Truyền thông đại chúng trong đô thị

Một phần của tài liệu Báo Hà nội mới và công chúng thủ đô (Trang 31 - 32)

Từ góc nhìn xã hội học truyền thông đại chúng, “đô thị là hệ thống các trung tâm giao tiếp mà thành phần và cơ cấu thông tin của chúng được quyết định bởi sự hoạt động của các hệ thống thông tin, bởi sự hoạt động của toàn thể xã hội.” [16]

Với ý nghĩa đưa cá nhân tham gia vào các quá trình hoạt động xã hội, qua đó, gắn kết các cá nhân trong xã hội, TTĐC thể hiện vai trò quan trọng và phát huy sức mạnh của nó trong xã hội đô thị.

Bằng thông tin và nhờ thông tin, PT TTĐC tổ chức cho cả cộng đồng liên kết với nhau tạo thành sức mạnh để thực hiện các nhiệm vụ chung mà trong đời sống xã hội đô thị hiện đại luôn nảy sinh. “Các phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa to lớn trong quản lí văn hóa đô thị. Ngoài chức năng thông tin, làm diễn đàn cho cư dân đô thị hình thành dư luận văn hóa đúng đắn, lan truyền đến mọi thành viên trong xã hội đô thị, TTĐC góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công dân trong hoạt động quản lý văn hóa đô thị, nêu gương người tiêu biểu cho văn hóa lãnh thổ đô thị đó, đấu tranh với các hành vi, suy nghĩ, lối sống phi văn hóa, TTĐC thúc đẩy giao lưu học tập văn hóa lẫn nhau giữa các đô thị, làm diễn đàn cho các ngành quản lí văn hóa đô thị tiếp xúc, bàn bạc với dân cư.”[50]

Có một sự khác biệt lớn giữa truyền thông trong đô thị và truyền thông ở khu vực nông thôn. Đó là do lối sống đô thị có nhiều khác biệt so với lối sống nông thôn, trong đó, phải kể đến phương thức giao tiếp. Công chúng nông thôn chủ yếu sử dụng phương tiện giao tiếp liên cá nhân, điều này càng đúng với tổ chức xã hội ở nông thôn Việt Nam (gia đình, họ tộc, làng xóm). Trong khi đó, giao tiếp đại chúng thông qua các phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng đối với cư dân đô thị, trở thành một trong nhiều hành vi đặc trưng của cư dân đô thị. Bởi vì, cư dân đô thị tương tác với nhau chủ yếu dựa trên quan hệ chức năng. (Mối quan hệ liên cá nhân ở đô thị chủ yếu trong phạm vi gia đình và thời gian cho giao tiếp liên cá nhân ở đô thị đang giảm đi do nhịp sống gấp gáp ở đô thị…)

Một phần của tài liệu Báo Hà nội mới và công chúng thủ đô (Trang 31 - 32)