để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đại phương nói riêng và của đất nước nói chung.