2. Các yếu tố thể hiện tính lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt
2.1. Các yếu tố thể hiện tính lịch sự trong câu cầu khiến có cấu trúc trực tiếp
2.1.1. Lựa chọn các động từ làm vị ngữ cầu khiến có sắc thái áp đặt thấp.
Vị trí vị ngữ trong câu cầu khiến trực tiếp là vị trí quan trọng nhất vì nó không thể vắng mặt. Chính vì vậy chúng tôi chọn đặc điểm này là đặc điểm đầu tiên khi phân tích.
Khi xem xét các động từ trong tiếng Việt, chúng ta nhận thấy rằng ngoài ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa bản chất mà nó có được thì nó còn có rất nhiều ý nghĩa tình thái khác nhau mà người nói có thể chuyển tải tới cho người nghe khi sử dụng chúng. Nói một cách khác, cùng chỉ một hành động như nhau nhưng khi sử dụng động từ này thì nó có thể chuyển tải một ý nghĩa tình thái khác, có thể áp đặt hơn hoặc nhẹ nhàng hơn so với việc sử dụng một từ đồng nghĩa với nó. Những động từ có tình thái áp đặt cao thì có thể độc lập cấu tạo các câu cầu khiến ra lệnh, yêu cầu người nghe thực hiện hành động, nếu người nghe không thực hiện hành động thì chắc chắn người nghe sẽ phải nhận những hậu quả không tốt. Muốn tăng giảm tính áp đặt của một câu cầu khiến cho phù hợp với hoàn cảnh ta có thể tiến hành lựa chọn một động từ có sắc thái áp đặt thấp hơn trong một dãy các từ đồng nghĩa để đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn.
Ví dụ: Một em bé đang khóc, người mẹ có thể yêu cầu em bé không khóc nữa bằng các động từ như: câm. im, nín.
a.Câm đi! b.Im đi! c.Nín đi!
Cả ba phát ngôn đều có chung một ý nghĩa yêu cầu người nghe ngừng thực hiện hành động mà cụ thể là người mẹ yêu cầu em bé không khóc nữa. Trong ba phát ngôn trên thì phát ngôn c) là lịch sự nhất và phát ngôn a) là kém lịch sự nhất. Có thể xảy ra tình trạng là nếu dùng phát ngôn thứ nhất thì em bé sẽ càng khóc to hơn mặc dù tính mệnh lệnh của phát ngôn này rất cao. Đối với phát ngôn thứ hai thì tính mệnh lệnh đã nhẹ hơn và phát ngôn thứ ba thì chỉ còn lại là sự dỗ dành. Sự khác nhau về tính lịch sự, nhã nhặn của các phát ngôn trên chính là do sự khác nhau về mặt tình thái của các động từ tạo nên.
Ta có thể xét một ví dụ khác: đối với ba động từ ăn, xơi, hốc.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì ba động từ này cùng có chung một ý nghĩa là ý nghĩa của động từ ăn: tự cho vào cơ thể thức nuôi sống. Nhưng xét về mặt dụng học thì xơi là động từ có sắc thái lịch sự, tế nhị nhất, ăn là động từ có sắc thái ngữ nghĩa trung hoà còn hốc là động từ có sắc thái thô tục, bất lịch sự.
d.Cháu mời bác ăn cơm! e.Cháu mời bác xơi cơm!
Phát ngôn e) được đánh giá là lịch sự hơn phát ngôn d) và đối với người lạ, người mới quen hoặc có quan hệ không gần gũi thì người Việt sẽ sử dụng phát ngôn e).
Thông thường với những phát ngôn cầu khiến chỉ chứa một động từ làm vị ngữ cầu khiến cùng với một tiểu từ tình thái như trên thường gắn với quyền lực rất cao của người nói, người nói không cần phải lịch sự đối với người nghe vì người nói có quyền ra lệnh, yêu cầu người nghe thực hiện hành động, người nghe không được phép từ chối. Nhưng việc lựa chọn một động từ có sắc thái lịch sự hơn chứng tỏ rằng người nói có những đầu tư hữu ích trong giao tiếp.
Như vậy, việc lựa chọn động từ này hay động từ khác trong một dãy các động từ đồng nghĩa để cấu tạo vị ngữ trong phát ngôn cầu khiến cũng rất quan trọng để tạo nên sắc thái lịch sự. Lịch sự ở đây chính là lịch sự chiến lược, người nói có chiến lược lựa chọn những động từ có sắc thái áp đặt thấp hơn để đảm bảo tính lịch sự nhằm đạt đến hiệu quả giao tiếp cao hơn.
2.1.2. Sử dụng các từ xưng hô
Từ xưng hô trong tiếng Việt là vấn đề vô cùng phức tạp đối với người nước ngoài học tiếng Việt. Nếu như trong tiếng Anh chỉ có I và you được dùng cho tất cả mọi đối tượng tham gia giao tiếp mặt đối mặt thì trong tiếng Việt số lượng từ xưng hô là rất nhiều.
Từ xưng hô trong tiếng Việt bao gồm rất nhiều loại: từ chỉ quan hệ họ hàng, đại từ nhân xưng, tên riêng, từ chỉ vị thế. Từ xưng hô trong tiếng Việt thể hiện chuẩn mực giao tiếp của xã hội và quan hệ giữa những người đối thoại. Các từ xưng hô được dùng để định danh người nói và người nghe trong vai là chủ thể hoặc nhận thể của hành động, đồng thời biểu hiện tương quan vị thế và mức độ thân thiện giữa những người đối thoại. Vì vậy, về mặt dụng học, các từ này có một chức năng quan trọng là tham gia vào việc biểu hiện tính lịch sự trong lời cầu khiến tiếng Việt.
2.1.2.1. Sử dụng các từ xưng hô chỉ người nói hoặc người nghe
Để cấu tạo một câu cầu khiến tiếng Việt, người nói chỉ cần nêu yêu cầu hành động bằng một động từ với ngữ điệu mạnh là đủ.
Ví dụ: Câm! Trật tự!
Thế nhưng những câu cầu khiến như trên là những câu cầu khiến dễ mất lịch sự nhất, bởi vì tính áp đặt của nó rất cao, người nghe không thể không thực hiện. Chủ thể tiếp nhận và chủ thể cầu khiến không cần phải có mặt trên bề mặt phát ngôn thì phát ngôn này vẫn được tri nhận là phát ngôn cầu khiến, người nói yêu cầu người nghe thực hiện hành động.
Ta có thể xét một ví dụ khác: 1a.Em cho anh mượn cái bút! b.Cho mượn cái bút!
Rõ ràng là phát ngôn cầu khiến 1a) lịch sự hơn phát ngôn cầu khiến 1b) do có sự hiện diện của từ xưng hô chỉ người nghe. Sự có mặt của từ xưng hô là một yếu tố hình thức quan trọng làm cho lời cầu khiến lịch sự bởi vì trong văn hóa Việt Nam, người Việt rất kỵ cách nói “trống không”. Nói “trống không” là mất lịch sự, không phù hợp với chuẩn mực văn hóa của người Việt Nam. Trở lại với ví dụ trên, để có thể coi là lịch sự, chí ít cũng nên nói: “Cho mượn cái bút, em nhé!”.
Đối với các câu cầu khiến xuất phát từ phía người nghe thì tình hình lại không như vậy.
Ví dụ:
2a.Yêu cầu anh cho xem giấy tờ xe. b.Tôi yêu cầu anh cho xem giấy tờ xe.
Phát ngôn cầu khiến 2a) lịch sự hơn 2b). Sự xuất hiện của người nói trên bề mặt phát ngôn ở 2b) làm cho tính áp đặt của hành vi cầu khiến cao hơn, người nói như vậy là “ra oai”, biểu dương quyền thế. Đây là điều trái với văn hóa Việt Nam, khiêm nhường, nhã nhặn là lịch sự.
Sự xuất hiện của những từ xưng hô xuất phát từ phía người nghe lịch sự hơn là xuất phát từ phía người nói.
Đến đây chúng tôi xin được lưu ý rằng một phát ngôn chỉ là một phát ngôn cầu khiến khi ta loại bỏ vị trí của người nói đi mà phát ngôn đó vẫn là một phát ngôn cầu khiến
Ví dụ:
3a.Đề nghị mọi người cho ý kiến! Tôi đề nghị mọi người cho ý kiến! 4a.Tôi muốn mượn em ít tiền b.Mượn em ít tiền. *
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhưng phát ngôn như ở ví dụ 4 cũng là những phát ngôn cầu khiến nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng đó không phải là phát ngôn cầu khiến mà là một phát ngôn trần thuật, người nói chỉ trần thuật lại ý định, ý muốn của mình là muốn mượn ít tiền mà thôi. Những phát ngôn đích thực là cầu khiến phải có khả năng tồn tại khi loại bỏ sự xuất hiện của người nói trên bề mặt phát ngôn đi (ví dụ 3). Điều này cũng tương tự như khi ta sử dụng các phát ngôn như:
5a.Mẹ bảo con nín đi. b.Bảo con nín đi.*
6a.Chị sai em đi chợ mua rau. b.Sai em đi chợ mua rau. *
Những phát ngôn như trên không thể là phát ngôn cầu khiến được mà chỉ có thể là những phát ngôn trần thuật mà thôi. Chúng tôi phải lưu ý điều này vì một số nhà nghiên cứu khi so sánh việc sử dụng các từ xưng hô chỉ người nói và người nghe đã dùng những phát ngôn như trên để so sánh về tính lịch sự của hành vi cầu khiến. Chúng đã không phải là phát ngôn cầu khiến thì không thể xếp chúng vào để so sánh chúng lịch sự hơn hay mất lịch sự hơn được.
