Quan điểm chung của ngôn ngữ học truyền thống về câu cầu khiến

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 25 - 31)

TIÊU CHÍ NHẬN DIỆN CÂU CẦU KHIẾN TIẾNG VIỆT 1 Các quan điểm nghiên cứu câu cầu khiến

1.1. Quan điểm chung của ngôn ngữ học truyền thống về câu cầu khiến

1.1.1. Câu cầu khiến trong thế tương quan với các kiểu câu khác theo ngôn ngữ học truyền thống

Câu cầu khiến là một kiểu câu trong hệ thống câu chia theo mục đích nói. Theo cách nhìn phổ quát của ngôn ngữ học truyền thống, câu chia theo mục đích nói bao gồm bốn kiểu: Câu trần thuật, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán. Sự phân loại này không phải không có lí, các loại câu này không chỉ được phân biệt về mặt nội dung (mục đích giao tiếp) mà còn mang những dấu hiệu hình thức riêng biệt.

Tuy nhiên cách phân loại này cũng dẫn đến nhiều ngộ nhận. Chẳng hạn, sự phân loại này có thể khiến chúng ta nghĩ rằng khi nói một câu ta chỉ có thể thực hiện được một trong bốn việc: trần thuật, hỏi, yêu cầu (ra lệnh, nhờ vả) và bộc lộ cảm xúc. Hoặc, đã là câu trần thuật thì chỉ có thể dùng để trần thuật chứ không thể dùng để thực hiện những hành động ngôn từ khác, đã là câu nghi vấn thì chỉ có thể dùng để hỏi chứ không thể dùng để thực hiện những hành động ngôn từ khác v.v...

Ngay cả đối với ngữ pháp truyền thống, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hệ thống phân loại câu của các tác giả theo quan điểm này cũng có ít nhiều khác biệt. Chẳng hạn, tác giả Hoàng Trọng Phiến cho rằng hệ thống câu chia theo mục đích phát ngôn chỉ bao gồm ba loại: kể, hỏi, cầu khiến. Tác giả cũng cho rằng các loại câu trên đều có thể đảm nhận vai trò cảm thán. Theo đó, “câu cầu khiến có nhu cầu của ý chí làm thành yếu tố thường trực của câu”. Câu cầu khiến gắn liền với ý nghĩa của hành động, ở đó, chủ thể phát ngôn yêu cầu hiện thực hóa cái biểu vật của câu. Nội hàm của khái niệm cầu

khiến bao gồm sự mời mọc, yêu cầu, mệnh lệnh, cấm đoán, chúc tụng. So với câu kể và câu hỏi thì nó không có những dấu hiệu ngữ pháp đặc biệt gì, ngoài một số phương tiện hư từ và ngữ điệu [32,288].

Các nhà ngữ pháp truyền thống đã phân loại các câu với tư cách là những kết cấu ổn định. Khi tuyên bố “phân loại câu theo mục đích phát ngôn”, họ giải thích khái niệm các kiểu câu bằng cách nêu mục đích phát ngôn mà câu thực hiện, rồi sau đó miêu tả các phương tiện ngôn ngữ cấu tạo các kiểu câu. Và câu cầu khiến cũng được giải thích dưới một bối cảnh chung như vậy: “Câu mệnh lệnh (còn gọi là câu cầu khiến) được dùng để bày tỏ ý muốn hay bắt buộc người nghe thực hiện điều được nêu lên trong câu và có những dấu hiệu hình thức nhất định” [1, 235] hay một cách định nghĩa khác: Câu cầu khiến “nêu lên ý muốn của chủ thể phát ngôn và yêu cầu người nghe đáp lại bằng hành động” [32, 292]. Dù định nghĩa như thế nào thì các nhà ngữ pháp truyền thống vẫn giải thích khái niệm kiểu câu bằng cách nêu mục đích phát ngôn mà câu thực hiện nhưng trên thực tế, các tác giả lại áp dụng một cách mặc ẩn dấu hiệu hình thức để phân loại câu. Việc làm này đã làm cho nhiều người quen nghĩ rằng công dụng, hay chức năng chính là tiêu chí để phân loại câu, là đặc trưng có tính định nghĩa của các kiểu câu. Tuy nhiên nếu như vậy thì ta sẽ vấp phải những nghịch lí. Hãy xét ví dụ sau:

Ví dụ: Anh có thể ra hành lang đợi một lát được không?

Nếu căn cứ vào mục đích nói năng thì câu này được xếp vào câu cầu khiến (không ai ngây thơ để nghĩ rằng câu này nêu ra là để hỏi về “năng lực” ra ngoài hành lang của mình) nhưng theo những tiêu chuẩn (hiển ngôn hoặc mặc ẩn) đã được ngữ pháp truyền thống dùng thực sự làm căn cứ để phân loại câu thì câu này lại là một câu hỏi. Và đến đây, nếu máy móc tuân theo cái gọi là “phân loại câu theo mục đích nói” thì một câu như vậy không thể xếp vào một kiểu câu cụ thể nào.

