Trường thể hiện phẩm chất luôn lo âu, trăn trở

Một phần của tài liệu Nghiên cứu trường từ vựng - ngữ nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Quỳnh (Trang 77 - 85)

3. Ký hiệu bằng hình đồ họa trên màn hình máy tính, tượng trưng cho

3.4.4. Trường thể hiện phẩm chất luôn lo âu, trăn trở

Hành động luôn lo âu trăn trở của người phụ nữ được thể hiện rõ trong nhóm hành động thể hiện tình yêu. Đây là hành động thể hiện tâm trạng con người không thoải mái, luôn lo âu suy nghĩ về tình yêu. Những từ ngữ thể hiện cho sự lo âu trăn trở như: lo âu, yêu, thương nhớ...

Đọc thơ tình của Xuân Quỳnh, ta bắt gặp tâm trạng của một con người nhiều yêu thương, tinh tế nhưng luôn có những lo âu, trăn trở. Cái tôi của nhà thơ hạnh phúc, nhưng không hề bình yên thỏa mãn. Cái tôi đó luôn ở trong trạng thái xao động, đang chờ đợi, băn khoăn. Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất trân trọng và khao khát tình yêu. Cũng chính vì lẽ đó mà thơ chị đầy ắp những lo âu, e ngại. Trong cuộc đời thường đầy biến động này, tình yêu thật mong manh, dễ đổ vỡ. Bao giờ nó cũng kèm theo nỗi khắc khoải không yên:

“Em lo âu trước xa tắp đường mình Trái tim đập những điều không thể nói Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”

(Tự hát)

Người phụ nữ luôn lo âu trăn trở được thể hiện qua từ lo âu. Đây là từ thuộc nhóm động từ thể hiện tình yêu.

Trước những xa tắp đường mình Xuân Quỳnh đã thảng thốt, chạnh lòng lo sợ trái tim đập lạc lối. Yêu và lo sợ là hai trạng thái luôn luôn song hành trong trái tim yêu của Xuân Quỳnh.

Không những thế, nỗi lo âu của chị lại thường trực ngay cả trong những phút giây hạnh phúc. Những dự cảm, băn khoăn hoặc những suy nghĩ sắc sảo của chị được bộc lộ một cách tự nhiên trong mỗi vần thơ. Chính vì vậy, đôi lúc chị phải thốt lên thành tiếng tâm trạng bồn chồn lo lắng của mình:

“Hoa ơi sao chẳng nói Anh ơi sao lặng thinh Đốt lòng em câu hỏi

Yêu em nhiều không anh?”

(Mùa hoa doi)

Với Xuân Quỳnh dù được ở bên nhau rồi, nỗi lòng chị vẫn không nguôi thảng thốt. Ta cứ ngỡ chị miêu tả về một trạng thái tình cảm nhất thời, nhưng không đó là câu hỏi thường trực lúc nào cũng nhói buốt trong tim.

Với băn khoăn của Xuân Quỳnh yêu em nhiều không anh thì tình yêu đã được khẳng định, cái tôi chỉ cháy lòng nghĩ đến độ sâu, chiều rộng của thứ tình cảm không dễ đo đếm này.

Sự bất ổn trong tình cảm không lúc nào nguôi ngoai ấy của Xuân Quỳnh tạo nên sức sống mạnh mẽ ẩn chứa trong trái tim Xuân Quỳnh. Yêu nhiều, khát vọng nhiều để rồi lại mang trong mình những lo âu, những dự cảm bấp bênh:

Ôi cánh buồm gợi nhớ những niềm vui Cánh chuồn nào bay vào trong nỗi nhớ? Ngọn sào thưa cánh chuồn ai ngái ngủ

Những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu!”

(Chuồn chuồn báo bão)

Tình yêu mà Xuân Quỳnh nghĩ đến thường mỏng manh, dễ vỡ, không có gì là bền chặt. Tình yêu ngay trước mắt đấy rồi cũng biến mất vào không gian. Khi yêu nhau có thể nói hàng trăm hàng nghìn lời yêu thương. Xuân

Quỳnh đã nói và đã được người yêu mình bày tỏ tình yêu nhưng chị luôn lo âu, không tin tưởng vào lời yêu đó. Chị coi lời yêu thương mỏng manh như màu khói. Những làn khói mới đầu rất đậm màu, nhưng càng lên cao, bay xa thì nó càng mỏng manh, càng biến màu và sau đó biến mất trong không gian. Lời yêu của anh cũng vậy, yêu thương đấy nhưng biết đâu do thời gian, hoặc do không gian mà lòng anh sẽ đổi thay. Nhà thơ đã cảm nhận thấy sự mỏng manh, không hoàn thiện, sự không vĩnh cửu của cái đẹp trong đời thường và trong nghệ thuật.

