Ngữ cảnh của tình huống cầu khiến

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 42 - 44)

2. Các đặc điểm xác định câu cầu khiến tiếng Việt

2.4. Ngữ cảnh của tình huống cầu khiến

Từ khi lý thuyết giao tiếp ra đời, vấn đề ngữ cảnh trở thành vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm một cách đặc biệt. Phải nói rằng, sự khác biệt giữa ngữ pháp hiện đại, ngữ pháp chức năng và ngữ dụng học so với ngữ pháp truyền thống trong ngôn ngữ học trước đây là sự coi trọng yếu tố ngữ cảnh khi nghiên cứu lời nói.

Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng “hoàn cảnh giao tiếp là cái thế giới xã hội và tâm lí mà trong đó ở một thời điểm nhất định người ta sử dụng ngôn ngữ. Nó ít nhất bao gồm những tín điều (croyances), những tiền ước của người nói (kể cả người nghe) về thời gian, không gian, về các thiết chế xã hội về các hành động đã qua, đang diễn ra và trong tương lai [6, 222]. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh rằng: ngữ cảnh sẽ tác động đến ngôn bản thông qua tình huống giao tiếp. Các nhân tố ngữ cảnh sẽ tác động lẫn nhau và cùng tác động đến cả hình thức và nội dung của ngôn bản.

Tác giả Cao Xuân Hạo thì khẳng định: Một phát ngôn bao giờ cũng thực hiện trong một tình huống nhất định kể cả tình huống bên ngoài lẫn tình huống của quá trình hội thoại (thường gọi là văn cảnh hay ngôn cảnh) [15, 149].

Xuất phát từ những nhìn nhận trên cũng như trong thực tế nghiên cứu và thực tế giao tiếp, chúng tôi cho rằng để xác định một câu có phải là cầu khiến thực sự hay không không thể không chú ý đến ngữ cảnh. Ngữ cảnh ở đây được coi là mảng hiện thực khách quan trong đó bao gồm những sự kiện, hiện tượng và cả những phát ngôn xảy ra trước và sau phát ngôn cầu khiến. Đó chính là tình huống mà trong đó câu cầu khiến xuất hiện.

Ví dụ:

Bà cụ Đen an ủi Xoan và bỗng gở hầu bao đưa cho Xoan mấy đồng hào và mấy đồng trinh lẻ. Thấy Xoan còn ngần ngại, bà cụ nói:

- Cháu cứ cầm lấy, đỡ cho bu mày, ai chẳng có lúc ốm đau. Xoan cầm lấy tiền mắt đỏ hoe.

(NĐT-VB-t1-58) Trong tình huống trên, bà cụ Đen có nguyện vọng giúp đỡ Xoan. Nguyện vọng này chưa thực hiện được vì sự ngần ngại của Xoan. Chính sự ngần ngại đó đã tạo nên mâu thuẫn giữa hiện thực và lòng mong muốn của bà cụ và đó là động lực thôi thúc bà cụ phát ra câu nói “Cháu cứ cầm lấy, đỡ cho bu mày”. Như vậy, tình huống có khả năng thôi thúc sự xuất hiện của một câu cầu khiến là tình huống chứa sự bất cập giữa hiện thực và lòng mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng của người nói về hành động của người nghe.

Ngữ cảnh là yếu tố quan trọng giúp người tiếp nhận xác định đúng hiệu lực của một phát ngôn cầu khiến. Chẳng hạn chúng ta có một phát ngôn được tách ra khỏi ngữ cảnh như sau:

Ví dụ: Tôi xin lỗi. Xin phép được đèo cô về.

Khi bắt gặp một phát ngôn được tách khỏi ngữ cảnh như thế này thì ta nhận thấy rằng đây là một lời mời lịch sự, cô gái chắc chắn là một người rất được tôn trọng và yêu quý còn người nói chắc hẳn đã mắc một hành động sai

lầm gì đó với cô gái và muốn chuộc lại nỗi lầm ấy nên thể hiện một hành động chuộc lỗi rất lịch sự.

Nhưng khi ta khôi phục lại ngữ cảnh và đặt câu nói trở lại đúng với ngữ cảnh của nó thì tình hình không còn như vậy nữa.

Ví dụ: Thắng tiến lại gần Hoài, anh nghiến răng:

- Tôi không ngờ cô giỏi như thế. Tôi xin lỗi. Xin phép được đèo cô về. - Tôi nhầm về cô. Cô quên tôi đi.

(Nhiều tác giả-HVVA-188) Như vậy, khi trả lại ngữ cảnh thì phát ngôn đó không còn là một lời mời lịch sự nữa mà đã trở thành một mệnh lệnh đuổi người nghe ra khỏi nhà.

Tóm lại, một câu chỉ được gọi là câu cầu khiến đích thực khi nó xuất hiện trong một ngữ cảnh chứa tình huống cầu khiến.

Một phần của tài liệu Sự hoạt động của những yếu tố thể hiện lịch sự trong câu cầu khiến tiếng Việt (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)