Mặt khác, xét về chức năng giao tiếp thì câu nghi vấn và câu trần thuật cũng có thể đảm nhận vai trò cầu khiến.

Chẳng hạn, câu nghi vấn: “Con không học bài à?” có thể thực hiện chức năng thúc giục người nghe học bài. Câu trần thuật: “Hôm nay, tôi rất bận” có thể thực hiện chức năng là khuyến cáo người nghe đừng đến.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, có một số tác giả gọi “các kiểu câu phân loại theo mục đích phát ngôn” cũng có nói rõ đó không phải là một sự phân loại chỉ đơn thuần dựa vào mục đích giao tiếp, mà là sự kết hợp cả hai mặt mục đích giao tiếp/công dụng và đặc điểm cấu trúc/ngữ pháp [1, 224]. Mặc dù vậy, quan niệm phân loại câu kết hợp cả hai mặt này chỉ thể hiện dưới dạng những nhận định khái quát, không áp dụng được trên thực tế, vì không thể vận dụng một cách nhất quán để phân loại một cách hệ thống các kiểu câu khi gặp những câu mà hình thức và công dụng của nó không có sự thống nhất. Mối quan hệ giữa hình thức của câu với ý nghĩa và mục đích sử dụng không phải quan hệ một đối một. Hay nói một cách khác, kiểu câu không phải lúc nào cũng tương ứng với một mục đích phát ngôn nào đó.

Có thể thấy, việc phân chia câu theo mục đích nói là cách nhìn của ngữ pháp truyền thống thể hiện cách nhìn truyền thống về câu, một phần là lí tưởng hóa (làm như thể kiểu câu bao giờ cũng tương ứng với hành động ngôn từ mà câu thực hiện), một phần là coi nhẹ công năng thực sự của câu trong thực tiễn hành chức (chẳng hạn, rõ ràng là thông qua hàm ý, thì bất kì kiểu câu nào cũng có thể dùng để thực hiện các hành động cầu khiến). Có thể nói, hoạt động của câu chỉ được xét thấu đáo trong quan hệ với người nói, trong sự linh hoạt của ngữ cảnh. Một trong những bất cập lớn nhất của ngữ pháp truyền thống là câu vẫn bị đặt trong thế cô lập tách khỏi các câu lân cận, tách khỏi tình huống nói và không được xét trong quan hệ với người nói, người nghe.

1.1.2. Những đặc trưng của câu cầu khiến theo quan điểm của ngôn ngữ học truyền thống

1.1.2.1. Về mặt hình thức

Câu cầu khiến ở tất cả các ngôn ngữ biến hình đều gắn liền với thức mệnh lệnh của động từ. Tuy nhiên, thực tế là các ngôn ngữ khác nhau, hình thức mệnh lệnh có thể được đánh dấu bằng các phương tiện ngôn ngữ khác nhau.

Ví dụ: Trong tiếng Anh:

You be careful (Anh hãy cẩn thận).

Ngữ pháp truyền thống quan tâm đến vấn đề phương tiện hình thức đánh dấu câu cầu khiến. Trong ngữ pháp tiếng Anh, phương tiện hình thức đặc trưng nhất của thức mệnh lệnh là động từ be (nguyên dạng). Ngoài ra, còn có một số phương tiện khác đi kèm với belet, please, do.

Ngôn ngữ học truyền thống cũng cho rằng ngữ điệu mạnh, nhấn mạnh cuối câu là phương tiện đánh dấu thức mệnh lệnh.

Ví dụ: - Don ’t get up too late (Đừng dậy quá muộn). - Tiến lên.

Trong tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hóa hình thái, phương tiện hình thức thể hiện câu cầu khiến, ngoài ngữ điệu là các phụ từ:

hãy, đừng, chớ; các tiểu từ tình thái: đi, với, lên, thôi, nào, đã, nhé...; các động từ tình thái: nên, cần, phải. Bên cạnh đó, theo các nhà ngữ pháp truyền thống, ngoài các phương tiện ngữ pháp truyền thống nêu trên, còn có một loại phương tiện từ vựng có khả năng cấu tạo câu cầu khiến. Đó là các động từ có ý nghĩa cầu khiến: cấm, mời, xin, yêu cầu... Đây chính là những động từ mà về sau ngữ pháp chức năng đã phát hiện ra giá trị ngữ vi của nó và gọi là các động từ ngữ vi (hay động từ ngôn hành).

Về mặt các phương tiện đánh dấu câu cầu khiến, các nhà ngữ pháp theo quan điểm ngữ pháp chức năng sau này cũng tiếp tục khảo sát các loại nêu trên. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các nhà ngữ pháp chức năng đã khảo sát sự hoạt động của các phương tiện này trong hoạt động của câu trong ngữ cảnh chứ không phải ở thế cô lập, tĩnh tại so với ngữ cảnh. Tuy nhiên, đối với vấn đề xem ngữ điệu là một phương tiện đánh dấu câu cầu khiến thì các nhà ngữ pháp hiện đại không hoàn toàn nhất trí. Họ cho rằng, có những câu không chỉ cần nói to, nhấn giọng là trở thành cầu khiến, còn có những câu tồn tại trong hoàn cảnh không nói to vẫn có thể thực hiện được chức năng cầu khiến ở dạng nói thầm. Theo các tác giả này, điều kiện quy định một phát ngôn có giá trị cầu khiến là ngữ cảnh chứ không phải là ngữ điệu. Mặt khác, cũng theo các tác giả này thì nếu chỉ căn cứ vào dấu hiệu hình thức thì nhiều câu cầu khiến sẽ bị bỏ qua khi nhận diện.

