2. Các yếu tố thể hiện tính lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt
2.2. Các yếu tố thể hiện tính lịch sự trong câu cầu khiến có cấu trúc gián tiếp
trúc gián tiếp
Sự khu biệt hành vi ngôn từ trực tiếp và gián tiếp được các nhà nghiên cứu về hành vi ngôn từ đề xuất chủ yếu dựa trên khái niệm “hàm ý hội thoại” của Grice. Theo họ, một hành động ngôn trung được coi là trực tiếp nếu người nói hiển ngôn bộc lộ ý định của mình mà không phải qua một quá trình suy ý nào cả. Ngược lại, một hành vi gián tiếp là hành vi mà muốn hiểu nó người nghe phải trải qua một quá trình suy ý, suy luận.
Đối với hành vi cầu khiến cũng vậy. Một hành vi cầu khiến được coi là gián tiếp nếu người nói che dấu ý định cầu khiến của mình dưới một hình thức ngôn trung khác mà để nhận thức được nó, người nghe phải thực hiện một quá trình suy luận. Như vậy, nếu nhìn từ phía người nói, mức độ trực tiếp hay gián tiếp của phát ngôn chính là chiều dài của con đường đi từ đích ngôn trung đến dạng thức cú pháp. Còn nếu nhìn từ phía người nghe, mức độ trực tiếp hay gián tiếp đồng biến với độ dài tương đối của con đường suy diễn mà người nghe cần thực hiện để từ dạng thức cú pháp của câu nhằm đạt đến đích ngôn trung.
Khi nghiên cứu về lịch sự, rất nhiều nhà nghiên cứu đã đồng nhất gián tiếp với lịch sự và coi đó như một phổ niệm. Các nhà nghiên cứu theo quan điểm này cho rằng, càng gián tiếp thì càng lịch sự. Điều này có đúng với tiếng Việt không và tại sao? Chúng tôi sẽ đi vào phân tích một số những ví dụ cụ thể để lí giải điều này.
Ví dụ:
1a.Anh có thể chuyển cho tôi lọ muối được không? b.Anh chuyển cho tôi lọ muối.
2a.Huệ cười, rồi ỏn ẻn nói trống không: - Đứng đây buồn chết.
- Trong nhà hơi bức. - Em quạt cho anh nhé?
(ÔC – TH - 22) b.Huệ cười, rồi ỏn ẻn nói trống không:
- Đi vào nhà đi. - Trong nhà hơi bức. - Em quạt cho anh nhé?
Hành vi cầu khiến ở câu 1a) không được biểu hiện trực tiếp bằng mệnh đề chính ở kiến trúc mệnh lệnh mà được suy ra gián tiếp nhờ tính quy ước của phương tiện biểu hiện. Các phương tiện quy ước được dùng để đánh dấu hành vi gián tiếp ở đây thường là các câu hỏi thông báo về ý muốn (Mẹ muốn con dọn nhà đi), câu hỏi về khả năng thực hiện hành động (Condọn nhà đi hộ mẹ được không?), câu hỏi về lí do (Sao con không dọn nhà đi hộ mẹ?), hay điều kiện chuẩn bị (Chị còn tiền đây không?)... Những phát ngôn cầu khiến thuộc nhóm này được tác giả Vũ Thị Thanh Hương gọi là gián tiếp bậc 1.
Còn những phát ngôn cầu khiến gián tiếp như ở ví dụ 2a) được tác giả gọi là những phát ngôn cầu khiến gián tiếp bậc 2, là những phát ngôn mà hành vi cầu khiến không được biểu hiện trực tiếp bằng mệnh đề chính ở kiến trúc mệnh lệnh hoặc được suy ra nhờ tính quy ước của các phương tiện biểu hiện mà được suy ra gián tiếp từ sự liên tưởng quy chiếu giữa sự vật, đặc trưng hay hành động được nói đến với ý định cầu khiến nhờ sự gợi ý của tình huống giao tiếp (Nhà cửa bề bộn quá! Ở đây ngột ngạt quá!)
Trong các ví dụ trên thì các phát ngôn 1a), 2a) là các phát ngôn lịch sự hơn. Trong cả hai phát ngôn này, người nói đều không sử dụng cách đề nghị
trực tiếp mà đã đề nghị người nghe thực hiện hành động một cách gián tiếp. Ở phát ngôn 1a) thay vì cầu khiến một cách trực tiếp người nghe thực hiện hành động chuyển cho mình lọ muối, người nói đã hỏi về khả năng thực hiện hành động của người nghe. Người nghe trải qua một quá trình suy luận chắc chắn tri nhận đây là một lời cầu khiến và sẽ thực hiện hành động. Người nói thực hiện một chiến lược giao tiếp lịch sự để đạt mục đích của mình. Trước khi đề nghị, người nói biết rằng người nghe hoàn toàn có khả năng thực hiện hành động, người nói chỉ lựa chọn cách nói gián tiếp để người nghe cảm thấy tính áp đặt của hành vi cầu khiến được giảm nhẹ đi bởi đây là hành vi mang lại lợi ích cho người nói, người nghe được quyền lựa chọn thực hiện theo khả năng của mình, không mang tính bắt buộc. Nó khác với phát ngôn cầu khiến 1b) mang tính bắt buộc hành động cao hơn.