Luôn mong ước tình yêu là vĩnh viễn trường tồn “Chẳng có thời gian, chẳng có không gian, chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn” vậy mà Xuân Quỳnh lại không tin vào tình yêu đó. Chị coi yêu và xa nhau luôn đồng hành cùng đến cùng đi:

“Em đâu dám mong là vĩnh viễn Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”

(Nói cùng anh)

Tự tin là thế, chủ động là thể nhưng có lúc Xuân Quỳnh đã bật lên tiếng nấc cô đơn, tiếng thở dài ai oán trong thơ:

“Một trời xanh, một biển tận cùng xanh Và gió thổi và mây bay về núi

Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em”

(Chỉ có sóng và em)

Biết bao lần Xuân Quỳnh phải thừa nhận nỗi đau buồn là bè bạn của mình. Biết bao lần nỗi lo âu khắc khoải cứ hiện trong mỗi dòng thơ chị viết. Bao lời yêu thương chị muốn trao gửi đến anh nhưng đã không có cơ hội được thể hiện. Chỉ còn em và sóng, chỉ có sóng có thể nghe em nói, nghe em tâm sự.

So với Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng mang một nỗi hoài nghi về cuộc đời:

“Em sợ lời khen của anh Như sợ chiều về, hắt tối

Nhiều khi ngồi buồn một mình Trách anh sao mà nông nổi”

(Anh đừng khen em) Người con gái ấy thường nhắc nhở mình:

Những cái gì dễ dãi Chẳng bao giờ bền lâu”

(Biển)

Phải chăng những người con gái ấy không tin tưởng vào tình yêu, vào cuộc sống nên lúc nào cũng mang trong mình những hoài nghi.

Thời gian qua mau đồng nghĩa với việc sống và yêu cũng qua mau. Xuân Quỳnh đã nhìn thấy quy luật của cuộc đời không cưỡng lại được:

Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa”

(Sóng)

Có chút suy tư, lo âu và đượm buồn trong lời thơ, Xuân Quỳnh nhận thức rằng cuộc đời tuy dài thế nhưng vẫn không ngừng trôi chảy theo thời gian và đến một lúc nào đó sẽ đi hết giới hạn của đời người. Như biển kia dẫu rộng lớn mênh mông nhưng liệu có giữ mãi được những đám mây trong lòng hay phải ngậm ngùi để mây bay về xa và trong em tình yêu đắm say vô hạn là

vậy, liệu có giữ được cơn gió là anh? Hạnh phúc trong tay người phụ nữ như một bình hoa quý, đẹp nhưng mong manh, dễ vỡ nên luôn lo sợ vỡ lúc nào không hay. Sự nhạy cảm về bước đi của thời gian và dự cảm về hạnh phúc mong manh luôn len lỏi trong thơ tình yêu của chị. Có lẽ chính vì vậy mà chị càng khao khát được hóa thân thành trăm con sóng nhỏbiển lớn tình yêu để mãi mãi bất tử với thời gian không gian vượt khỏi lẽ thường cả cõi tử sinh.

Người phụ nữ luôn lo âu, trăn trở được khắc họa rõ nét qua nhóm hành động thể hiện tình yêu lo âu, yêu, thương nhớ…Nhóm trường nghĩa này thể hiện rõ người phụ nữ luôn lo âu, trăn trở trong tình yêu.

Luôn mang trong mình những lo âu trắc trở với tình yêu không bền vững nhưng không vì thế mà chị bất mãn với cuộc đời. Chị vẫn mang trong mình những hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam đó là tấm lòng chân thành, luôn yêu thương chồng con hết mực cho dù có khó khăn, trắc trở.

Với Xuân Quỳnh, tình yêu hạnh phúc là cái đích cuối cùng của cuộc đời và tình yêu là ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo. Chính vì vậy, thơ tình của luôn chị hấp dẫn người đọc. Nó giản dị và đẹp trong tính nhân bản bởi đó là những câu thơ được viết ra bằng tình yêu và chính cuộc đời chị.

Tình yêu của Xuân Quỳnh mạnh mẽ nhưng cũng thật khiêm nhường, thậm chí yếu đuối đến tội nghiệp. Âu cũng là nỗi lòng muôn thuở của một người đàn bà. Tình yêu tạo nên bản lĩnh và cũng tạo nên sự yếu đuối trong tâm hồn chị.

Thơ Xuân Quỳnh đã đi vào lòng người trở thành tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi đắng cay ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử, tiếng nói hồn hậu, dung dị chứa đựng sự sống đương thời mà cũng in dấu nếp nghĩ, nếp cảm của tâm hồn người Việt xa xưa.

3.5. Tiểu kết

Những biểu tượng về tình yêu đôi lứa được tác giả thể hiện rõ qua những biểu tượng trái tim, bàn tay, sóng, thuyền, biển. Những biểu tượng này đã thể hiện được những suy nghĩ mà nhà thơ gửi trong đó. Đó là những suy nghĩ về tình yêu, những ước mơ về một tình yêu chân thành, bền vững.