Ví dụ: a.Anh có diêm không? b.Ở đây ngột ngạt quá!

Họ cho rằng những trường hợp trên nếu dựa vào ngữ cảnh để xem xét thì sẽ được giải quyết thỏa đáng. Theo chúng tôi, những tác giả như vậy có vẻ không phân biệt hai khái niệm rất khác nhau là câu cầu khiến (với tư cách là một kiến trúc ngôn ngữ ổn định, có những dấu hiệu riêng) và hành động cầu khiến (là nghĩa đích thực của câu nói trong một tình huống giao tiếp cụ thể).

1.1.2.2. Về mặt nội dung

Về nội dung của câu cầu khiến, các nhà ngữ pháp theo quan điểm truyền thống cũng có nhiều quan niệm rất khác nhau. Theo đó, họ đã đưa ra rất nhiều các định nghĩa khác nhau về câu cầu khiến. Tác giả Hoàng Trọng Phiến đã định nghĩa: “Câu cầu khiến nêu lên ý muốn của chủ thể phát ngôn và yêu cầu người nghe đáp lại bằng hành động. Do đó câu cầu khiến gắn liền với ý nghĩa hành động”. Theo quan niệm này, câu cầu khiến chỉ là yêu cầu một

hành động, đưa ra một ý nguyện yêu cầu đối tượng tiếp nhận thực hiện một hành động nào đó.

Hay một định nghĩa khác: “Câu cầu khiến nhằm mục đích nói lên ý chí của người nói và đòi hỏi mong muốn đối phương thực hiện những điều nêu ra trong câu nói” [1,261]. Và “những điều nêu ra trong câu nói” ở đây có thể là “mong muốn, đòi hỏi người nghe thực hiện một hành động, thể hiện một trạng thái, một phẩm chất”.

Tác giả Nguyễn Kim Thản (1964) thì có quan niệm rộng hơn về mặt nội dung của câu cầu khiến. Theo ông, nội dung của câu cầu khiến bao gồm các loại: mời mọc, yêu cầu, mệnh lệnh, cấm đoán, chúc tụng”. Còn theo Ngữ pháp tiếng Việt của UBKHXH (1983) thì “cầu khiến là nói chung về các trường hợp yêu cầu, chúc tụng, sai bảo,...”.

Đến tác giả Diệp Quang Ban thì cho rằng: “Câu mệnh lệnh (còn gọi là câu cầu khiến) được dùng để bày tỏ ý muốn nhờ hay bắt buộc người nghe thực hiện điều được nêu lên trong câu. Theo tác giả này thì các nội dung như

khuyên răn, dặn dò, mời mọc, chúc tụng là nằm ngoài nội hàm khái niệm cầu khiến. Tác giả Hồ Lê quan niệm, nội dung cầu khiến bao gồm các loại: mệnh lệnh, yêu cầu, khuyên răn, dặn dò.

Đỗ Thị Kim Liên, người có quan niệm rộng nhất về nội hàm khái niệm cầu khiến thì cho rằng, cầu khiến bao gồm: ra lệnh, ngăn cấm, thúc giục, yêu cầu, chúc, khuyên, cầu mong, mời, kêu gọi, thách thức, cổ vũ...

Tóm lại, quan niệm của các nhà ngữ pháp truyền thống về nội hàm khái niệm cầu khiến vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Đồng thời họ cũng chưa thống nhất trong việc xác định cho loại câu này một cái tên cụ thể. Các khái niệm khuyến lệnh, cầu khiến, mệnh lệnh vẫn được sử dụng lẫn lộn. Tuy vậy, khi nói về nội dung cầu khiến, ngữ pháp truyền thống đã đề cập đến các loại sau:

mệnh lệnh, yêu cầu, sai bảo, nhờ vả, đề nghị, cấm đoán, khuyên răn, dặn dò, chúc tụng, cầu mong, mời mọc, kêu gọi, thách thức, cổ vũ...

Tuy nhiên, tất cả những quan điểm trên đây, theo chúng tôi là quá lí tưởng hóa nội dung của câu cầu khiến. Trong thực tế, có những câu cầu khiến (với những dấu hiện ngôn ngữ đặc thù) nhưng không hề được dùng với bất kì mục đích phát ngôn nào được kể trên đây. Chẳng hạn, một bà mẹ có thể mắng, nhiếc con bằng cách nói ra những câu có hình thức cầu khiến như :

- Mày chết đi cho rồi !

- Mày đừng có sống nữa mà ngứa mắt tao !

(Rõ ràng, dù giận con đến mấy, không một người mẹ nào lại mong con

chết đi, mong con đừng sống nữa !)

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)