Những yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá tính lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 49 - 56)

1. Đặc điểm của phép lịch sự trong cầu khiến tiếng Việt.

1.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá tính lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt

sự được coi là phổ niệm của các nhà ngôn ngữ học phương Tây. Tác giả đã kết luận: Lịch sự trong tiếng Việt là một cái gì đó có sự kết hợp hài hoà giữa hai mặt xã hội và cá nhân, giữa chuẩn mực và chiến lược, giữa lễ độ, khuôn phép và khéo léo, xã giao. Vì vậy, để có thể nghiên cứu nó một cách thoả đáng, cần phải kết hợp cả hai cách tiếp cận chiến lược và chuẩn mực xã hội cũng như phải dung hợp cả hai xu hướng phổ niệm và tương đối văn hoá trong nghiên cứu lịch sự ngôn ngữ.

Như vậy, xu hướng của các nhà nghiên cứu hiện nay là phân tích đặc điểm của phép lịch sự khi cầu khiến dựa trên sự kết hợp nghiên cứu lí thuyết dụng học và đặc điểm của nền văn hoá Việt Nam.

1.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá tính lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt khiến tiếng Việt

1.2.1. Tính lịch sự của một hành vi cầu khiến tỉ lệ nghịch với tính áp đặt của hành vi cầu khiến đó

Cầu khiến là các hành vi mà người nói đưa ra nhu cầu, nguyện vọng, yêu cầu người nghe thực hiện một cách đơn phương hoặc hợp tác. Vì vậy bất

kì một hành vi cầu khiến nào cũng mang tính áp đặt, áp đặt ý định của người nói cho người nghe. Tính áp đặt này hạn chế “sự tự do hành động” của người nghe. Hay nói một cách khác, người nghe bắt buộc phải thực hiện hành động theo yêu cầu, theo định hướng của người nói. Như vậy, các hành vi cầu khiến là các hành vi vi phạm đến thể diện âm (thể diện tiêu cực), đến không gian cá nhân của người nghe. Vì thế, nhiều người cho rằng các hành vi cầu khiến là các hành vi có bản chất là bất lịch sự.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng tính áp đặt của các hành vi trong nhóm cầu khiến không phải hoàn toàn như nhau cho nên mức độ lịch sự – bất lịch sự của chúng cũng khác nhau.

Tính chất áp đặt là tính chất làm cho các hành vi cầu khiến xúc phạm đến thể diện của người đối thoại. Theo quan niệm của E.Goffman (1973), P.Brown và S.Levinson (1978), Kerbrat Orecchioni (1992) thì hành vi xúc phạm thể diện là bất lịch sự. Vì vậy tính lịch sự của các hành vi cầu khiến tỉ lệ nghịch với tính áp đặt của hành vi đó. Hành vi nào có tính áp đặt nhất thì đó là hành vi bất lịch sự nhất. Ngược lại, hành vi lịch sự nhất là hành vi có tính áp đặt thấp nhất.

Chẳng hạn, hành vi ra lệnh là hành vi được coi là có tính áp đặt cao nhất. Khi thực hiện hành động ra lệnh, người nói phải có một quyền lực tuyệt đối đối với người nghe. Tình huống hiện thực là tình huống có yêu cầu thực hiện mang tính cấp thiết. Vì vậy khi tiếp nhận hành vi ra lệnh người nghe không có quyền từ chối việc thực hiện hành động hoặc thực hiện không đúng nội dung mệnh lệnh.

Hành vi cầu khiến có tính chất áp đặt thấp nhất được coi là hành vi thỉnh cầu. Vị thế người nói so với người nghe là rất thấp. Khi thỉnh cầu là người nói phải hạ mình để xin xỏ, van, lạy, vay mượn người nghe. Còn vị thế

giao tiếp của người nghe là rất cao so với người nói, người nghe có quyền tự mình quyết định việc thực hiện hoặc từ chối thực hiện nội dung thỉnh cầu.

Như vậy, việc xác định tính áp đặt của các hành vi cầu khiến phải dựa vào vị thế của người nói so với người nghe khi sử dụng hành vi đó cũng như quyền của người nghe khi tiếp nhận hành vi đó. Vị thế của người nói so với người nghe có thể là cao hơn, ngang bằng hoặc thấp hơn. Quyền của người nghe khi tiếp nhận hành vi cầu khiến có thể được đánh giá ở ba mức độ: bắt buộc phải thực hiện hành động, có thể thỏa thuận hoặc có thể từ chối.