Vấn đề lịch sự trong việc sử dụng từ xưng hô không phải chỉ ở chỗ có sử dụng từ xưng hô để chỉ người nói và người nghe khác nhau hay không mà còn là sự lựa chọn cách xưng hô phù hợp với chuẩn mực giao tiếp của xã hội và quan hệ giữa những người đối thoại. Nói cách khác, xưng hô trong cầu khiến là để xác lập vị thế và mức độ thân thiện giữa người nói và người nghe và việc lựa chọn một cách xưng hô nhất định là không phải ngẫu nhiên mà là chịu sự chi phối, áp đặt của chuẩn mực xã hội. Chiến lược sử dụng từ xưng hô trong cầu khiến tiếng Việt chính là áp dụng chiến lược lịch sự lễ độ.
2.1.2.2. Sử dụng các từ xưng hô chỉ ngôi gộp.
Ở phần trên chúng tôi đã khảo sát những phát ngôn cầu khiến có các từ xưng hô chỉ người nói hoặc người nghe. Dưới đây, chúng tôi xin được khảo sát các từ xưng hô chỉ ngôi gộp (bao gồm cả người nói và người nghe).
Ví dụ:
a.Hương như không nghe thấy, cô bảo người con trai kia: "Chỳng mỡnh đi đi".
(TXV - LL - 40) b.Anh với em đi ra ngoài chơi nhé.
(CHCC - NVH - 59) c."Quê cậu ở đâu" - "Hà Nam" - "À thế thỡ đồng hương với tớ. Ta ra ngoài chút đi.
(TXV - LL - 29) Các phát ngôn trên đều có các từ xưng hô chỉ ngôi gộp (chúng mình, anh với em, ta). Khi các từ xưng hô là ngôi gộp thì hành vi cầu khiến được biểu hiện bởi cấu trúc cầu khiến sẽ là người nói muốn rủ người nghe cùng thực hiện hành động. Tính áp đặt của hành vi này thấp hơn so với hành vi yêu
cầu người nghe thực hiện một hành động đơn phương. Ta có thể so sánh được mức độ lịch sự khi ta loại bỏ các từ xưng hô đi.
a’.Hương như không nghe thấy, cô bảo người con trai kia: “Đi đi”. b’.Đi ra ngoài chơi nhé.
c’.“Quê cậu ở đâu? ” - “Hà Nam” - “À, thế thì đồng hương với tớ. Ra ngoài chút đi”.
Rõ ràng, các phát ngôn cầu khiến a), b), c) lịch sự hơn là các phát ngôn a’), b’), c’). Điều này được tạo nên do đặc trưng văn hoá của người Việt các từ xưng hô chỉ ngôi gộp cũng là một phương tiên giao tiếp lịch sự. Người Việt không có thói quen xem mình là một cá nhân rồi căn cứ vào quyền lực cá nhân để xây dựng quan hệ. Người Việt ưa thích sống trong một môi trường trong đó quan hệ máu mủ, quan hệ xóm giềng được duy trì. Theo quan niệm sống “trong họ ngoài làng”, hoà nhập trong cộng đồng của người Việt thì cái “chúng ta” bao giờ cũng đẹp hơn sự phân biệt “tôi”, “anh”. [Dẫn theo giáo sư Phan Ngọc]. Vì vậy sử dụng từ xưng hô không chỉ giảm nhẹ tính áp đặt mà còn biểu hiện sự thân mật, hoà đồng trong giao tiếp.
Trong cầu khiến tiếng Việt, khi muốn yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo ai một cách tế nhị người nói thường thay thế các từ xưng hô ngôi thứ hai: anh, chị, cậu, mày, chúng mày, các anh, các chị... bằng các từ xưng hô ở ngôi gộp:
ta, chúng ta, chúng mình, mình...
Ví dụ:
a.Không phải nó đau dạ dày đâu, thằng dế này đánh nhau nhiều quá đến nỗi kiệt sức nên bây giờ mắc bệnh ho lao. Chúng mình chả nên nuôi một thằng dế ốm. Thả nó đi, Bé ạ.
(DMPLK - TH) b.Chúng ta đừng lại vì chắc bây giờ "cớm chùng" đương "trõm" riết nhà Năm, nếu lại thế nào cũng lôi thôi.