Đối với phát ngôn cầu khiến 2a) cũng là một phát ngôn lịch sự hơn là cầu khiến trực tiếp thì người nghe phải trải qua một quá trình suy ý lâu hơn, người nói và người nghe phải đang có một sự hiểu biết chung về tình huống giao tiếp. Người nói muốn đi vào nhà nhưng không đề nghị người nghe một cách trực tiếp như ở 2b: Đi vào nhà đi mà đã chỉ ra cái bất lợi khi tiếp tục thực hiện hành động đang diễn ra: Đứng đây buồn chết. Người nghe tri nhận đựoc rằng người nói muốn đi vào nhà nên cũng đã chỉ ra cái bất lợi khi thực hiện hành động mà người nói đề nghị: Trong nhà hơi bức. Đáng lẽ để từ chối, người nghe chỉ cần nói Anh không muốn đi vào nhà. Như vậy, cả người nói và người nghe đều thực hiện các chiến lược giao tiếp lịch sự để đề nghị và từ chối hành động được đề nghị.
Cả hai hành vi cầu khiến ở ví dụ trên đều là các hành vi cầu khiến cạnh tranh, tức là hành vi cầu khiến mà người nói được lợi và người nghe bị thiệt. Và như vậy, tính gián tiếp đã làm cho các hành vi này trở nên lịch sự hơn.
3a.Trời ơi, mày có vào bưng đĩa thịt bò ra giùm tao một chút không? Làm gì mà đứng chết gí ngoài đó vậy?
(ĐRPN - ĐG - 8) Đối với ví dụ 3a) thì đây cũng là một hành vi cầu khiến gián tiếp, người nói đề nghị người nghe thực hiện hành động thông qua một câu hỏi mà không đề nghị một cách trực tiếp.
Ta có thể chuyển thành một phát ngôn trực tiếp như sau: 3b.Mày vào bưng đĩa thịt bò ra giùm tao.
Phát ngôn 3b) là một lời đề nghị trực tiếp một cách lịch sự nhờ có sự xuất hiện của trợ động từ giùm. Phát ngôn 3a) vẫn có sự hiện diện của trợ động từ giùm và là hành vi gián tiếp những vẫn không lịch sự bằng 3b). Sự gián tiếp ở đây không hàm ý sự cho phép lựa chọn mà thậm chí còn hàm ý một sự đe dọa làm tăng hơn mức áp đặt của hành động.
Sự khác biệt của ví dụ 3) so với ví dụ 1) và 2) chính là ở chỗ đây là hành vi cầu khiến hòa đồng, người nói được lợi và người nghe chịu thiệt.
Như vậy, đến đây chúng ta có thể kết luận rằng khi nghiên cứu về tính lịch sự của các hành vi gián tiếp trong câu cầu khiến tiếng Việt thì tính gián tiếp chỉ làm tăng mức lịch sự cho các hành vi cầu khiến cạnh tranh là hành vi mang lại lợi ích cho người nói mà không lịch sự hơn đối với nhữung hành vi cầu khiến hòa đồng, hành vi mà người nói được lợi và người nghe bị thiệt. Nói một cách khác, trong tiếng Việt, chức năng lịch sự của thức gián tiếp chỉ được thể hiện rõ ràng trong các câu cầu khiến cạnh tranh, gây thiệt cho người nghe và mang lợi cho người nói.
3. Tiểu kết
Khi nghiên cứu về lịch sự trong tiếng Việt chúng tôi nhận thấy rằng lịch sự trong cầu khiến tiếng Việt có rất nhiều điểm khác biệt so với phép lịch
sự được coi là phổ niệm trên thế giới. Điển hình là trong tiếng Anh thì cứ gián tiếp là lịch sự nhưng trong tiếng Việt, như chúng tôi đã phân tích ở trên, tình hình lại không hoàn toàn như vậy. Những điểm khác biệt này là do sự khác biệt về bản sắc văn hóa Việt Nam tạo nên. Theo người Việt cái chúng ta bao giờ cũng đẹp hơn cái tôi, người Việt luôn sống một cuộc sống hướng tới cộng đồng hơn là cuộc sống cá nhân. Đồng thời, áp đặt là không lịch sự nhưng cái lợi nhiều khi không đồng nghĩa với cái tốt, thậm chí còn đồng nghĩa với cái nhục và cái xấu.
Vì vậy để tránh áp đặt, người Việt thường sử dụng các yếu tố lịch sự khi cầu khiến. Trong cầu khiến trực tiếp, người Việt sử dụng các phương thức để làm giảm nhẹ tính áp đặt. Các từ ngữ xưng hô, các trợ động từ giúp, giùm, hộ, làm ơn, cho, các trợ từ xin, xin phép, cho phép, các thành phần phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhẹ tính áp đặt, tăng tính lịch sự cho lời cầu khiến.
Ngoài ra cũng để tăng tính lịch sự cho lời cầu khiến người Việt còn sử dụng cách nói vòng, tránh đề cập thẳng đến lợi ích bằng cách sử dụng các hành vi ngôn ngữ gián tiếp một cách phù hợp để tăng hiệu quả giao tiếp, thuyết phục người nghe để đạt được mục đích của mình mà không gây khó chịu cho người nghe.