1.2.2. Vị thế xã hội của người tham gia giao tiếp.

Vị thế xã hội (còn gọi là sự tương quan giữa quyền và vai) là mối quan hệ xã hội của ít nhất là hai người tham gia giao tiếp. Người có quyền tức là người có vị thế cao trong xã hội thì có thể định hướng được hành vi của người kia khi cầu khiến. Vị thế xã hội này thường do tuổi tác, sức khỏe, khả năng, địa vị xã hội (chức vụ trong các cơ quan quyền lực của nhà nước, trong các tổ chức xã hội như nhà thờ, quân đội hoặc do chuẩn mực xã hội) mang lại.

Việc sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo tính lịch sự phải tùy thuộc vào vị trí xã hội. Những tôn ti quy ước trong từng tiểu xã hội có thể tác động, quy định việc đánh giá tính lịch sự hay bất lịch sự của một hành vi ngôn ngữ. Vị thế của người nói trong quan hệ với người nghe tạo ra những thang độ xã hội khác nhau. Mức độ lịch sự hay bất lịch sự của một hành vi ngôn ngữ vì vậy cũng phải được đánh giá dựa vào quan hệ về quyền giữa người nói và người nghe.

Trong xã hội những người có địa vị xã hội cao thường có lãnh địa rộng, các hành vi cầu khiến của họ ít khi bị đánh giá là bất lịch sự. Các hành vi có tính áp đặt cao thường thích hợp đối với những người nói có vị thế xã hội cao đối với người nghe có vị thế xã hội thấp hơn.

Chẳng hạn, hành vi ra lệnh của người chỉ huy trong quân đội đối với cấp dưới của mình không thể đánh giá là bất lịch sự mặc dù tính áp đặt của hành vi đó rất cao, nếu người nghe không thực hiện sẽ vi phạm kỉ luật.

Người chỉ huy hoàn toàn có thể ra những lệnh như sau mà người nghe không thể từ chối không thực hiện nhưng vẫn không thể bị coi là bất lịch sự:

Ví dụ:

- Xuống hầm! Lẹ lên!

(TXV – LL - 19) Xung phong!

Dù chết cũng không được bỏ trận địa!

Những mệnh lệnh này có tính thiệt hại đối với người nghe là rất lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi nó được người chỉ huy phát ra thì không ai có quyền không thực hiện. Điều này có nghĩa là tính áp đặt của nó rất cao nhưng không thể đánh giá rằng nó mất lịch sự.

Người giáo viên cũng có quyền yêu cầu bất kì một học sinh nào trong lớp học thực hiện yêu cầu của mình mà không ai cảm thấy bất lịch sự.

Ví dụ:

- Cả lớp trật tự.

- Các em làm bài tập số 2.

Các yếu tố tạo nên vị thế xã hội của mỗi một cá nhân tham gia giao tiếp tác động và chi phối lẫn nhau. Mỗi một cá nhân tham gia giao tiếp có vị thế xã hội cao hay thấp tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh giao tiếp. Nói cách khác thì người nói sẽ có vị thế xã hội cao so với người nghe trong bối cảnh giao tiếp này nhưng trong bối cảnh giao tiếp khác thì vẫn người nói ấy và người nghe ấy nhưng vị thế xã hội đã có thể hoán đổi cho nhau.

Chẳng hạn, ta xét một bối cảnh như sau: trong một lớp học cao học, giáo viên có thể rất trẻ và học viên có thể nhiều tuổi hơn giáo viên. Ngoài lớp học giáo viên chắc chắn có vị thế xã hội thấp hơn học viên do tuổi tác nhưng khi vào lớp học, giáo viên sẽ có vị thế xã hội cao hơn học viên và giáo viên có quyền yêu cầu học viên thực hiện những đòi hỏi của mình mà không bị đánh giá là bất lịch sự.

1.2.3. Mức độ lịch sự không hoàn toàn đồng biến với mức độ lợi mà nội dung cầu khiến mang đến cho người nghe

G. Leech, O. Kunst – Gmamus là những người cho rằng tính lịch sự liên quan đến mức độ lợi thiệt của hành vi lời nói. Theo G. Leech hành vi mệnh lệnh là hành vi có bản chất cố hữu là bất lịch sự vì nó mang lại tổn thất cho người nghe. O. Kunst – Gmamus lại xây dựng một thang độ lỗ lãi trong hành vi mệnh lệnh. Đa số các nhà nghiên cứu xây dựng phổ niệm lịch sự cho rằng những hành vi cầu khiến mang lại lợi ích cho người nghe là những hành vi ít bất lịch sự nhất. Điều này trong tiếng Việt có như vậy không và tại sao?

