TIÊU CHÍ NHẬN DIỆN CÂU CẦU KHIẾN TIẾNG VIỆT 1 Các quan điểm nghiên cứu câu cầu khiến
1.2. Lí thuyết hành động ngôn từ và việc nghiên cứu câu cầu khiến
1.2.1. Hành vi ngôn ngữ
Như ở chương trước chúng ta đã nói, thành công vĩ đại nhất của J.L.Austin là ông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của lí thuyết hành động ngôn từ (hành vi ngôn ngữ). Austin cho rằng hành vi ngôn ngữ gồm ba loại: hành vi tạo lời, hành vi mượn lời và hành vi tại lời. Trong ba loại đó thì hành vi tại lời là đối tượng nghiên cứu trung tâm của ngữ dụng học.
Hành vi tại lời là những hành vi người nói thực hiện ngay khi nói năng. Hiệu quả của chúng là những hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra một phản ứng tương ứng ở người nhận. Chẳng hạn như, khi tiếp nhận hành vi cầu khiến, người nghe nhất định phải hồi đáp lại bằng một hành động tương ứng (có thể là hành động ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ).
Theo O. Ducrot, các hành vi ở lời có hiệu lực thay đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại. Chúng đặt người nói và người nghe vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng của họ trước khi thực hiện hành vi
tại lời đó. Tác động hầu như buộc vai nghe phải hồi đáp lại đối với một hành động tại lời trong câu nói ra được gọi là hiệu lực tại lời.
Nhờ lí thuyết hành vi ngôn ngữ mà ngữ pháp hiện đại phát hiện ra rằng: trần thuật, cầu khiến, hỏi... chỉ là một trong số rất nhiều các hành vi ngôn ngữ. Và cũng chính lí thuyết này làm cho hệ thống câu chia theo mục đích nói của ngữ pháp truyền thống là không hợp lí. Cách phân loại của ngữ pháp truyền thống là dựa trên hai tiêu chí: hành vi tại lời (hành động ngôn trung) và dấu hiệu hình thức. Nhưng như đã có dịp nói trên đây, giữa hai mặt này của một câu không phải bao giờ cũng có sự tương ứng 1 – 1. Hơn nữa, hành vi tại lời của con người là rất phong phú chứ không chỉ bao gồm mấy loại: hỏi, trần thuật, cầu khiến.
1.2.2.Hành vi cầu khiến
J.L. Austin đã tiến hành phân loại các hành vi tại lời thành năm phạm trù: phán xử (verditives), hành xử (exercitives), cam kết (commissives), trình bày (expositives), ứng xử (behave). Ông đã phân loại các hành vi tại lời này theo động từ nói năng.
Tuy nhiên, hệ thống phân loại được nhiều người thừa nhận nhất lại là hệ thống phân loại của J. Searle (1977). Ông đã chỉ ra nhược điểm của Austin là dựa trên những tiêu chí chồng chéo nhau nên đã có những yếu tố không tương hợp bị xếp vào một nhóm, hoặc là một hành vi có thể xếp được vào hai nhóm khác nhau. J. Searle đã đưa ra 12 điểm khác biệt giữa các hành vi ngôn ngữ và chọn 4 tiêu chí cơ bản trong số đó làm cơ sở để phân loại. Bốn tiêu chí cơ bản theo ông là:
- Đích tại lời.
- Hướng khớp ghép hiện thực – lời. - Trạng thái tâm lí.
Dựa vào bốn tiêu chí này, ông đã chia các hành vi ngôn ngữ thành năm loại: xác tín (assertives), điều khiển (directives), cam kết (commissives), biểu cảm (expressives), tuyên bố (declaratives).
Kết quả phân loại của J. Searle là một đóng góp hết sức quan trọng. Có thể nói rằng kết quả phân loại này đã mở ra một con đường mới trong việc nghiên cứu các loại câu chia theo mục đích nói. Các nhà ngôn ngữ học hiện đại đã tìm thấy những sự tương hợp nhất định giữa nội dung của các loại câu cầu khiến và các hành vi tại lời thuộc nhóm điều khiển (directives) trong hệ thống phân loại của Searle. Hay nói cách khác theo hệ thống phân loại của Searle thì nhóm các hành vi điều khiển chính là các hành vi cầu khiến trong ngôn ngữ học hiện đại. Theo đó, cầu khiến được quan niệm là những phát ngôn mà người nói nói ra nhằm hướng người nghe đến việc thực hiện một hành động nào đó. Vì theo ông, các hành vi điều khiển là các hành vi đạt được bốn tiêu chuẩn sau:
- Đích tại lời, tức mục đích của hành vi là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai.
- Hướng khớp ghép hiện thực – lời.
- Trạng thái tâm lí là sự mong muốn của người nói.
- Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nghe.
Thực chất các tiêu chí này đã được Searle đề cập đến khi nghiên cứu điều kiện sử dụng các hành vi tại lời
Tiêu chí đích tại lời tương ứng với điều kiện căn bản, đối với các hành vi cầu khiến đó là buộc người nghe vào trách nhiệm phải thực hiện hành động mà người nói đưa ra.
Tiêu chí trạng thái tâm lí tương ứng với điều kiện chân thành, các hành vi tại lời đòi hỏi ở người nói lòng mong muốn về hành động tương lai của người nghe.
Tiêu chí nội dung mệnh đề tương ứng với điều kiện nội dung nội dung mệnh đề trong các điều kiện thỏa mãn, đối với các hành vi cầu khiến nội dung mệnh đề một hành động của người nghe.
Tiêu chí hướng khớp ghép hiện thực – lời không có trong các điều kiện sử dụng và cũng không có các điều kiện chuẩn bị cho các hành vi thuộc nhóm cầu khiến trong hệ tiêu chí. Vì vậy, J. Searle đã bổ sung cho các hành vi thuộc nhóm cầu khiến những điều kiện chuẩn bị sau:
- Người nghe có khả năng thực hiện hành động. Hay ít ra là người nói cho rằng người nghe có khả năng thực hiện hành động.
- Nếu không cầu khiến thì cả người nói và người nghe đều không chắc chắn rằng người nghe sẽ thực hiện hành động.
Hệ thống phân loại, các điều kiện, các tiêu chí mà J.Searle đưa ra sẽ là bộ công cụ hết sức hữu hiệu để xác định nội dung hay chức năng điển hình của câu cầu khiến.
1.2.3. Hành vi ngôn ngữ gián tiếp
Một hành vi tại lời ứng với một hình thức tại lời thì hành vi đó gọi là hành vi tại lời trực tiếp. Chúng là các hành vi được sử dụng đúng với các điều kiện, đúng với đích ở lời của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người nói sử dụng một hành vi tại lời này nhưng lại nhằm đạt đến hiệu lực tại lời của một hành vi khác. J. Searle đã nghiên cứu rất kĩ loại hành vi này và gọi chúng là những hành vi ngôn ngữ gián tiếp.
Những phát hiện của J. Seaerle là một bước tiến quan trọng của việc nghiên cứu ngôn ngữ học theo hướng chức năng. Nhờ vậy mà ngôn ngữ học đã có cách nhìn mới hơn đối với loại câu chia theo mục đích nói. Một câu là trần thuật cũng có thể có lực ngôn trung là cầu khiến. Một câu có hình thức nghi vấn nhưng lực ngôn trung của nó có thể là khẳng định, phủ định hoặc đề nghị.
J. Searle nhấn mạnh rằng hiệu lực gián tiếp của các hành vi tại lời phụ thuộc rất mạnh vào hoàn cảnh giao tiếp (không gian, thời gian, người nói, người nghe, tri thức nền và tri thức chung của các nhân vật tham gia giao tiếp).
Đến đây, việc nghiên cứu câu cầu khiến trong hệ thống câu chia theo mục đích nói của ngữ pháp truyền thống đã bộc lộ rõ những bất cập. Theo các nhà ngôn ngữ học hiện đại, các nhà ngữ dụng học và ngữ pháp chức năng thì hành vi cầu khiến có thể được chuyển tải qua nhiều loại cấu trúc khác nhau. Các tác giả cho rằng, câu cầu khiến xét về mặt hình thức có 2 loại:
- Câu cầu khiến có hình thức điển hình là câu mà hiệu lực cầu khiến tại lời được chuyển tải bằng cấu trúc có phương tiện đánh dấu tính cầu khiến.
- Câu cầu khiến có hình thức không điển hình là những câu mà hiệu lực tại lời cầu khiến được chuyển tải bằng các cấu trúc khác như nghi vấn, hỏi, trần thuật, ngôn hành trong những ngữ cảnh cụ thể.
Như vậy, để phát hiện ra giá trị cầu khiến của các loại cấu trúc khác nhau, ngữ pháp chức năng không chỉ xem xét nội dung mệnh đề và các đặc điểm cấu trúc hình thức tương ứng mà còn nghiên cứu câu trong mối quan hệ với hoàn cảnh sử dụng. Ngữ pháp chức năng đã nhấn mạnh vai trò của ngữ cảnh trong việc sản sinh và tiếp nhận hành vi cầu khiến. Một câu có phải là cầu khiến hay không phải được xét trong ngữ cảnh, xét trong mối quan hệ giữa các câu xuất hiện trước và sau nó.
Chúng tôi hoàn toàn tán thành quan điểm này và sẽ đi sâu hơn ở phần tiếp theo.