Trường phái xã hội học Chicago (1920 – 1940), Mĩ, có những nghiên cứu quan trọng đầu tiên về vai trò của truyền thông trong đô thị. Theo trường phái Chicago, truyền thông không chỉ bó hẹp trong việc phổ biến, trao đổi
thông tin mà chính truyền thông là nhân tố tạo tập và duy trì xã hội. Quan điểm của Robert E. Park cho rằng truyền thông là phương tiện để đảm bảo một xã hội Mĩ dân chủ, đồng thời, truyền thông là phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội xuất hiện ngày càng nhiều tại các đô thị Mĩ.
Marshall Mc Luhan (1964) ví các PT TTĐC là sự nối dài của hệ thần kinh và các giác quan của con người trong xã hội hiện đại.
Laswell nêu lên ba chức năng chính của TTĐC là: kiểm soát môi trường xã hội, liên kết các bộ phận xã hội với nhau, truyền tải di sản xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xét về tầm quan trọng của TTĐC đối với cá nhân, TTĐC có những chức năng cơ bản sau: báo động cho người dân về mối hiểm nguy sắp xảy ra, đáp ứng nhu cầu thực tế hàng ngày của người dân trong xã hội, nâng cao một hình ảnh xã hội nào đó hay hợp thức hóa một vị trí xã hội nào đó, củng cố sự kiểm soát xã hội.
Xét về mặt xã hội học, TTĐC là một thiết chế quan trọng góp phần vào quá trình xã hội hóa cá nhân. Các giá trị xã hội, các quy tắc, luật lệ thành văn hay bất thành văn, thông qua các kênh thông tin đến với các thành viên trong xã hội, được nhắc đi nhắc lại cho mọi người và thuyết phục họ đồng tình, vận động nhau cùng tuân thủ.
E. P. Prôkhôrốp lí luận “từ bản chất thông tin của báo chí chính là con đường trực tiếp dẫn tới chức năng của báo chí”, và ông cho rằng: “định hướng xã hội, quản lý ý thức và hành vi của người tiếp nhận thông tin đại chúng, hình thành bức tranh hiện thực tương ứng, cũng như cả những quan niệm về “tương lai mong đợi” và các con đường đạt tới đó, xác định quan điểm sống của công dân, chỉ rõ thái độ đối với các hiện tượng khác nhau của đời sống… tất cả những vấn đề nêu trên là những nhiệm vụ mang tính chức năng của báo chí trong thời kì hiện nay.” [52, tr.54-55]
Theo quan điểm của Mác – Ăngghen: “Báo chí không những có quyền, mà còn có nghĩa vụ giám sát một cách hết sức chặt chẽ hoạt động của các ngài đại biểu nhân dân”.[36, tr.219 – 220]
Báo chí là kênh thông tin tuyên truyền phổ biến các đường lối, chính sách của nhà lãnh đạo, quản lý xã hội đến nhân dân, đồng thời phản ánh đời sống xã hội dưới cơ chế lãnh đạo, quản lý đến các nhà cầm quyền. Trong Văn hóa nghe nhìn và giới trẻ, tác giả Đỗ Nam Liên cho biết: “khoảng 70% thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều được nhân dân biết đến qua truyền thông đại chúng.”[33, tr.222]
Báo chí tác động đến nhận thức xã hội với ba thành tố là thế giới quan, nhân sinh quan và dư luận xã hội trong đó tác động đến dư luận xã hội là cái dễ thấy và cụ thể nhất. Từ sự tác động đến nhận thức xã hội báo chí tác động thay đổi hành động xã hội.
PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng hiệu quả của TTĐC thể hiện ở ba mức độ [62, tr. 28 – 30]. Mức độ thấp nhất là hiệu quả tiếp nhận “đó là sự đánh giá về số lượng, cách thức tiếp cận và chấp nhận nguồn tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng”. Mức độ thứ hai là hiệu ứng xã hội, tức “những biểu hiện của xã hội hình thành do sự tác động của thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng”, trong đó, dư luận xã hội là “một hình thức phổ biến, dễ nhận biết của hiệu ứng xã hội của truyền thông đại chúng”. Mức độ thứ ba – mức độ cao nhất của hiệu quả của TTĐC là hiệu quả thực tế, đó là “những thay đổi, vận động thực tế của đời sống xã hội dưới tác động của truyền thông đại chúng.” Vai trò của truyền thông trong việc hình thành và phát triển văn hóa xã hội, thể hiện ở chỗ nó không chỉ “chuyển tải và quảng bá văn hóa, nó còn có nhiệm vụ lựa chọn và sáng tạo nội dung văn hóa nữa.” [55, tr.63]
Về vị trí, ý nghĩa của TTĐC trong đời sống xã hội, chúng tôi gần gũi với quan điểm của TS. Trần Ngọc Tăng: “Truyền thông đại chúng gắn liền với xã hội hiện đại. Nó vừa là sản phẩm của xã hội hiện đại vừa là điều kiện tồn tại của xã hội hiện đại, và do đó là một yếu tố quy định đặc trưng của xã hội hiện đại.” [59, tr.73]
Các nhà nghiên cứu truyền thông hiện đại nhấn mạnh ảnh hưởng chi phối của nền sản xuất hậu công nghiệp đối với hoạt động của TTĐC, qua đó
tác động gián tiếp đối với công chúng. Thông tin góp phần lớn trong việc tạo nên thương hiệu và giá trị của sản phẩm. Điều này có ý nghĩa chi phối mạnh mẽ đến mức nó đưa đến những thay đổi đáng kể trong cán cân trao đổi hàng hóa: giá trị của hàng hóa phụ thuộc mạnh mẽ vào thương hiệu hay là những thông điệp về sản phẩm hơn là phụ thuộc vào giá trị thực của sản phẩm. Dưới sức ép của nền sản xuất, một hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực mới đã xuất hiện trên các kênh TTĐC. TS. Ngô Tự Lập trong bài viết: “Nỗi lo cái mũi của nàng Kiều” đã chỉ ra và cảnh báo rằng về “sức ép của nền văn minh vật chất phương Tây, trong cơn bão những phương tiện thông tin đại chúng” [31] đối với các nước chậm phát triển hơn. Các PT TTĐC phương Tây đã và đang bóp méo nhiều ý niệm về văn hóa, thẩm mỹ cho mục đích kích thích tiêu dùng.
Rõ ràng, TTĐC có thể phản chức năng đối với xã hội, điều này phụ thuộc vào việc con người sử dụng và khai thác TTĐC như thế nào. TTĐC có thể kéo con người giữa các quốc gia lại gần nhau, TTĐC trở thành phương tiện và điều kiện cho giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, TTĐC cũng có thể phản chức năng khi nó bị lợi dụng vì những mục đích xấu, hoặc việc giao lưu văn hóa thông qua các kênh truyền thông có thể đưa đến sự xâm hại, mai một đối với văn hóa bản địa.