Các tác giả nghiên cứu về lịch sự tiếng Việt như Nguyễn Đức Dân, Vũ Thị Thanh Hương cho rằng, tính lịch sự không phải là bản chất bất biến của mỗi hành vi mà nó gắn liền với tình huống cụ thể của câu nói chuyển tải hành vi ngôn ngữ ấy. Cũng là hành vi cầu khiến nhưng có những hành vi có lợi cho người nghe, cũng có hành vi có hại cho người nghe.

Ví dụ:

a.Ăn bánh nữa đi. b.Cho em cái áo này đi.

Câu a) là câu cầu khiến lịch sự hơn câu b) do câu a) mang lợi đến cho người nghe, câu b) gây thiệt cho người nghe, cho nên hành vi cầu khiến có bản chất cố hữu là áp đặt nhưng cũng có thể là những hành vi lịch sự vì nó

mang lại lợi ích cho người nghe. Việc xây dựng được thang độ lỗ lãi cho nhóm hành vi cầu khiến là cũng dựa trên các đặc điểm này.

Trong tiếng Việt, có những hành vi mang lại lợi ích cho người nghe vẫn bị đánh giá là hành vi bất lịch sự. Đặc điểm này phản ánh sự khác biệt của phép lịch sự trong cầu khiến bằng tiếng Việt với phép lịch sự được coi là phổ niệm cho mọi ngôn ngữ. Sự khác biệt này do bản sắc văn hóa của người Việt tạo nên.

Chẳng hạn, hành vi khuyên là hành vi người nói thực hiện khi nghĩ rằng nó có lợi cho người nghe nhưng nó lại là hành vi dễ bất lịch sự nhất. Khi thực hiện hành vi khuyên, người nói luôn cho rằng nếu người nghe thực hiện hành vi mình khuyên bảo thì sẽ rất có lợi cho người nghe.

Ví dụ: Mình khuyên cậu đừng hút thuốc lá.

Hành vi khuyên có tính áp đặt thấp, người nghe không bắt buộc thực hiện hành động mặc dù đó là hành động mà theo người nói là mang lại lợi ích cho người nghe. Tính áp đặt thấp, mang lại lợi ích cho người nghe nhưng chưa chắc đã lịch sự. Bởi vì khi đưa ra lời khuyên, người nói tự cho mình một vị thế cao hơn người nghe về sự hiểu biết. Đối với người Việt tỏ ra hiểu biết hơn người khác là thiếu khiêm tốn, trịnh thượng. Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam ít hướng tới cá nhân, ít khẳng định “cái tôi” luôn tôn trọng cuộc sống cộng đồng. Trong giao tiếp, khiêm nhường, không tỏ ra hiểu biết hơn người khác được coi là vẻ đẹp của giao tiếp, là một phẩm chất của lịch sự. Đây là biểu hiện của ảnh hưởng tư tưởng đạo Nho.

Ngược lại với hành vi khuyên là hành vi xin là hành vi gây thiệt hại cho người nghe nhưng chưa chắc đã là hành vi bất lịch sự.

Ví dụ:

a.Mẹ cho con xin bát cơm. b.Xin anh nói chậm một chút.

Những câu như trên không thể coi là bất lịch sự được. Trong quan niệm của người Việt, “cái lợi” đi liền với “cái nhục”. Khi người nói sử dụng hành vi xin tức là người nói đã hạ thấp mình chịu nhục đồng thời nâng người nói lên vị thế cao hơn.

Như vậy, tính lịch sự của hành vi cầu khiến cũng gắn liền với tính lợi thiệt của nội dung cầu khiến nhưng tính lịch sự không đồng biến với tính lợi ích. Đúng như tác giả Vũ Thị Thanh Hương đã nhiều lần chứng minh, điều này thể hiện rằng mô hình lịch sự của các học giả phương Tây không hoàn toàn trùng khít với tiếng Việt. Trong quan niệm của người Việt, cái lợi nhiều khi đồng nghĩa với cái xấu. Lịch sự trong cầu khiến bằng tiếng Việt chịu sự chi phối của bản sắc văn hóa Việt Nam khiêm nhường, lễ phép, “con người ưa

sống trong một môi trường mà quan hệ máu mủ, quan hệ xóm giềng được duy trì” [Phan Ngọc].

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 49 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)