(BV - NH)
Như vậy, các từ xưng hô chỉ ngôi gộp là phương tiện đắc lực để thể hiện ý nghĩa lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt. Cả người nói và người nghe cùng thực hiện hành động thì người nghe sẽ cảm thấy rằng mình ít bị áp lực phải thực hiện hành động hơn so với việc người nói yêu cầu người nghe thực hiện hành động một mình.
2.1.3. Dùng các trợ động từ giúp, giùm, hộ, làm ơn, cho
Theo Từ điển tiếng Việt (1992) của Viện Ngôn ngữ học thì các trợ động từ trên có các ý nghĩa như sau:
- Giúp: là làm cho ai việc gì đó, hoặc lấy của mình đem cho ai cái gì đó mà người ấy đang cần.
Ví dụ: Giúp công, giúp của. Nói giúp cho anh ta.
- Giùm: giúp, hộ. Thường dùng sau động từ. Ví dụ: Nhờ làm giùm.
Nói giùm cho.
- Hộ: làm thay cho người khác, thường dùng phụ sau một động từ khác. Ví dụ: Nhờ mua hộ.
Để tôi làm hộ cho.
- Làm ơn: tổ hợp dùng để tỏ thái độ lịch sự, lễ độ khi nói ra điều cần phải nhờ, phải hỏi hoặc yêu câu.
Ví dụ: Làm ơn chuyển giúp bức thư. Xin quý khách làm ơn lưu ý cho.
- Cho: dùng trong lời yêu cầu một cách lịch sự. Chuyển đưa, bán cho (nói tắt).
Chị cho tôi một chục phong bì.
Giúp, giùm, làm ơn, hộ, cho là phương tiện đặc trưng thể hiện sự nhờ vả. Vì vậy khi cấu tạo những phát ngôn cầu khiến mà người nói ở vị thế cao, có quyền ra lệnh cho người nghe mà người nói lại sử dụng những yếu tố này thì phát ngôn sẽ lịch sự hơn vì chúng cho thấy sự tôn trọng người đối thoại.
Ví dụ:
a.Em bé! Đội thúng tôm lên chợ giúp dì đi!
(ĐRPN - ĐG - 5) b.Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo:
- Bà giữ nó hộ con một tí.
(MBN - NC)
c.Người khách mặt buồn buồn, đặt mấy chai rượu thuốc lên cái rương lớn màu đen, cố làm ra vẻ tươi tỉnh:
-Ông bà cô bác xem xong trò này, rồi hẵng mua giùm sau cũng được. (ĐRPN - ĐG - 3) d. Vâng! Cám ơn ông, và ông làm ơn cho tôi nhắn lại, tối nay tôi ngủ hai mình kia nhé.
(BV – NH - 99) e.Một thằng bé lùn lùn, béo ục ịch, trợn mắt hích khuỷu tay vào hông tôi. -Cho tao coi một chút mà!
(ĐRPN - ĐG - 2) Ở phát ngôn a) người nói có vị thế xã hội cao hơn người nghe bởi vì người nói nhiều hơn người nghe về mặt tuổi tác (thể hiện bằng cặp từ xưng hô
dì - em bé), người nói lại là người thuê người nghe thực hiện hành động, trả tiền cho việc người nghe thực hiện hành động. Người nói hoàn toàn toàn có thể yêu cầu người nghe thực hiện và người nghe phải thực hiện nếu muốn
được trả công mà không cần sử dụng từ “giúp”: Em bé! Đội thúng tôm lên chợ đi! Nhưng ở đây người nghe đã sử dụng từ giúp làm tăng tính lịch sự của hành vi cầu khiến. nếu ở vị trí người ra lệnh, sai khiến mà người nói sử dụng hành vi nhờ vả thì lời cầu khiến đó được đánh giá là lịch sự, nhã nhặn.
Đối với phát ngôn b) thì người nói có vị thế xã hội thấp hơn người nghe, người nói là cháu nội của người nghe. Việc sử dụng từ hộ của người nói ngoài việc tăng tính lịch sự của phát ngôn còn bị quy định bởi chuẩn mực xã hội. Nếu người nói không sử dụng từ hộ thì phát ngôn sẽ còn lại như sau:
Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo: -Bà giữ nó một tí!
Trong văn hóa Việt Nam, cháu nói với bà như vậy sẽ bị đánh giá là vô lễ. Cháu ít tuổi hơn, lại trong vai cháu thì chắc chắn là vị thế xã hội phải thấp hơn bà nên không thể nói “trống không” như vậy được.
Tương tự như vậy ở phát ngôn c), việc người nói sử dụng động từ giùm