Hội đồng nhân dân các cấp
Quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị quan trọng, thông qua quyền bầu cử, người dân trực tiếp lựa chọn ra các đại biểu xứng đáng của mình để thay mặt họ mà thực thi quyền lực nhà nước trong phạm vi chức trách, quyền hạn được ủy quyền. Quyền này đã được cụ thể bằng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nhìn chung, các đạo luật bầu cử hiện hành đã chế định được các nguyên tắc bầu cử dân chủ như: phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tuy vậy, quá trình thực hiện bầu cử đã nảy sinh một số vấn đề bất cập đó là: Trong rất nhiều trường hợp sự hiểu biết của cử tri đối với các ứng cử viên là hạn chế, cử tri không những không biết về phẩm chất, năng lực cá nhân của các ứng cử viên mà còn không thể biết được chương trình hành động cụ thể của mỗi ứng cử viên khi được bầu để có cơ sở kiểm nghiệm hoạt động của đại biểu trên thực tế; khả năng lựa chọn đại biểu trong số ứng cử viên của cử tri bị hạn chế bởi tỷ lệ chênh lệch giữa đại biểu được bầu và ứng cử viên trong danh sách bầu là quá thấp; nhiều đại biểu sau khi trúng cử còn lúng túng trong việc thực hiện trách nhiệm đại biểu của mình do chưa có sự chuẩn bị ...
Để quyền bầu cử của công dân được thực hiện tốt hơn, mang lại hiệu quả thiết thực của việc ủy quyền cho người đại diện, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng tạo nhiều điều kiện và khả năng cho cử tri trực tiếp lựa chọn các đại biểu của mình; xây dựng cơ chế pháp lý cụ thể cho các hoạt động tranh cử của các ứng cử viên để tránh cục bộ địa phương hoặc lợi dụng diễn đàn này phục vụ cho những mục đích khác; có quy định cụ thể về thủ tục kê khai và công khai tài sản của các ứng cử viên.