Những phẩm chất của người phụ nữ được thể hiện qua các phương diện như: khao khát yêu thương và những ước mơ về tình yêu bền vững, vị tha, sẵn sàng hy sinh dâng hiến, sự táo bạo chủ động thể hiện tình yêu mãnh liệt, cuối cùng là người phụ nữ luôn mặc cảm, lo âu trăn trở về tình yêu. Phẩm chất của người phụ nữ được khắc họa khá thành công trong trường nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa

KẾT LUẬN

Xuân Quỳnh là nhà thơ thành công ở nhiều đề tài. Tuy nhiên, sự thành công nhất của bà có lẽ là chủ đề viết về tình yêu đôi lứa. Sở dĩ đạt được những thành công đó, ngoài tài năng, cảm xúc …nhà thơ đã biết sử dụng ngôn từ để thể hiện tình yêu. Một trong những thành công trong việc sử dụng trường từ vựng – ngữ nghĩa được thể hiện ở các lĩnh vực sau đây:

Qua việc tìm hiểu trường từ vựng ngữ nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Quỳnh, chúng tôi cho rằng:

1. Trường từ vựng – ngữ nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa trong tuyển tập thơ Xuân Quỳnh gồm 152 đơn vị từ vựng thể hiện tình yêu đôi lứa với số lần xuất hiện 1305 lần. Trong đó quan hệ dọc 1026 lần chiếm 79,1%, quan hệ ngang 50 lần chiếm 3,1%, quan hệ liên tưởng 219 lần chiếm 17%, hiện tượng chuyển trường 10 lần chiếm 0,8%. Theo kết quả trên thì quan hệ dọc chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là quan hệ liên tưởng và cuối cùng là quan hệ ngang và hiện tượng chuyển trường.

Trường ngữ nghĩa tình yêu đôi lứa là một tập hợp đa dạng và phong phú những từ ngữ có liên quan về mặt ngữ nghĩa với tình yêu, thể hiện được nhiều khía cạnh của tình yêu. Sự đa dạng ấy được thể hiện trong các nhóm từ loại thuộc quan hệ dọc. Nhóm từ đó gồm từ xưng hô, sự vật, hành động, tính chất. Tập hợp những từ ngữ thuộc quan hệ dọc cho thấy sự sáng tạo của nhà thơ trong việc kết hợp và liên tưởng từ ngữ. Tác giả có thể diễn đạt mọi khía cạnh, mọi cảm xúc tinh tế của tình yêu bằng những từ ngữ giàu sức biểu cảm.

2. Tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Quỳnh được thể hiện qua các biểu tượng tình yêu và được thể hiện qua những phẩm chất của người phụ nữ trong tình yêu. Các biểu tượng cho tình yêu gồm sóng, thuyền, biển, bàn tay, trái tim. Biển là biểu tượng chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm biểu tượng về tình yêu, chiếm 33,7%, xếp thứ hai là biểu tượng sóng chiếm 24,1%, bàn tay

chiếm tỉ lệ thấp nhất 19%. Qua kết quả phân loại trên đã cho chúng ta thấy trong những biểu tượng về tình yêu biển là biểu tượng chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm biểu tượng về tình yêu. Sóng, thuyền, biển, trái tim, bàn tay xuất hiện rất nhiều trong thơ ca nói về tình yêu nhưng đến Xuân Quỳnh những hình ảnh này được nhắc đến khá nhiều và nó đã trở thành biểu tượng về tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Quỳnh.

Những phẩm chất của người phụ nữ được thể hiện qua các từ ngữ thuộc quan hệ dọc, cụ thể hơn những từ ngữ đó thuộc nhóm hành động thể hiện tình yêu trong trường từ vựng – ngữ nghĩa thể hiện tình yêu. Những từ ngữ thuộc nhóm hành động có vai trò rất lớn trong việc thể hiện làm rõ những phẩm chất của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh. Không chỉ là người phụ nữ khao khát yêu đương, sẵn sàng hy sinh dâng hiến trong tình yêu mà Xuân Quỳnh còn là người phụ nữ táo bạo chủ động thể hiện tình yêu của mình nhưng luôn mang trong mình những lo âu, trăn trở về tình yêu không bền vững.

Đề tài “Nghiên cứu trường từ vựng ngữ nghĩa thể hiện tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh” có rất nhiều điều thú vị. Nó không chỉ góp phần về mặt lý thuyết trường từ vựng – ngữ nghĩa trong hệ thống ngôn ngữ mà còn có tác dụng về mặt thực tiễn. Về mặt lý thuyết giúp chúng ta có một cách hiểu khái quát hơn về lý thuyết trường nghĩa. Về mặt thực tiễn nó giúp chúng ta biết cách áp dụng phân tích trường nghĩa trong một tác phẩm cụ thể. Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi bước đầu mới tìm hiểu về những từ thể hiện tình yêu đôi lứa. Chúng tôi hy vọng rằng, việc nghiên cứu trường nghĩa sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong toàn bộ tác phẩm của Xuân Quỳnh với nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều bình diện khác nhau.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu trường từ vựng - ngữ nghĩa thể hiện tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Quỳnh (Trang 77 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)