14 Nội dung cần thông báo để dân biết
3.1.1. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tư tưởng nhà nước pháp quyền là một tư tưởng chính trị - pháp lý tiến bộ, ra đời từ rất lâu và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong suốt lịch sử phát triển của nhà nước và pháp luật thế giới. Nó được coi là một thành tựu của văn minh nhân loại. Ngày nay, mô hình nhà nước pháp quyền được nhiều nhà khoa học đánh giá là một mô hình tối ưu để quản lý xã hội trong điều kiện một thế giới hiện đại và phát triển không ngừng như hiện nay. Xây dựng nhà nước pháp quyền tức là xây dựng một nhà nước dân chủ, trong đó pháp luật và con người giữ địa vị tối cao. Trong xã hội đương đại, mỗi một quốc gia muốn ổn định và phát triển thì tất yếu phải xây dựng cho mình một nhà nước pháp quyền. Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu đó.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân, vì dân" và "xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng" là một nội dung quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta [16, tr. 48; 131]. Nhà nước pháp quyền mà chúng ta hướng tới là nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước pháp quyền vì con người, coi con người là mục tiêu và giá trị cao nhất. Nhà nước pháp quyền đó có một số đặc điểm cơ bản sau: pháp luật giữ vị trí tối cao trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội; bộ máy nhà nước luôn được tổ chức và hoạt động trên cơ sở và nhằm thực thi pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật thường xuyên được hoàn thiện theo các tiêu
chí: toàn diện, đồng bộ, khoa học, thực tiễn; giữa nhà nước và công dân có mối quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, bình đẳng về trách nhiệm pháp lý khi hai bên có hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; công dân có quyền hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm và mở rộng các quyền và lợi ích hợp pháp đó; nhà nước tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hay tham gia.
Có thể khẳng định rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta là một yêu cầu có tính bắt buộc nếu như chúng ta muốn ổn định và phát triển, muốn tiến kịp các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, xây dựng thành công nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ hết sức nặng nề và lâu dài, đòi hỏi phải giải quyết tốt từng khâu, từng nhiệm vụ khác nhau trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, trong đó có một yêu cầu hết sức quan trọng, mang tính cốt lõi, là phải không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước. Bởi vì, xét về bản chất, nhà nước pháp quyền chính là một nhà nước dân chủ hiện đại, trong đó các quyền dân chủ của người dân không ngừng được mở rộng và đảm bảo trên thực tế.
Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở là một chế định pháp luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và thực hiện nền dân chủ XHCN. Do vậy, hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở là yêu cầu tất yếu, khách quan của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở có nghĩa là phải làm cho chế định này trở thành một "bảo bối" của nhân dân, thực sự bảo vệ được các quyền tự do, dân chủ của họ, và góp phần tăng cường sự vững mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy được nội lực của toàn dân vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.