Tình hình kinh tế vĩ mô: Trong thời gian qua kinh tế nước ta có biến động do sự không ổn định của kinh tế vĩ mô như khủng hoảng, lạm phát tương đối cao, sự phục hồi yếu của kinh tế thế giới cũng như khủng hoảng nợ công xảy ra ở Châu Âu làm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2011 chỉ đạt 5,89% thấp thứ hai tốc độ tăng trưởng trung bình tính từ năm 2000. Trong bối cảnh đó, công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam tuy vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về doanh thu song những vấn đề kinh niên của nền kinh tế vĩ mô kéo dài đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Tỷ giá hối đoái: Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá mua – bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng tăng 5,52%. Ngày 11/02/2010, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá chính thức USD/VND từ 17.941 lên 18.544. Ngày 11/02/2011 Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng tỷ giá liên ngân hàng từ 18.932 VND/1USD lên 20.693 VND/1USD đồng thời thu hẹp biên độ giao động từ 3% xuống còn 1%. Với mức nâng tỷ giá này, tỷ giá trần được phép giao dịch tăng lên tới 21.314 VND/1USD. Giai đoạn 2009 - 2011, khi tỷ giá biến động tăng, đồng nội tệ giảm giá, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của công ty được hưởng lợi. Điều này, đã làm tăng lợi nhuận thu được từ xuất khẩu khoáng sản của công ty. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, việc tăng giá bán của những mặt hàng khoáng sản xuất khẩu của công ty nói chung còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về trình độ khoa học, kỹ thuật, trong khi đó phần lớn máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác khai thác, chế biến đều là các mặt hàng nhập khẩu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng như giá xăng, dầu…dẫn đến chi phí cố định và các chi phí phát sinh khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên.
Đối thủ cạnh tranh: Công ty phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong cùng lĩnh vực: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản Hà Nam, công ty cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (MINEXPORT), công ty TNHH sản xuất và thương mại khoáng sản Ban Mai,…Đây đều là những doanh nghiệp lớn, có đóng góp cao vào kim ngạch xuất nhập khẩu khoáng sản.
Trình độ của đội ngũ lao động: Đội ngũ nhân viên trẻ, tốt nghiệp các trường đại học trong nước là chủ yếu. Phần lớn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Chất lượng hàng hóa: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty. Các năm tới với việc xác định mở rộng thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là hướng phát triển, công ty đã tập trung đầu tư cở sở vật chất, nhập khẩu công nghệ nguồn từ các nước tiên tiến: Mỹ, Nhật Bản để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô. Nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận đồng thời tuân thủ theo đúng định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu của nhà nước.
Hoạt động marketing: Hiện nay, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động này. Thứ nhất, công ty chưa thành lập được phòng marketing, các hoạt động này được thực hiện hoàn toàn ở phòng kinh doanh, do vậy hiệu quả đem lại chưa cao. Thứ hai, việc các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều kể cả các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, ở các doanh nghiệp này hoạt động marketing được phát triển rất mạnh mẽ.
Chính sách quản lý chi phí của doanh nghiệp: Các quy định về tiết kiệm điện, nước, điện thoại, quản lý sản phẩm được triển khai trong toàn thể công ty nhằm tránh thất thoát, lãng phí.
Uy tín của doanh nghiệp: Là giá trị tài sản vô hình công ty xây dựng được trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm ở các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc công ty đã tạo dựng được hình ảnh và chỗ đứng của mình trong mắt các bạn hàng quốc tế. Đây là cơ hội để công ty phát triển các mối quan hệ với bạn hàng lâu năm, đồng thời thu hút các bạn hàng mới.