Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước đồng thời là trung tâm báo chí của khu vực miền Bắc, vì thế, người dân Hà Nội có điều kiện thuận lợi để đón nhận tin tức và tham gia vào các sự kiện chính trị nhanh, trực tiếp so với các nơi khác trong cả nước. Với trình độ dân trí cao, dư luận của công chúng Thủ đô trước những sự kiện, vấn đề chung của cả nước thường thể hiện tính phản ứng nhanh, có ý nghĩa đại diện cao.
Với truyền thống văn hóa Thăng Long – Hà Nội, công chúng Thủ đô yêu thích văn chương (nhất là văn chương bác học), lịch sử, triết học… Sống gắn bó mật thiết với chính quyền cách mạng và chịu ảnh hưởng sâu sắc của cơ chế bao cấp, công chúng Thủ đô nói riêng và công chúng báo chí miền Bắc nói chung thích nói chuyện chính trị và đặt nhiều niềm tin vào những tờ báo chính thống, báo Trung ương mặc dù nội dung “khô khan” (Nhân Dân, Lao Động, Quân đội Nhân dân...)
Theo kết quả cuộc điều tra của Nguyễn Thu Giang (7/2006) [15]: 10 tờ báo được công chúng khu vực nội thành Thủ đô chọn mua nhiều nhất là: An ninh thế giới, Bóng đá, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô, Thể thao ngày nay, Tiền Phong, Hà nội mới, Tuổi Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh), Lao Động.
Do cơ chế bao cấp kéo dài, người dân Hà Nội và miền Bắc nói chung vẫn còn thói quen đọc báo “bao cấp” (đọc báo tại cơ quan, hoặc báo được cấp, phát thường xuyên theo tiêu chuẩn quy định). Vì thế việc bỏ tiền ra mua báo hằng ngày để đọc chưa trở thành thói quen phổ biến trong cộng đồng dân cư ở
Hà Nội – khác với thành phố Hồ Chí Minh, việc mua báo để đọc đã trở thành một nếp sinh hoạt thường ngày ngay cả đối với tầng lớp lao động bình dân.
Từ những đặc điểm văn hóa xã hội nói trên có thể thấy báo in nói chung và báo Đảng nói riêng đã có sự gắn bó lâu dài đối với công chúng Hà Nội. Người dân Thủ đô vẫn xem những tờ báo Đảng là những nguồn thông tin chính thống, tin cậy về tình hình chính trị đất nước. Đây là điều kiện quan trọng để báo Hànộimới phát huy truyền thống và thế mạnh của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin.